(hieuhoc_hieuhoc.com): Là một trong những người quan trọng bậc nhất trong bộ máy lãnh đạo của mỗi công ty, nên mặc dù hiện nay vị trí giám đốc truyền thông vẫn chưa xuất hiện nhiều trong các doanh nghiệp Việt Nam nhưng trong tương lai gần, nó sẽ được coi trọng hơn.
Trong những doanh nghiệp – đặc biệt là những doanh nghiệp lớn thì đứng đầu là CEO – Giám đốc điều hành – nhà quản trị cao nhất và quản lý các lĩnh vực chuyên biệt là các CPO – Giám đốc Nhân sự, CFO – Giám đốc tài chính, CMO – Giám đốc Tiếp thị và CCO – Giám đốc truyền thông. Đây thực sự là các cây trụ lớn giúp doanh nghiệp đứng vững và phát triển, là những nhà quân sư giúp CEO đưa ra những chiến lược đúng đắn.
Trong những bài viết trước, Hiếu Học đã giới thiệu các vị trí CEO. CFO, CPO, CMO; nay xin giới thiệu với các bạn vị trí CCO – Giám đốc Truyền thông.
CCO là gì?
Chúng ta có thể hiểu một cách đơn giản CCO (Chief communications officer) – Giám đốc Truyền thông là người quản lý lĩnh vực các thông tin, sự truyền thông, giao tiếp giữa doanh nghiệp với đối tác, khách hàng, công chúng; giữa các nhân viên trong doanh nghiệp với nhau; giữa ban lãnh đạo doanh nghiệp với các nhân viên…
Trong một công ty, CCO và CMO có mối quan hệ khá gần gũi với nhau bởi lẽ giữa 2 lĩnh vực truyền thông và tiếp thị có sự hỗ trợ nhau rất nhiều. Trong một số công ty, khi mà sự chuyên môn hóa chưa được thực sự rõ ràng, chúng ta thấy có chức danh CMCO (từ viết tắt của hai chức danh CMO và CCO) chịu trách nhiệm cho cả hoạt động truyền thông kinh doanh và tiếp thị. Đó là một sự tổng hợp khá ít gặp nhưng chính là bằng chứng cho thấy hai chức năng này luôn đi cạnh nhau.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ hiểu về CCO thông qua sự so sánh với CMO.
Các nghiên cứu ở nước ngoài cho thấy rằng hoạt động của CCO có khuynh hướng bị CEO xem xét, đánh giá chủ yếu qua tiêu chuẩn định tính, chẳng hạn như cảm giác của CEO về giá trị công việc của CCO, hay các thông điệp truyền thông của doanh nghiệp mình có ảnh hưởng tích cực ra sao đối với các nhân viên, khách hàng, các đối tác…. Trong khi đó, CMO lại chịu đánh giá qua các tiêu chuẩn định lượng, chẳng hạn như tốc độ tăng trưởng doanh thu và số lượng hàng hóa bán ra. Nếu một chiến dịch tiếp thị hay một chiến dịch quảng cáo lớn không đảm bảo những kết quả dự tính, CEO sẽ nhanh chóng đào thải CMO.
Xét về khía cạnh đối tượng hướng đến, CCO có một danh mục khá phức tạp những đối tượng cần giao tiếp, bao gồm các nhà lập pháp, tư pháp và hành pháp, các nhà đầu tư, các tổ chức phi chính phủ, các cộng đồng địa phương, các khách hàng thân thiết cũng như tiền năng và giới truyền thông đại chúng. Ngược lại, CMO chỉ tập trung vào 1 hay 2 nhóm khách hàng lớn. Chính vì thế, việc đánh giá sự hiệu quả của CCO là một nhiệm vụ phức tạp hơn và mất nhiều thời gian hơn khi đánh giá hiệu quả của CMO.
Có nhiều CEO rất khôn ngoan, sâu sắc. Mặc dù rất bực tức nhưng họ chấp nhận việc thỉnh thoảng có các tin tức không tốt về công ty của mình như nội bộ mâu thuẫn, hàng hóa kém chất lượng, công ty trốn thuế… Đây chính là một chướng ngại vật giúp họ có được sự đánh giá khách quan năng lực của CCO trước việc giải quyết các tình huống này như thế nào. Và CEO cũng không vội vàng quyết định sa thải CCO của mình sau khi anh ta giải quyết rắc rối về truyền thông chưa được tốt lắm – trừ khi CCO xử sự quá tệ. Nhưng CMO có thể nhận được phán quyết này nhanh hơn và tất nhiên hơn nếu chiến dịch tiếp thị của anh ta không đem lại các kết quả khả quan. Điều này cũng là vì công việc của CMO dễ dàng đánh giá chính xác hơn, chứ không có phần mơ hồ, cảm tính như công việc của CCO.
