(hieuhoc_hieuhoc.com). Các bậc phụ huynh thường lo lắng khi thấy con trẻ có những biểu hiện mình không vừa ý nên vội vàng khiển trách khi chưa đánh giá đúng sự viêc. Có thể lý do chỉ là vì cha mẹ muốn trở thành một bậc phụ huynh lý tưởng, “người” đã nuôi dạy thành công nên những “thiên tài”, cố gắng gò ép trẻ phải nổ lực tuân theo những nguyên tắc khô cứng từ rất sớm để trở thành “thần đồng”, những vĩ nhân của tương lai.
Sự khắc khe quá đáng sẽ làm khô cứng ước mơ và sáng tạo, chính nó sẽ làm cùn nhụt khả năng tiềm ẩn của con trẻ. Bảo bọc kỹ càng vì sợ trẻ hư, sợ trẻ gặp chuyện xấu và quá nhiều kỳ vọng cho sự thành đạt sau này của trẻ nên nhiều bậc cha mẹ đã vô tình tạo áp lực căng thẳng cho con cái. Ngoài ra, nếu chỉ có chê trách và ngăn cấm, không tin tưởng vào con để tạo cơ hội cho chúng học hỏi từ thực tế thì các bậc cha mẹ chỉ sẽ có những cô, những chú gà công nghiệp đáng thương! Vì không đủ bản lảnh để tự lo cho mình, nhút nhát, khờ khạo, nên khi thiếu cha mẹ bên cạnh thì các em sẽ dễ dàng trở thành miếng mồi ngon cho tệ nạn mà thôi.
Trọng tâm của vấn đề này là: Các em sẽ phải mang một hình ảnh tiêu cực về bản thân. Đối với các em, “Không hoàn hảo có nghĩa là tồi tệ, không xinh đẹp có nghĩa là xấu xí.” Khi nhận ra mình không được đánh giá đúng, cảm thấy chán ngán, các em sẽ dễ đi theo hai hướng trái ngược: Hoặc là sẽ rụt rè, e sợ, né tránh thử nghiệm những điều mới mẻ. Hoặc là sẽ buông xuôi làm những điều không hề liên quan đến con người thật của mình.
Không phải trẻ em đều là nạn nhân của hoàn cảnh nhưng không ít các em trở nên hư hỏng chỉ vì sự “vô tình” của cha mẹ. Sự lơ là, không quan tâm, bỏ mặc con cái thì hậu quả là điều hiển nhiên không cần phải bàn. Nhưng quá kỹ càng, trở thành áp đặt bởi kỳ vọng và ảo tưởng của mình, các bậc cha mẹ đã vô tình giết chết tiềm năng của con mình, cho dù tiềm năng đó chỉ là trở thành một con người bình thường trong xã hội.
Cha mẹ suy nghì gì khi thường hay kể những câu chuyện như: Con bác Ba, hoặc con ông này, bà kia trong xóm vừa được học bổng đi nước ngoài…và “Con rán lên, chứ ba mẹ thấy con còn lơ là lắm”. Cháu thông minh và chịu khó nhưng chưa đủ để đạt được những thành tích như “quảng cáo” mà cha mẹ đang ảo tưởng. Có thể vì vậy nên cháu sẽ chứng minh năng lực, trí thông minh của mình vào trò chơi điện tử chẳng hạn. Tai hại hơn khi cháu muốn thể hiện cái hơn người của mình bằng cách đua xe, gia nhập các băng đảng để trở thành anh hùng hảo hán….
Các em sẽ làm gì khi cha mẹ luôn muốn mình là người hoàn hảo? – Cách tốt nhất đối với các em là né tránh những tình huống có thể làm lộ những điểm yếu kém của mình. Các em sẽ thu mình trong vỏ ốc, trốn rịt trong phòng hoặc lang thang ngoài đường còn hơn là phải đối mặt với cha mẹ. Những lúc hiếm hoi khi ở bên cha mẹ, để đươc chấp nhận, các em sẽ phải đóng kịch “mọi sự đều tốt đẹp”, con vẫn là “cô con gái biết vâng lời”, con sẽ là “học sinh năng động nhất trường”….
Đối với con cái, sự gần gũi và không áp đặt của cha mẹ là quan trọng nhất. Chỉ có gần gũi, thông cảm thật sự thì mới có thể hướng dẫn, giúp đỡ con mình. Làm sao có thể hiểu được con khi chúng luôn phải đeo “mặt nạ” khi tiếp xúc với cha mẹ? Làm sao tránh khỏi sự xa cách khi chúng cố tình né tránh vì những vấn đề vượt quá tầm với của chúng?
Câu trả lời đơn giản chỉ có một điều: Nếu trẻ em đều sẽ là thiên tài cho mai sau, thế gian này sẽ không còn có thiên tài. Vậy hãy chỉ giáo dục cho chúng trở thành những người bình thường có ích cho xã hội và chúng được sống hạnh phúc là tốt lắm rồi!
Kính chúc quý phụ huynh được nhiều sức khỏe và thành công.
Văn Chí Kỳ. (hieuhoc_hieuhoc.com.).