Chất lượng đào tạo ĐH, CĐ về CNTT ở Việt Nam?

Siết rất chặt “đầu vào” nhưng “đầu ra” của đào tạo đại học, cao đẳng về CNTT-TT ở Việt Nam lại đang thả lỏng chất lượng của sinh viên sau khi tốt nghiệp.

“Có nhiều kỹ sư/cử nhân CNTT được đào tạo 4 năm lại không thể làm việc cho doanh nghiệp tuyển dụng tốt bằng một người trải qua 1 năm đào tạo tại Trung tâm Đào tạo lập trình viên Aptech”. (Hình minh họa)

Ở Việt Nam, “cánh cửa” đại học là đích hướng đến của hầu hết học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học, nhưng chỉ có khoảng 16% đỗ vào đại học, trong khi ở Hàn Quốc, số học sinh thi vào đại học thì tỷ lệ đạt tới 45%.

Siết rất chặt “đầu vào” nhưng “đầu ra” của đào tạo đại học, cao đẳng về CNTT-TT ở Việt Nam lại đang khá “thoáng”, thả lỏng chất lượng của sinh viên sau khi tốt nghiệp.

.

Việt Nam đang thiếu trầm trọng đội ngũ giáo viên CNTT

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Trung tâm Tin học trường Đại học Thuỷ lợi cho rằng, đào tạo nhân lực CNTT-TT tại các trường đại học, cao đẳng đang được triển khai tràn lan, số lượng rất lớn nhưng không chú trọng đến chất lượng. Sau 4 – 5 năm ngồi trên giảng đường đại học – cao đẳng, rất nhiều kỹ sư/cử nhân CNTT không thể làm việc cho doanh nghiệp tuyển dụng tốt bằng một người trải qua 6 tháng hoặc 1 năm đào tạo tại Trung tâm Đào tạo lập trình viên Aptech. “Các trường đại học đều mở khoa CNTT nhưng lại đang thiếu trầm trọng đội ngũ thầy giáo. Trước đây cứ 5 thầy thì giảng dạy cho 15 – 20 trò, nhưng nay thì phải “cáng đáng” số lượng sinh viên nhiều hơn gấp 3 lần. Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) cần phải tính tới vấn đề quản lý chất lượng “đầu ra” của các trường”, ông Tùng lưu ý.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT trong đó đặt mục tiêu từ nay đến 2020 sẽ phải đào tạo được 1 triệu kỹ sư về CNTT, trong đó 80% phải có năng lực làm việc cho thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Nhật Quang, Giám đốc Công ty Phần mềm Hài Hoà làm phép tính cộng đơn giản thì thấy rất khó có thể đạt con số 1 triệu vừa nêu. Theo ông Quang, Bộ GD&ĐT chủ trương mỗi năm chỉ cho phép tuyển sinh 50.000 chỉ tiêu CNTT trên phạm vi cả nước, nhân với 9 năm (vì hiện đã là giữa năm 2011) thì được 450.000 nhân lực, cộng thêm với tổng số khoảng 150.000 – 200.000 nhân lực hiện có thì cũng còn xa mới “với tới” con số 1 triệu.

Nhiều chuyên gia đề xuất ngoài việc phấn đấu để đạt cho được 1 triệu nhân lực CNTT trình độ cao vào năm 2010, Bộ GD&ĐT cũng cần có những động thái tích cực hơn để đảm bảo chất lượng của lực lượng nhân lực khá hùng hậu này. Nếu chỉ chạy theo số lượng mà buông lơi chất lượng thì cũng còn xa Việt Nam mới có thể trở thành nước mạnh về CNTT-TT, và lại càng xa hơn nữa nếu muốn Việt Nam trở thành nước mạnh bằng CNTT-TT.

Nếu theo quy luật thị trường sẽ vi phạm?

Trao đổi với phóng viên Báo Bưu điện Việt Nam về việc tại sao đào tạo CNTT-TT tại Việt Nam lại đi ngược quy luật thị trường, TS. Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng trường Đại học FPT lý giải hệ thống giáo dục đào tạo của Việt Nam hiện có rất nhiều vấn đề đang được quản lý tập trung từ chương trình, khâu tuyển sinh, các quy định tài chính đối với sinh viên… Với hình thức quản lý tập trung, có thể tạo “chốt chặn” để một số trường không thể “tồi” được, nhưng đồng thời cũng kèm theo nguy cơ khiến một số trường muốn tốt hơn lên cũng không thể tốt được vì hành lang đã được định sẵn.

