Đứng trước thách thức chọn nghề, nhất là những người đang muốn chọn con đường đại họcY khoa, tôi xin chia sẻ chân thành để những bạn trẻ có thể hình dung phần nào, từ đó có quyết định sáng suốt nhất cho mình.
Đòi hỏi đối với sinh viên Y khoa
Trí tuệ để học trường Y không cần quá xuất sắc, quá thông minh. Tư duy thông minh chỉ là phương tiện giúp học nhanh, học nhàn và nhớ lâu. Hầu hết môn học trong trường Y là học thuộc lòng, hoạt động suy luận trên cơ thể người phải được kiểm chứng và không bao giờ cho phép bác sĩ tự suy luận cá nhân để đưa ra cách chữa như kiểu giải bài tập toán. Tuy vậy, trí tuệ trong trường Y lại vô cùng cần thiết để lôgic hóa các hiện tượng rời rạc, để kết nối thành hệ thống thông tin giúp cho chẩn đoán đúng và nhanh trong những trường hợp khó. Nó là chất liệu mạnh để tạo nên các thầy thuốc giỏi.
Chăm chỉ là đức tính quan trọng và cần thiết nhất bởi nó giúp sinh viên thuộc và hiểu nhiều thông tin. Các thông tin được hấp thụ vào người chăm chỉ sẽ tạo nên những phản xạ kiến thức. Giữa hàng trăm ngăn kiến thức, bất ngờ cần dùng một thông tin nào đó, người chăm chỉ sẽ dễ dàng đáp ứng.
Kiên trì là phương tiện thứ hai, vì học Y khoa là học một chuỗi kiến thức theo logic, nếu không học lần lượt sẽ chẳng hiểu gì, chẳng có kết quả. Muốn học được hệ thống như vậy, cần phải kiên trì liên tục.
Sẵn sàng hy sinh các thú vui cá nhân. Học Y khoa cần nhiều thời gian, kiến thức yêu cầu và lượng thông tin nhiều, đòi hỏi sinh viên phải dành phần lớn thời gian để học, không có thời gian chơi. Những dịp hè, chúng tôi không về quê mà đến bệnh viện học để trau dồi thêm kiến thức, kinh nghiệm. Đương nhiên một số thú vui như đi du lịch, thể thao, giải trí cũng nhiều khi phải gác lại để dành thời gian cho học tập.
Chi phí tài chính khi học Y khoa lớn và kéo dài, học 6 năm mới tốt nghiệp bác sĩ đa khoa, vẫn chưa biết chữa bệnh gì. Muốn học và hành nghề tàm tạm cũng phải bỏ ra ít nhất 9 năm. Học dài như vậy, lại học khó và học nhiều, nên chẳng có thời gian làm thêm kiếm tiền, tất cả trông chờ gia đình chu cấp. Tôi chưa thống kê cụ thể nhưng chắc chắn chi phí cho quá trình học để trở thành bác sĩ là một con số không hề ít, có thể tương đương giá trị một căn hộ nhỏ.
Ai đó muốn học Y khoa để sau này kiếm tiền thì hãy xem lại, vì về mặt tài chính, đầu tư lớn và dài, nhiều rủi ro có thể chẳng thu được vốn nếu chỉ được hưởng lương nhà nước sau khi đi làm công chức y khoa. Những ai đó muốn cho con học Y khoa để sau này làm thày thuốc kiếm được nhiều tiền, nhiều lộc thì hãy suy nghĩ và cẩn trọng vì thường đầu tư nhiều mà lương rất thấp.
Sức khỏe phải tốt mới học được Y khoa. Với thời gian học dài, học nhiều, phải có sức khỏe tốt mới trụ được. Ngoài ra sinh viên Y phải đối mặt với trực đêm, học – thi – học liên miên không ngừng.
Tuy nhiên, ngành Y vẫn là ngành được không ít người lựa chọn, muốn con cái theo học vì tính thánh thiện của nó, vì sự hấp dẫn của một ngành khoa học có đầu tiên trong lịch sử loài người và chắc chắn sẽ tồn tại lâu nhất. Ngành Y cũng mang lại nhiều cung bậc cảm xúc buồn vui cho các thầy thuốc.
Trải nghiệm hạnh phúc của tôi trong ngành Y là sự khỏi bệnh của bệnh nhân. Mỗi lần bệnh nhân đỡ bệnh, khỏi bệnh, tôi lại rất vui và đó cũng chính là động lực mạnh mẽ để tôi vượt qua những thách thức trong nghề nghiệp và cuộc sống.
Đứng trước thách thức chọn nghề, nhất là những người đang muốn chọn con đường đại họcY khoa, tôi xin chia sẻ chân thành để những bạn trẻ có thể hình dung phần nào, từ đó có quyết định sáng suốt nhất cho mình. Hãy suy nghĩ cẩn trọng, chọn trường nào, chọn thầy nào là rất quan trọng, tránh nghe người khác một cách mù quáng để rồi ảo tưởng về ngành Y.
Tấm gương của các thầy thuốc – thầy giáo
Sinh viên Y khoa bị ảnh hưởng rất nhiều từ các thầy thuốc – thầy giáo. Những người thầy tốt, giỏi sẽ được sinh viên tìm ra và tôn vinh ngay. Sinh viên sẽ học rất nhanh cách các bậc thầy đối xử với nhau, đối xử với sinh viên, sự yêu ghét sẽ được sinh viên bình phẩm.
Để sinh viên Y khoa học chăm, cẩn thận thì chính các thầy lãnh đạo, thầy dạy phải mẫu mực một cách trung thực và tự trọng, để làm gương cho các thế hệ sau đó noi theo. Nếu thầy nào đi dạy chỉ để kiếm sống, các sinh viên sẽ biết ngay và ảnh hưởng đến kết quả đào tạo.
Thầy dạy Y khoa phải luôn đàng hoàng, không được bắt chẹt, kiếm tiền bất chính của sinh viên. Đây là điều tồi tệ nhất đối với một thầy giáo, đặc biệt là người thầy dạy Y khoa. Nếu giáo viên ăn tiền của bệnh nhân, ăn tiền của sinh viên thì hậu quả là những sinh viên là “nạn nhân” của thầy hôm nay sẽ trở thành thủ phạm và tội đồ trong tương lai.
Thầy dạy Y khoa yêu cầu bắt buộc phải là thầy thuốc giỏi, có như thế sinh viên mới phục. Thầy mà không chữa khỏi được cho bệnh nhân thì sinh viên có dám học thầy không? Trong y giới, “thầy nào trò nấy” cũng là thứ hay được dùng đánh giá chất lượng đào tạo. Thầy chữa bệnh kém, khó dạy ra học trò là bác sĩ giỏi.
Theo: (TS.BSĐỗ Hoàng Dương/TPO)