Chọn ngành nghề: Kinh tế lên-Ngoại ngữ xuống?

(Hiếu học). Xu hướng chọn ngành nghề trong giới trẻ hiện nay và điểm tuyển sinh của các trường phản ánh nhu cầu về nghề nghiệp, nhân lực…của xã hội. Tuy nhiên, trào lưu: “Kinh tế lên ngôi, Kỹ thuật xuống giá, Y Dược phong độ, Ngoại ngữ ế ẩm” này chưa hẳn là một dự báo nhu cầu nghề nghiệp đáng tin cậy.

Dự báo tiềm năng ngành nghề? (Ảnh minh họa)

Kinh tế lên ngôi.

Có lẽ chưa bao giờ những ngành thuộc khối Kinh tế – Tài chính – Ngân hàng được ưa chuộng như giai đoạn gần đây. Theo thống kê tuyển sinh năm 2009, số hồ sơ đăng ký dự thi vào khối ngành Kinh tế – Quản trị kinh doanh chiếm tới hơn 810 ngàn hồ sơ, chiếm 38% tổng số hồ sơ. Năm nay, mức điểm chuẩn cao nhất của các trường hàng đầu trong khối ngành Kỹ thuật – Công nghệ vẫn chưa bằng mức điểm chuẩn thấp nhất vào các trường top trên trong khối ngành Kinh tế – Tài chính – Ngân hàng.

Cụ thể, điểm chuẩn thấp nhất của ĐH Ngoại Thương là 23,5 (gần 8 điểm/môn) còn ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội là 22,5 điểm, Học viện Ngân hàng và Học viện Tài chính là 22 điểm…

Trong khi đó, điểm chuẩn cao nhất vào ĐH Bách khoa Hà Nội là 21 điểm, ĐH Bách khoa TP.HCM là 21,5 điểm, ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội là 20 điểm, ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM là 18 điểm, ĐH Công nghệ (ĐHQG Hà Nội) là 20,5 điểm…

Nếu như cách đây 2-3 năm, lượng thí sinh điểm cao, đặc biệt là số lượng thủ khoa trong toàn quốc ở khối A tập trung nhiều ở các trường khối Kỹ thuật thì năm nay chứng kiến sự lên ngôi đặc biệt của các trường ĐH Ngoại Thương, ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội… Điều này cho thấy xu hướng các học sinh giỏi “dịch chuyển” mơ ước nghề nghiệp từ khối ngành Kỹ thuật – Công nghệ sang khối Kinh tế – Tài chính.

Theo nhận định của một số chuyên gia tuyển sinh thì nhu cầu đào tạo ngành Kinh tế, Tài chính, Ngân hàng vẫn có xu hướng tăng do nguồn cung hiện tại vẫn chưa đáp ứng đủ cầu, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. rất nhiều trường ĐH, CĐ có đào tạo ngành Tài chính – Ngân hàng với quy mô đào tạo tăng lên nhanh chóng.

Y – Dược phong độ.

“Nhất Y, nhì Dược” – câu nói nổi tiếng trong giới sinh viên từ xưa ngày càng được chứng minh qua các kỳ tuyển sinh ĐH.

Khối B vốn là khối có tổng chỉ tiêu tuyển sinh không nhiều so với tổng thí sinh dự thi nên tỷ lệ chọi ở các ngành, các trường ở khối này khá gay gắt. Những năm gần đây, điểm chuẩn vào các ngành bác sỹ trong các trường này luôn ở mức gây sốc.

ĐH Y Hà Nội năm 2007 lấy điểm chuẩn ngành Bác sỹ đa khoa 27,5 điểm còn năm 2008 lấy điểm chuẩn ngành Bác sỹ Răng hàm mặt ở mức điểm cao ngất ngưởng 28,5 điểm (trung bình 9,5 điểm/môn). ĐH Y Dược TP.HCM năm 2007 cũng lấy điểm các ngành Bác sỹ Răng hàm mặt, Dược sỹ và Bác sỹ đa khoa từ 27-27,5 điểm còn năm 2008 từ 26-27 điểm. ĐH Dược cũng luôn dao động ở mức 24-25 điểm.

Năm nay, mặc dù mặt bằng điểm chuẩn của các ngành này không cao bằng năm ngoái, nhưng số lượng điểm thi ĐH khối B từ 27 điểm trở lên vẫn hầu hết đều tập trung ở các này.

Một loạt thủ khoa các trường ĐH lớn phía Nam, như Lê Viết Sơn (ĐH Khoa học Tự nhiên), Trần Duy Khiêm (ĐH Ngoại Thương cơ sở 2), Bùi Đình An (Khoa Kinh tế, ĐHQG TP.HCM), Cao Thị Thu Nga (ĐH Kinh tế TP.HCM)… đều không theo học ở trường họ đỗ thủ khoa mà chọn ĐH Y Dược TP.HCM.