Lấy minh chứng Trường Đại học FPT, ông Lê Trường Tùng cho biết nhà trường luôn cố gắng để công tác đào tạo của mình phù hợp với quy luật thị trường nhưng cũng chính vì thế mà hay bị các trường khác hoặc Bộ GD&ĐT nói là “lách luật”. Chẳng hạn về mặt nguyên tắc, nếu theo quy luật thị trường thì mỗi trường sẽ phải tự chịu trách nhiệm về “đầu vào” của mình, nhưng với cơ chế tập trung như hiện nay thì Bộ làm công việc tuyển sinh cho tất cả các trường, Đại học FPT đề nghị Bộ cho phép tổ chức một đợt tuyển sinh riêng nhưng Bộ không chịu, thế nên đành phải “đặt tên” cho hoạt động tuyển sinh của trường Đại học FPT là sơ tuyển.

“Liên quan tới việc giao quyền tự chủ cho các trường, có ý kiến lo lắng rằng nếu cứ để cơ chế tự do thì sẽ có trường sẽ hạ chất lượng của mình xuống, hoặc sẽ phát sinh tình trạng buôn bán bằng cấp… Tuy nhiên, những người phát biểu như vậy thực ra không hiểu quy tắc của kinh tế thị trường. Quy luật thị trường có những nguyên tắc để ràng buộc, hạn chế những tiêu cực như vậy. Đơn cử như không phải nhà trường cứ thích tăng học phí thì sinh viên sẽ đồng ý, hoặc không phải nhà trường sẽ tuyển sinh tất cả những người có nguyện vọng theo học”, TS. Lê Trường Tùng khẳng định. Chia sẻ thêm về bất cập “đi ngược quy luật thị trường”, ông Tùng dẫn chứng thêm ví dụ chỉ tiêu tuyển sinh. Thông thường, nếu sản xuất vượt năng suất thì sẽ được biểu dương thành tích. Nhưng riêng giáo dục đào tạo thì khi Bộ đã “chốt” chỉ tiêu tuyển sinh, trường nào tuyển quá chỉ tiêu đó sẽ bị phạt tiền, thậm chí có thể bị đình chỉ tuyển sinh. Có thể nói cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp đang nhìn về 2 hướng khác nhau, cản trở sự phát triển của đất nước.

Để phát triển giáo dục đào tạo nói chung và giáo dục đào tạo CNTT nói riêng theo đúng quy luật thị trường, theo ông Tùng, cần rà soát lại tất cả các biện pháp quản lý hiện nay, cái nào không phù hợp cơ chế quản lý thị trường thì gỡ bỏ. Nếu không gỡ bỏ được cho toàn bộ hệ thống giáo dục thì ít nhất cũng gỡ bỏ cho khối đào tạo CNTT.

Khi đào tạo CNTT-TT theo đúng quy luật thị trường, Việt Nam sẽ có được nguồn nhân lực chất lượng cao có thể đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn quốc tế, nhanh chóng có những bước “nhảy vọt” trên trường quốc tế.

Theo: “Buông chất lượng của 1 triệu nhân lực CNTT?” (ICTnews/NLD)

Bài liên quan

Thiếu giảng viên trầm trọng

Bên cạnh việc thành lập, mở ngành mới ở các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) diễn ra ồ ạt thì việc tuyển giảng viên càng trở nên rầm rộ. Thế nhưng, khó mà đáp ứng được vì nhu cầu rất lớn.

Ưu tiên cho đội ngũ chuyên gia làm CNTT

(Hiếu học)Ngày 6/5, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp có buổi làm việc với ĐH FPT và giao lưu cùng SV. Nội dung buổi làm việc xoay quanh vấn đề ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao CNTT hướng tới đề án “Nước mạnh về CNTT” của Chính phủ.

Học ngành khoa học máy tính, ra trường làm gì?

(Hiếu học) Chương trình đào tạo cử nhân & kỹ sư ngành Khoa học máy tính dựa trên chương trình khung của Bộ Giáo dục Đào tạo nhưng mỗi trường đào tạo với mục đích có chút ít khác nhau. 

Cùng chuyên mục