Chân dung nữ tổng giám đốc IMF

Cuối cùng Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đã chọn được người cầm trịch vào rạng sáng 29-6 (giờ Việt Nam) là bà Christine Lagarde để lèo lái con thuyền tài chính thế giới trước cơn bão táp nợ châu Âu.

Bà Christine Lagarde (giữa) và các đồng nghiệp rời điện Elysée, Paris sau cuộc họp nội các hằng tuần ngày 29-6 – Ảnh: AFP

“Một phụ nữ thanh lịch, điềm tĩnh và bản lĩnh cộng với khả năng nói tiếng Anh hoàn hảo” – báo chí thế giới mô tả bà Christine Lagarde bằng những từ như thế sau khi nữ bộ trưởng tài chính Pháp này đắc cử chức tổng giám đốc IMF.

Ngôi sao nhạc rock của thế giới tài chính

Bà Christine Lagarde là một chính khách nổi tiếng ở Pháp, chỉ sau Tổng thống Nicolas Sarkozy. Lớn lên ở thành phố cảng Le Havre, sau khi tốt nghiệp ngành luật ở Paris, Lagarde tiếp tục lấy bằng thạc sĩ luật tại Viện Khoa học chính trị ở Aix-en-Provence. Năm 1981 khi tròn 25 tuổi, bà sang Mỹ hành nghề luật sư và gia nhập Công ty luật quốc tế Baker & McKenzie ở Chicago, để rồi 18 năm sau người phụ nữ này đã lên lãnh đạo công ty nổi tiếng khắp thế giới này.

Bà bước vào con đường chính trị tháng 6-2005 với chức vụ bộ trưởng thương mại dưới thời cựu tổng thống Jacques Chirac. Với bốn năm ở cương vị bộ trưởng tài chính Pháp, bà Christine Lagarde đã thường xuyên gặp gỡ các nhà tài chính hàng đầu thế giới, và càng thường xuyên hơn nữa kể từ khi Pháp nắm vai trò nước chủ nhà của G20 vào tháng 11-2010. Bà được mô tả như “một ngôi sao nhạc rock của giới tài chính thế giới” do tài thương thuyết trong cuộc khủng hoảng tài chính. Năm 2009, tạp chí Financial Times bầu chọn bà Christine Lagarde là “Bộ trưởng tài chính xuất sắc nhất châu Âu”.

Bộ trưởng tài chính Mỹ Timothy Geithner cũng không tiếc lời: “Bà Lagarde là một tài năng lỗi lạc và kinh nghiệm phong phú”. Trong khi đó đối với ông Dominique Moisi, thuộc Viện Quan hệ quốc tế Pháp: “Bà là một bậc nữ lưu có cá tính mạnh, có khả năng, đáng tin cậy, có một hình ảnh thật tốt trên trường quốc tế”.

“Phép thử” cho tân tổng giám đốc IMF

Bà Christine Lagarde sẽ bay đến Mỹ nhậm chức vào ngày 5-7 tới. Vấn đề đầu tiên mà bà sẽ phải đối mặt là cuộc khủng hoảng nợ công của châu Âu, đặc biệt là giải quyết khủng hoảng nợ công ở Hi Lạp.

Tân tổng giám đốc sẽ phải lãnh đạo IMF trong thế cân bằng giữa nhu cầu phát triển nhanh của các nền kinh tế mới nổi và việc phục hồi kinh tế của các nước phát triển. Bà sẽ tiếp tục các chương trình dở dang mà cựu tổng giám đốc Dominique Strauss-Kahn đã xúc tiến như việc tạo điều kiện cho các thị trường mới nổi có tiếng nói hơn tại IMF. Theo AP, bà Lagarde cho biết ưu tiên hàng đầu của bà khi lãnh đạo IMF là thống nhất 2.500 nhân viên của IMF và 800 nhà kinh tế nhằm khôi phục niềm tin của giới tài chính vào IMF.

Giới chuyên gia nhận định sự hiểu biết cơ chế hoạt động của các định chế chính trị quốc tế cũng là lợi thế cho bà khi điều hành IMF. “Do bà không phải là một nhà kinh tế nên so với hầu hết những người tiền nhiệm, cách tiếp cận của bà Lagarde sẽ mang tính chính trị hơn là chuyên môn. Bà sẽ chú trọng nhiều hơn các kết quả xã hội mà các khoản viện trợ của IMF mang lại cho các thành viên” – ông Jean – Louis Mourier, nhà kinh tế thuộc Công ty đầu tư Aurel BGC ở Paris, nói.

Sau khi đắc cử, bà Lagarde cho biết bà mong muốn được gặp riêng ông Strauss-Kahn nếu được Chính phủ Mỹ cho phép, bởi “người kế nhiệm nên trao đổi với người tiền nhiệm. Tôi có thể học hỏi được nhiều điều từ ông ấy về IMF và nhân viên mới của mình”- bà Lagarde nói.

Tân TGĐ IMF: Bà Christine Lagarde nhận lương “khủng” trong cương vị mới

Cựu Bộ trưởng tài chính Pháp Christine Lagarde chính thức đảm nhận cương vị người đứng đầu Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) với mức lương 467.940 USD cộng thêm trợ cấp 84 nghìn USD mỗi năm.

Thông báo của IMF nêu rõ: “Trong cương vị mới, bà Lagarde nhận một khoản lương 467.940 USD một năm và 83.760 USD tiền phụ cấp để có mức sống thích hợp với vị trí của bà”.

Mức lương này của bà Lagarde cao hơn người tiền nhiệm Dominique Strauss-Kahn với mức lương là 421.000 USD và trợ cấp 75.350 USD.

Tuy nhiên, theo người phát ngôn IMF William Murray, hợp đồng ký với bà Lagarde đưa ra các yêu cầu về đạo đức và hành xử cao hơn các điều khoản tương tự trong những hợp đồng đã ký với những người lãnh đạo trước đây của IMF.

Theo quy định, bà Lagarde không được tham dự các cuộc họp của các đảng phái chính trị với tư cách cá nhân và cũng không được tham gia các hoạt động chính trị đảng phái.

Bà Lagarde là người phụ nữ đầu tiên đứng đầu IMF kể từ khi thể chế tài chính đa phương lớn nhất thế giới này được thành lập vào năm 1945. Bà bắt đầu nhiệm kỳ của mình trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu đang tăng tốc, đặc biệt là “quả bom nổ chậm” Hy Lạp. (Theo: AP)

Theo: (Thế Giới/TTO)

Bài liên quan

Người anh hùng của năm 2010

  Hãng thông tấn CNN ngày 21/11 đã chính thức công bố danh hiệu “Người anh hùng của năm 2010” thuộc về bà Anuradha Koirala, người có công giải cứu 12.000 phụ nữ và bé gái thoát khỏi nô lệ tình dục.    

Tỷ lệ nữ trong lĩnh vực kỹ thuật ngày càng cao

(Hiếu học) Những năm gần đây, nguồn nữ kỹ sư, nữ kỹ thuật viên trong lĩnh vực kỹ thuật chưa nhiều nhưng đã bắt đầu có sự gia tăng. Các doanh nghiệp rất cần những kỹ sư giỏi, không phân biệt nam hay nữ, nhất là lĩnh vực có tính chuyên môn cao. Cơ hội công việc tùy vào... 

Cùng chuyên mục