Lê Hải Trung, sinh viên khoa Tin học Trường Đại học Khoa học Huế được cho là sinh viên lùn, bé nhất Việt Nam hiện nay bởi em cao đúng… 1m, nặng chỉ 18kg.
“Em cũng như mọi bạn khác cùng lớp. Em chẳng có gì đặc biệt ngoài trọng lượng và chiều cao khiêm tốn”, Trung cười rất tự tin khi thấy tôi cứ há hốc mồm mà nhìn vào thân hình như một đứa trẻ của mình, dù năm nay Trung đã 19 tuổi.
Tai nạn oan nghiệt
Lúc chào đời, Lê Hải Trung, quê ở xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế vẫn lành lặn, phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác. Đến năm Trung vừa tròn 2 tuổi thì tai ương bất ngờ ập đến. Trong một lần nghịch trong gian nhà bếp, những bước đi loạng quạng của một đứa trẻ vô tình đụng phải ấm nước đang sôi trên bếp. Nước sôi bất ngờ ập xuống khiến toàn lưng em bỏng nặng.
Sau cái ngày định mệnh đó, cha mẹ đưa Trung đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác để cứu lấy sự sống cho con. Những vết đau, rát bỏng khiến thân hình non nớt của đứa trẻ không đủ sức chịu đựng. Nghe tiếng rên ngằn ngặn từ trong cổ của con, người mẹ, người cha nức nở khóc. Sau nhiều tháng vật lộn để giành dựt sự sống ở khoa cấp cứu bệnh viện T.Ư Huế, Lê Hải Trung đã chiến thắng thần chết trong niềm sung sướng tột cùng của gia đình, người thân.
Nhưng khi những vết bỏng liền sẹo, liền da, Trung lại mắc một chứng bệnh khác nghiệt ngã không kém bệnh lần trước: Trung không thể lớn lên như một con người bình thường. Cơ thể Trung mỗi ngày một còm cỏi, nhỏ thó, phát triển chậm so với những đứa trẻ sinh cùng năm, cùng tháng. Thấy con có dấu hiệu bất thường, một lần nữa, gia đình đưa Trung đi chữa trị: “Chữa bằng nhiều món, nhiều bài và cũng đã đi nhiều bệnh viện, uống đủ các loại thuốc nhưng ở đâu bác sỹ cũng lắc đầu bảo bị bệnh còi xương…khó chữa”, Trung kể.
Năm tháng cứ trôi đi, Lê Hải Trung vẫn mang thân hình tong teo, tính cách hiếu động, nghịch ngợm của một đứa trẻ lên ba. Lên 6 tuổi, Trung rờ mó cặp sách, tập vở của các chị và đòi ba mẹ cho đi học. Điều này chưa từng có trong giấc mơ, ý nghĩ của gia đình nên khi Trung vừa dứt câu, cả nhà trố mắt nhìn nhau. Hiểu và thương con nhưng gia đình vẫn cố kìm lòng không thuận theo, bởi phần lo sợ khi sự khiếm khuyết về cơ thể của con lộ rõ, con phải chịu khổ.
Ngày tựu trường, nhìn những đứa trẻ thôn Đông đến lớp, Trung thèm thuồng, ngơ ngác đuổi theo. Khao khát được đến trường của Lê Hải Trung cuối cùng cũng được gia đình đánh liều đồng ý: “Ngày đầu tiên đến lớp đó là một kỷ niệm, cảm giác thấy sướng, mãn nguyện vô cùng. Lúc đó, ở nhà buồn lắm, đi học để có nhiều bạn, có người chơi cùng chứ chưa có ý nghĩ là sẽ học, sẽ thi và sau này làm một điều gì đó đâu”, Trung nở nụ cười tươi.
Năm này qua năm khác, khi trời đổ nắng hay mưa bùn lầy lội, Trung được ba mẹ và các chị thay phiên nhau dìu dắt, chăm bẵm ngày hai buổi đến trường. Đến năm Trung lên lớp 4, khiếm khuyết trong cơ thể được lộ rõ ra bên ngoài: “Mấy đứa bạn cùng lớp đứa nào đứa nấy cao tồng ngồng, còn thể trạng của em đứng trơ một chỗ. Từ lớp 1 đến lớp 4, chỉ một số đo về trọng lượng, chiều cao”, giọng Trung nghèn nghẹn khi nhớ lại.
Từ đó, bắt đầu có sự xì xào chọc nghẹo của bạn bè khiến Trung gói mình vào sự tự ti, mặc cảm. Trung chia sẻ: “Từ khi nhận ra cơ thể khiếm khuyết, em thấy buồn ghê lắm. Trong lớp, em bị chọc ghẹo, kèm theo nhiều cái nhìn khó chịu. Ra đường bắt gặp ánh mắt xỉa xói của người dưng”.
