Chàng trai mê trà đạo nhờ… Nguyễn Tuân

Đâu đó người ta vẫn bắt gặp một bộ phận giới trẻ “đóng đô” tại những quán trà bình dị, đậm chất Việt và không thiếu những điều bổ ích. “Thái Nguyên trà” là một quán như vậy với chàng trai trẻ mê trà.

Muôn vẻ phong cách Trà

Dạo qua các khu phố sầm uất hay tập trung nhiều sinh viên, chúng ta dễ bắt gặp rất nhiều quán trà với nhiều phong cách khác nhau. Đó có thể là Nhật Bản,Trung Quốc, Hàn Quốc và cả Việt Nam.

“Thái Nguyên Trà” là một quán “thuần Việt”, nép mình trong một con ngõ nhỏ không sầm uất, không tất bật của Hà Nội. Ông chủ của quán là Trần Xuân Khánh – một người Việt trẻ.

Cái thời quần lò xo đi học, Khánh mê như điếu đổ “Vang bóng một thời” của Nguyễn Tuân, đặc biệt là những truyện ngắn viết về văn hóa thưởng trà. Bởi chè (hay trà) là đặc sản của quê Khánh – Thái Nguyên.

Ra Hà Nội học ĐH, Khánh ngạc nhiên bởi giữa lòng một Hà Nội văn hiến, bao quán trà mọc lên, ít nhiều đều phải “bấu víu” vào một nền văn hóa trà ngoại lại từ tên quán, không gian bài trí và cả tên các món trà để tồn tại. Từ đó, Khánh nuôi ước mơ về một quán trà thật thuần Việt ngay tại thủ đô.

Trong một diện tích khiêm tốn, một bộ bàn ghế bằng tre được đặt ngay ngắn ở giữa gọi về cái thân thuộc, bình dị của làng quê Việt. Nếu các gói chè để bán được đóng gói cẩn thận đặt trang trọng trên các giá tre thì chè dùng để mời khách được bảo quản kĩ càng trong một loạt chum vại xếp hàng ngay ngắn trong phòng.

Những sản phẩm đặc sản của vùng đất Thái Nguyên được giới thiệu nơi quán trà.

Đến những thứ không thể “tre hóa” như bình đun nước nóng thì chủ quán cũng “Việt hóa” bằng cách thiết kế cách điệu theo hình đốt tre.

Cách pha trà cầu kỳ đủ đưa khách lạc vào không gian thâm nghiêm, cổ kính của những cụ Ấm, cụ Sáu trong tác phẩm của Nguyễn Tuân xưa. Nếu cụ Sáu trong “Những chiếc ấm đất” chỉ uống trà bằng thứ nước được lấy trên tận chùa Đồi Mai thì ở đây chủ quán cũng chỉ pha trà bằng thứ nước mưa được hứng và mang về từ chính vùng trồng chè của Thái Nguyên với tâm niệm rằng chè chỉ thực sự ngon khi được pha bằng thứ nước mưa thanh khiết của chính vùng đất nó lớn lên.

Với chủ quán,một bữa thưởng trà trọn vẹn luôn bao gồm hai lượt uống. Lượt đầu tiên chủ quán rót trà trong những chén tống chén quân, gọi là cốc khai vị. Lượt thứ hai, chủ quán rót trà vào một chén có hình trụ cao sau đó chuyên qua một chén nhỏ thấp.

Chủ quán cũng đặt một giá sách và cả chiếc giỏ xinh xinh đựng những tập thơ để thực khách vừa có thể thưởng trà vừa có thể bình thơ. Đưa thơ vào quán trà để vừa thưởng trà vừa bình thơ như những tao nhân mặc khách, chủ quán tin vào cái điều mà ông cụ Ấm trong “Chén trà sương buổi sớm” ưu tư : “Ngâm như thế là đủ tiết hết ra ngoài những cái nặng nề trong thân thể”.

Xuân Khánh góp phần tạo nên văn hóa trà giữa lòng Hà Nội.

Thưởng trà…để sống chậm

Sinh năm 1985, Trần Xuân Khánh “già” hơn so với tuổi, Khánh đạo mạo như một triết nhân giữa không gian thuần Việt cổ kính mà mình tạo dựng và pha trà thì điệu nghệ như một nghệ nhân Chado Nhật Bản.

Học xã hội học, ra trường, sở hữu một công việc nhiều người mơ ước nhưng Khánh quyết định từ bỏ để khát khao tạo nên một văn hóa trà-văn hóa Việt từ thời sinh viên. Khánh tâm niệm: “Thái Nguyên tạo nên cây chè nhưng người Hà Nội tạo nên văn hóa trà”.

Với quán trà này, lợi nhuận chưa phải là điều Khánh hướng đến. Khánh cần một không gian để sống chậm, để lắng lại với nhịp sống quá đỗi tất bật này. Người đến thưởng trà có cả những bạn trẻ và cả những bậc cao niên.

Với các bạn trẻ, Khánh được sống lại quãng thời sinh viên năng động và hoài bão. Tiếp chuyện với những bậc cao niên – những người sở hữu một kho chuyện đời với bao nỗi niềm về nhân tình thế thái, Khánh vỡ ra nhiều điều về cuộc sống. Khánh trưởng thành hơn. Và Khánh nghĩ điều ấy là quan trọng…

Theo: Thúy An (Dân Trí)

Bài liên quan

Cùng chuyên mục