Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020. Có chính sách ưu tiên đối với đào tạo nguồn nhân lực hoạt động nghề cá trên biển, đặc biệt các cán bộ khoa học về nguồn lợi, khai thác, cơ khí, đăng kiểm tàu cá…
Đến năm 2020, tạo việc làm cho 5 triệu lao động nghề cá
Theo đó, đến năm 2020 ngành thủy sản dự kiến sẽ tạo việc làm cho 5 triệu lao động nghề cá có thu nhập bình quân đầu người cao gấp 3 lần so với hiện nay, trong đó trên 40% tổng số lao động nghề cá qua đào tạo. Xây dựng các làng cá ven biển, hải đảo thành các cộng đồng dân cư giàu truyền thống tương thân, tương ái, có đời sống văn hóa tinh thần đậm đà bản sắc riêng.
Chiến lược cũng hướng tới mục tiêu từng bước nâng cao trình độ dân trí, đời sống vật chất và tinh thần của ngư dân, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và quốc phòng, an ninh vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Năm 2020, kinh tế thủy sản góp 30-35% GDP khối nông-lâm-ngư nghiệp, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành thủy sản từ 8-10%/năm. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 8-9 tỷ USD. Tổng sản lượng thủy sản đạt 6,5-7 triệu tấn, trong đó nuôi trồng chiếm 65-70% tổng sản lượng.
Chiến lược cũng đưa ra các giải pháp về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực như: sắp xếp, tổ chức lại, củng cố,nâng cấp, mở rộng hệ thống cơ sở đào tạo nguồn nhân lực thủy sản phù hợp với nhu cầu phát triển sản xuất.
Xây dựng trường đại học thủy sản và các cơ sở dạy nghề thủy sản tại vùng ĐBSCL. Ban hành chính sách khuyến khích các cơ sở nghiên cứu, đào tạo gắn kết với doanh nghiệp, trang trại và cơ sở sản xuất để đưa nhanh tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất.
Tập trung đào tạo cán bộ có chuyên môn cao , cán bộ khoa học và cán bộ quản lý; xã hội hóa trong việc đào tạo lao động nghề cá, hướng tới đào ạo có địa chỉ, theo nhu cầu thị trường.
Có chính sách ưu tiên đối với đào tạo nguồn nhân lực hoạt động nghề cá trên biển, đặc biệt các cán bộ khoa học về nguồn lợi, khai thác, cơ khí, đăng kiểm tàu cá…
Theo: Đến năm 2020, tạo việc làm cho 5 triệu lao động nghề cá (Tamnhin)