Nhiều thủ khoa phía Bắc, như Nguyễn Việt Hà (Học viện Ngân hàng), Nguyễn Chí Dũng (ĐH Y Hà Nội)… chọn ĐH Y Hà Nội. Điều ấy cũng chứng tỏ sức hút mạnh mẽ từ khối trường Y – Dược.

Kỹ thuật mất vị thế.

Cách đây khoảng vài năm những cụm từ như Kinh tế tri thức, mũi nhọn Công nghệ Thông tin, tiềm năng Công nghệ Sinh học… có sức hút rất lớn đối với học sinh, sinh viên. Các ngành học Công nghệ Thông tin, Điện tử Viễn thông… trở thành thời thượng vì được dự báo nhu cầu nhân lực và cơ hội nghề nghiệp sẽ đầy sáng lạn ngay trong tương lai gần. Những trường ĐH top trên trong khối ngành này tha hồ yên tâm tuyển chọn thí sinh với chất lượng cao vì nguồn tuyển dồi dào.

Tuy nhiên, khối ngành này có sự rớt giá trong thời gian gần đây, đặc biệt năm nay xu hướng này nổi trội dễ nhận thấy. Điểm chuẩn của các trường top trên khối Kỹ thuật – Công nghệ – Khoa học đều thụt lùi khá nhiều so với chỉ 1-2 năm trước đây. Các trường lớn như ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội, ĐH Công nghệ (ĐHQG Hà Nội)… điểm chuẩn rất nhiều ngành đều giảm tới 2 điểm, thậm chí 3-4 điểm. Thậm chí, nhiều trường hàng đầu năm nay phải tuyển một số lượng lớn nguyện vọng 2.

Năm nay, không ít thủ khoa khối A bày tỏ sự đánh giá thấp triển vọng nghề nghiệp ở khối ngành từng là rất hot với các lứa thủ khoa trước đây. Ngay các đại diện tuyển sinh của nhiều trường danh tiếng như ĐH Công nghệ, ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐHQG Hà Nội cũng bày tỏ sự quan ngại trước tình hình các học sinh giỏi không mặn mà với những ngành khoa học, kỹ thuật mà hướng tới những ngành có triển vọng dễ kiếm tiền.

Riêng việc thí sinh ít quan tâm đến các ngành công nghệ thông tin (CNTT) là một điều được cho là mâu thuẫn với sự phát triển ngày càng cao của CNTT tại nước ta. Ngoài lý do về sự quan tâm của xã hội, còn có một số lý do rất thực tế. TS. Hoàng Kiếm – Hiệu trưởng ĐH CNTT – nhận xét: “Các trường CĐ, TCCN, các học viện CNTT như NIIT, Aptech hiện nay đã được mở ra rất nhiều. Những nơi này đã chia sẻ không ít lượng sinh viên nộp đơn vào thi tại khoa CNTT các trường ĐH cũng như các trường ĐH chuyên đào tạo CNTT.

Điều này cũng cho thấy, quy hoạch nghề nghiệp và dự báo nhu cầu nhân lực ở tầm vĩ mô còn chưa có độ tin cậy.

Ngoại ngữ ế ẩm.

Tương tự, khối ngành Ngoại ngữ cũng một thời được giá giờ rơi xuống khu vực các ngành ế ẩm, đặc biệt là những ngành không phải tiếng Anh. Ở những trường top trên, tình hình còn khả quan còn ở khối các trường ngoài công lập, thậm chí có nhiều ngành phải tạm đóng cửa vì số lượng sinh viên đăng ký theo học quá ít, không đủ con số tối thiểu để mở lớp.

Chẳng hạn ngành Tiếng Nhật ở ĐH Hùng Vương nhiều năm liền rơi vào cảnh thiếu hụt hồ sơ xét tuyển. Ở nhiều ĐH khác, như những ngành tiếng Đức, tiếng Trung, tiếng Pháp, Trung Quốc học tại ĐH Ngoại ngữ – Tin học cũng phải tạm ngừng tuyển sinh vì quá ít thí sinh đăng ký học. Thí sinh trúng tuyển được động viên chuyển sang một số ngành khác tại trường.

Với tình hình ế ẩm như vậy, rất nhiều khả năng đến mùa tuyển sinh năm sau, nhiều trường sẽ phải xoá sổ các ngành học này vì tuyển sinh triền miên không đủ chỉ tiêu.

Lý do ế ẩm của khối ngành Ngoại ngữ được lý giải vì cơ hội việc làm của cử nhân khối ngành này ngày càng hạn chế. Đa số các nhà tuyển dụng hiện chỉ coi ngoại ngữ là phương tiện, kỹ năng chứ không phải một ngành chuyên môn, vì thế, các sinh viên tốt nghiệp các ngành Ngoại ngữ sẽ thiếu khả năng cạnh tranh so với các ngành khác. Hơn nữa, việc các trung tâm ngoại ngữ mở ra khắp nơi mang đến cơ hội rèn luyện ngoại ngữ phong phú hơn rất nhiều so với việc vào học tại các trường chính quy.

Theo VnMedia/(hieuhoc_hieuhoc.com)..

Cùng chuyên mục