Rõ ràng là các CMO chịu nhiều sức ép ngắn hạn hơn các CCO để cho thấy các kết quả công việc của mình. Tất cả những điều trên khiến chúng ta có thể suy ra rằng tuổi thọ nghề của CCO thường dài hơn CMO.
Sự hỗ trợ qua lại giữa CCO và CMO
Để việc kinh doanh hiệu quả, CCO và CMO luôn cần phối hợp công việc với nhau. Họ cần giao tiếp tốt và một cách thường xuyên với nhau, người này phải hiểu được vai trò của người kia.
Cả CCO và CMO cần cảm thấy thoải mái với việc chia sẻ thông tin và nguồn lực. Trên thực tế, sự cộng tác mạnh mẽ giữa họ có thể là cấp số nhân cho giá trị của các chiến dịch tiếp thị và giao tiếp.
Ví dụ, bộ phận tiếp thị thường có nhiều nguồn lực hơn bộ phận truyền thông, vì thế một CCO có thể sử dụng các dữ liệu tiếp thị để truyền tải thông tin về công ty với giới truyền thông. Cũng như vậy, một kế hoạch tiếp thị có thể có những bổ sung hữu ích nếu bộ phận truyền thông có thể giúp gửi nó tới các nhân viên công ty. Các nhân viên công ty nếu thích thú với kế hoạch tiếp thị có thể là một kênh quảng bá mạnh mẽ.
Vai trò của CCO trong thời đại truyền thông – cá nhân phát triển
Vài năm trở lại đây, truyền thông xã hội mà đặc biệt là xu hướng blog và các mạng xã hội ảo như MySpace, Facebook, Yahoo 360, Blogger,… – truyền thông cá nhân phát triển đem lại nhiều thách thức cũng như cơ hội mới cho doanh nghiệp. Bối cảnh này càng làm quan trọng thêm vai trò của CCO và đòi hỏi CCo phải có tài năng hơn người mới có thể đảm đương trách nhiệm của mình.
Với blog, các mạng xã hội, truyền thông cá nhân đã thực sự bùng nổ. Đây chính là mảnh đất truyền thông màu mỡ cho CCO khai phá. Nó sẽ mang lại sức ảnh hưởng lớn đến thái độ, dư luận xã hội bởi tốc độ truyền khẩu nhanh cùng sự đa dạng trong giao tiếp truyền thông.
Tuy nhiên, đây là những đối tượng khó tiếp cận và cũng là con dao 2 lưỡi. Một khi mối thiện cảm không tốt đối với doanh nghiệp được lan nhanh thông qua các mạng xã hội ảo này thì khá là khó để chế ngự nọ. Chính vì vậy, các CCO phải có sự hiểu biết tốt về cách thức hoạt động của các dạng truyền thông xã hội, giám sát kỹ những gì mọi người nói về công ty trong dư luận và chú ý đặc biệt tới các nhóm người cụ thể ở đó. Họ phải tìm kiếm các dấu hiệu có thể gây hại tới công ty. Nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy các blog và mạng xã hội là những công cụ chủ yếu mà các CCO cần tập trung vào trong thời gian này. Cách nhanh nhất để hiểu kĩ càng là CCO trở thành một thành viên thường xuyên của mạng xã hội ảo rộng lớn đó.
Và một lẽ tất nhiên, khả năng quan trọng nhất mà một CCO cần có và luôn tinh tường là khả năng về truyền thông – giao tiếp. Những kỹ năng khai thác thông tin, kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, sự am hiểu về cách thức, các nguyên tắc trong truyền thông. Những khả năng, kỹ năng này bạn sẽ có được khá đầy đủ khi bạn theo học ngành Báo chí – Truyền thông, PR tại các trường ĐH KHXH&NV Hà Nội, Học viện Báo chí Tuyên truyền và ĐH KHXH&NV TP.HCM. Bên cạnh đó, là một nhà quản lý thì lẽ tất nhiên, bạn phải có khả năng quản lý, lãnh đạo rồi.
Giám đốc Truyền thông là một vị trí cao trong doanh nghiệp. Vì vậy, bạn phải nỗ lực rất nhiều thì mới mong đạt được vị trí đó. Nếu bạn đam mê, vậy tại sao bạn không cố gắng ngay từ bây giờ để chuẩn bị cho tương lai nhỉ?
Nguyễn Trọng
(Chú ý: Hãy ghi rõ nguồn: “Nguyễn Trọng – Theo hieuhoc_hieuhoc.com” khi xuất bản lại nội dung bài viết này)