Đến khi lên cấp 3, Lê Hải Trung gục ngã bởi sự phân biệt giữa những học sinh đang ở độ tuổi trở thành người lớn và một “đứa trẻ”: “Những đứa bạn cùng trường lúc này đã là người lớn. Còn Trung chỉ là một đứa trẻ 8 tuổi, cao 1 mét và nặng đúng 18 kg “đi lạc” vào trường. “Cuộc sống lúc đó nhiều xáo trộn, cảm giác tủi thân luôn thường trực”, Trung nói. Cuối cùng, Trung xin ba mẹ được nghỉ học.
Nỗ lực để được là lập trình viên giỏi
Quảng thời gian nghỉ ở nhà, cuộc sống của Trung cứ lặng lẽ trôi qua một cách tuyệt vọng. Mỗi lần thấy ba mẹ, anh chị xầm xì, lo lắng cho mình là Trung lại bật khóc. Sau này mình làm gì để ăn (?). Câu hỏi đó cứ lởn vởn trong tâm thức. Cuối cùng, Trung chọn việc quay lại trường. “ Em liều mình chọn con đường học, với cơ thể như em thì chỉ có học may ra cuộc đời em mới thay đổi và gia đình mới bớt khổ vì em”, Trung kể. Trở lại trường mang theo sự tự tin và ước mơ cháy bỏng, trong ba năm học ở Trường THPT An Lương Đông, Trung đã nỗ lực không một phút ngừng nghỉ để đạt ước mơ vào đại học.
Lê Hải Trung nhớ như in lần dự thi tốt nghiệp THPT, bảo vệ một mực không cho vào vì “nghi” Trung chưa đến tuổi dự thi. Giải thích mãi vị bảo vệ vẫn không tin. Đến lúc Trung “xuất trình giấy tờ” vị bảo vệ lắc đầu, trố mắt.
Kỳ thi đại học đầu tiên, Trung thi đậu vào Khoa tin học của trường Đại học Khoa học Huế và trường Cao đẳng Công nghiệp Huế với số điểm khá cao. Trung chọn Khoa tin học trường Đại học Khoa học Huế để theo đuổi ước mơ của mình: “Lúc rảnh, em học ké máy vi tính của chị. Dần thì mê, giờ theo học tin sau này dễ có cơ hội tìm việc làm phù hợp với sức khỏe, bản thân”, Trung nói.
Lê Hải Trung bước vào giảng đường đại học mang theo sức vóc của một đứa trẻ khiến nhiều người phải ngỡ ngàng: “Lúc mới vào trường nhiều người “hỏi thăm” lắm, giờ thì quen rồi. Em là người bình thường như bao người khác”.
Tuy vậy, việc học của Trung cũng gặp rất nhiều khó khăn. Mỗi ngày ở giảng đường là một lần thử thách sức chịu đựng đối với Trung. Có những buổi học Trung phải đứng mới chép được bài giảng. Đôi chân yếu ớt tê buốt, mỏi mệt tưởng chừng như muốn ngã khịu. Có những khi thầy gọi lên bảng làm bài, tay chỉ với tớp mẹp chân tấm bảng.
Thêm một lần nữa Trung tự nhủ mình không được gục ngã, tự học cách để thích nghi mọi thứ, Trung nói rất thật rằng: “Em mang ước mơ đến đây và thực hiện nó một cách trọn vẹn. Muốn vậy thì phải học cách thích nghi mọi thứ. Rồi sẽ vượt qua hết thôi”. Và một lời chia sẻ đầy tự tin, bản lĩnh: “Em tự học cách đối diện, cách chịu đựng. Cách tốt nhất mà em chọn là tự điền thêm cho mình một nụ cười để lấp đi những chuyện không vui trong cuộc sống”.
Gần nửa năm ngồi trên giảng đường đại học, Lê Hải Trung đã vạch ra cho mình một kế hoạch để thực hiện: “Ra trường, em muốn mình trở thành một lập trình viên, một nhân viên thiết kế phần mềm ứng dụng, hoặc là một công việc gì đó liên quan đến máy tính để tự nuôi sống bản thân cái đã”.
Tương lai xa, Trung đang mơ sẽ tự mình mở được một công ty tin học để tạo điều kiện giúp những người kém may mắn như mình. Con đường của Lê Hải Trung đang đi đó còn lắm trắc trở, chông gai. Giấu đi những khiếm khuyết của bản thân, chàng sinh viên bé nhất Việt Nam xác định trong 4 năm tới sẽ phải gắng nỗ lực hơn vài trăm phần trăm để ước mơ thành hiện thực.
Theo: Gặp nam sinh viên lùn, bé nhất Việt Nam (Đăng Khoa – HVM/LDO)