Dù đã kết thúc kỳ thi THPT quốc gia nhưng vẫn có không ít thí sinh chưa xác định rõ nên xét tuyển vào ngành nào hoặc theo tổ hợp môn thi nào để có nhiều cơ hội trúng tuyển ngay từ đầu vào ngành mình yêu thích.
Tổ hợp có điểm cao nhất
Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, trên lý thuyết tất cả thí sinh (TS) khi đăng ký dự thi đều có định hướng nghề nghiệp thông qua việc chọn môn thi. Tuy nhiên, không phải thi xong là hoàn thành việc chọn lựa tổ hợp môn xét tuyển. Bằng chứng từ việc đăng ký dự thi năm ngoái, ở cụm thi ĐH số TS đăng ký từ 4 – 5 môn chiếm đa số (trong khi một tổ hợp chỉ cần 3 môn). Thậm chí có một số TS đăng ký dự thi 6 – 8 môn. Như vậy, nhiều TS chọn môn thi nhưng chưa chắc chắn tổ hợp dùng để xét tuyển ngay thời điểm đó.
Trong trường hợp này, tiến sĩ Nghĩa khuyên: “Năm nay TS được đăng ký xét tuyển vào 2 trường với tối đa 4 ngành. Có nghĩa là nếu sử dụng hết số lượng tổ hợp môn, mỗi TS được phép đăng ký xét tuyển bằng 4 tổ hợp khác nhau. Tuy nhiên, cách tối ưu nhất là dựa vào ngành yêu thích, đối chiếu tổ hợp xét tuyển của trường với kết quả thi để chọn ra tổ hợp xét tuyển có kết quả cao nhất”.
Tiến sĩ Nghĩa nhấn mạnh, cần đặc biệt lưu ý là năm nay TS không được thay đổi nguyện vọng trong quá trình nộp hồ sơ. Thời gian xét tuyển ngắn hơn và TS có tới 2 cơ hội trúng tuyển. Khi đó, những TS điểm cao có khả năng trúng tuyển cả 2 trường, các TS này sẽ chiếm chỗ của những TS thấp điểm hơn. Vì vậy, nguy cơ không trúng tuyển vào trường nào của TS điểm cao vẫn có. Trường hợp này tiến sĩ Nghĩa cho rằng, cần lưu ý đến sự “vừa sức” khi đăng ký xét tuyển ở từng nhóm trường và trong từng loại tổ hợp môn.
Lưu ý ngành có nhiều tổ hợp
Tiến sĩ Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho rằng chiến thuật chọn tổ hợp môn còn phụ thuộc vào đặc điểm xét tuyển từng trường. Khi đó, TS phải lưu ý sự khác nhau ở những ngành có một hoặc nhiều tổ hợp.
Chẳng hạn, Trường ĐH Bách khoa xác định chung chỉ tiêu và điểm chuẩn cho các tổ hợp khác nhau trong cùng một ngành, TS chỉ cần lựa chọn tổ hợp có điểm cao nhất để nộp hồ sơ. Với những ngành có chỉ tiêu và điểm chuẩn riêng cho từng tổ hợp thì phải biết được chỉ tiêu, số lượng đăng ký và phổ điểm từng tổ hợp. “Trong trường hợp này chưa chắc TS sử dụng tổ hợp cao nhất là trúng tuyển”, ông Thông nói.
Về điểm này, tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, phân tích: “Một số ngành Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM có sử dụng đồng thời 2 tổ hợp: A và B, A và A1, A và D1. Kinh nghiệm các năm trước, 2 tổ hợp A – A1, A – D1 điểm trúng tuyển bằng nhau trong cùng một ngành. Riêng ngành xét tổ hợp A và B, điểm chuẩn của tổ hợp xét tuyển theo khối B luôn cao hơn khối A”. Ông Lý khuyên: “Ở một số ngành, trường sẽ công bố điểm sàn sát với điểm chuẩn. Tuy nhiên, đa số các ngành điểm chuẩn sẽ cao hơn sàn vài điểm. Vì vậy, điểm sàn xét tuyển sẽ là một cơ sở quan trọng để TS quyết định tổ hợp xét tuyển phù hợp”.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Trần Đình Lý, việc chọn môn nào xét tuyển đều phải căn cứ trên ngành học yêu thích. Sự linh hoạt lựa chọn tổ hợp môn phù hợp vào thời điểm này là để có cơ hội trúng tuyển cao nhất chứ không phải vào bằng được ĐH vì thực tế số sinh viên trúng tuyển rồi bỏ học thi lại do định hướng sai nghề nghiệp ở các trường ĐH không nhỏ.
Tham khảo thông tin xét tuyển ở đâu ?
Năm nay quy chế tuyển sinh không bắt buộc các trường công khai thông tin xét tuyển để TS tham khảo nên sẽ gây khó cho TS. Tiến sĩ Trần Đình Lý khuyên trong hoàn cảnh này thì kênh thông tin quan trọng nhất để tham khảo khi chọn tổ hợp xét tuyển chính là điểm chuẩn năm ngoái của ngành và trường đó. Còn tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa cho biết: “Thứ tự điểm chuẩn cùng một ngành của các trường cơ bản sẽ không thay đổi, đây sẽ là thông tin tham khảo quan trọng để TS cân nhắc để chọn trường vừa sức”.
Theo: Hà Ánh (TNO/Giaoduc)