(Hiếu học). Đến nay, Huy đã điền tên mình vào danh sách trên chục sáng kiến, mà toàn sáng khiến khả dụng, phục vụ cho một yêu cầu cụ thể, trong đó có không ít những chuyện lớn lao…
Ba mốt tuổi, Trần Nhật Huy đã được giao quản lý khối tài sản trên 300 triệu USD. Vị trí của Huy có thể khiến nhiều người trẻ ngưỡng mộ. Tuy nhiên, chức vụ, lương cao và nhiệm vụ quan trọng chưa hẳn đã làm nên tầm vóc của anh chàng có danh hiệu là “cây sáng kiến” của ngành dầu khí Việt Nam.
Trong “danh sách nóng”
Đến trụ sở quản lý, điều hành cụm công nghiệp Khí điện đạm Cà Mau, từ đầu tôi đã không nhận ra vị tổng giám đốc xuống đón mình ngay ở cổng. Biết Huy trẻ, nhưng gặp anh chàng có dáng người mảnh khảnh, nhỏ nhắn với đôi kính dày cộm thư sinh, trông không “ứng” lắm với chức danh như mường tượng.
Huy giới thiệu về mình bằng những câu ngắn gọn đại loại như “tôi là lính chinh chiến của ngành khí”, “tôi là dân làm kỹ thuật” và giải thích về con đường tiến thân (có thể khá nhanh) của mình: “Tôi không phải là con ông cháu cha”.
Cha Huy là một cán bộ bậc trung công tác trong ngành thể dục thể thao. Mẹ Huy làm giáo vụ trong ngành thể dục thể thao. Nhưng hai cậu con trai không ai nối nghiệp bố mẹ. Học “sàn sàn” ở trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định), thi đậu Đại học Bách khoa Hà Nội, năm 2002, được bạn bè rỉ tai, Trần Nhật Huy mang tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi vào nam xin việc. Sau một cuộc thi, anh được nhận vào làm kỹ sư công nghệ tại Nhà máy xử lý khí Dinh Cố (Vũng Tàu).
Cánh cổng vào đời với Huy phải nói là rất suôn sẻ, nhưng mọi bước đi đều không phải do ai trải thảm. “Từ khi bắt tay vào việc, mình cứ chú tâm làm, dặn bản thân phải làm tốt hơn nữa, tốt hơn nữa, chứ đâu nghĩ là làm để vì mục đích gì khác”. Với cái chất máu lửa, tinh thần “tự giác nhập cuộc” và tự thách thức, Huy đã thường xuyên có mặt trong “danh sách nóng” mỗi khi đơn vị gặp vấn đề về kỹ thuật.
Như một lần thiết bị trao đổi nhiệt của nhà máy gặp sự cố, thông thường phải dừng để sửa chữa. Tính về thiệt hại kinh tế, phải mất 1 tuần để làm công việc này và mỗi ngày như thế nhà nước phải mất 15 tỉ đồng, đó là chưa kể vấn đề ảnh hưởng đến an ninh năng lượng nếu dừng máy. Lúc này, ca trưởng Trần Nhật Huy và anh quản đốc hợp tác đưa ra sáng kiến “gia nhiệt bên trong và sử dụng khí Sale Gas thổi sạch tube truyền nhiệt của thiết bị trao đổi nhiệt”. Một ý tưởng rất mới mà nhờ đó Nhà máy Dinh Cố tạm thời không phải dừng để sửa.
Nói thì dễ, nhưng thực tế đưa ra sáng kiến, bảo vệ và thuyết phục người khác chấp nhận phương án của mình hoàn toàn không đơn giản. Sau khi xử lý thành công sự cố, làm lợi nhiều chục tỉ đồng, Huy và anh bạn đồng sự được thưởng 10 triệu đồng. Nhưng điều lớn hơn mà Huy có được chính là anh đã rút ra bài học cho bản thân, “nếu mình có một ý tưởng tốt thì phải mạnh dạn đề xuất và dũng cảm bảo vệ nó đến cùng”.
Nhưng cũng phải nói lại, Huy thừa nhận mình may mắn làm việc trong môi trường mà những thành viên chịu lắng nghe nhau, chịu tranh luận thậm chí cãi nhau máu lửa. “Tranh luận không phải là để thể hiện, mà là góp phần giúp tập thể đưa ra một quyết định tối ưu. Có thể qua tranh luận, mình thấy ý kiến của mình chưa đúng, nhưng sau đó là một sự hiểu biết”. Mạnh mẽ tranh luận, mạnh mẽ đưa ra ý kiến, nhưng cái tôi đó chưa hẳn đã làm nên biệt danh “cây sáng kiến” cho Trần Nhật Huy, mà là…
“Ra đề” cho bản thân
Sau lần khắc phục sự cố thiết bị trao đổi nhiệt tại Dinh Cố, đến nay, Huy đã điền tên mình vào danh sách trên chục sáng kiến, mà toàn sáng khiến khả dụng, phục vụ cho một yêu cầu cụ thể, trong đó có không ít những chuyện lớn lao.
Như hồi năm 2007, sáng kiến phục hồi, cải tiến và tái sử dụng thiết bị gia nhiệt tạm của dự án 2 – 3 triệu mét khối khí Bà Rịa – Phú Mỹ, đã giúp đẩy nhanh quá trình dẫn khí từ mỏ ở ngoài khơi xa về cấp cho nhà máy điện Cà Mau 1 tới 7 tháng, đem lại hiệu quả kinh tế xấp xỉ 1.000 tỉ đồng.
Sau thành công đó, Huy và tập thể được nhận bằng khen của thủ tướng. Rồi đến sáng kiến xây dựng phần mềm tính hydrocarbon dewpoint và phương án giảm tối thiểu fuel gas giúp tiết kiệm 100.000 đến 150.000 USD mỗi năm; hay như phương pháp kiểm soát rò rỉ khí trên tuyến ống và kiểm soát chênh lệch sản phẩm giao nhận thông qua tính toán cân bằng vật chất làm lợi cho đơn vị 1,5 triệu USD…
Nhắc lại biệt danh “cây sáng kiến” mà anh em đặt cho, Huy ái ngại: “Trong từng vấn đề cụ thể, tôi đặt mình phải làm được một điều gì đó. Giống như tự ra cho mình một đề toán rồi phải giải nó. Khi đã đam mê thì sẽ không còn hai từ chịu khó”.
“Mục đích của tôi là phải làm cho được việc, chứ không phải làm để nổi danh”, anh bộc bạch. Vì vậy mà có thời gian, người ta thấy anh kỹ sư Trần Nhật Huy thường xuyên “đóng đô” ở nhà máy, xin ở lại trực thêm ca, đổi ca cốt để liên tục theo dõi các thông số phục vụ cho một sáng kiến.
Giữa năm 2007 Huy nộp đơn xin về Cà Mau với ý nghĩ “ở đó sẽ có nhiều cái mới để mình làm”. Và đúng như thế, về đây anh lại có đất “dụng võ”.
Được bổ nhiệm phụ trách phòng kỹ thuật của Công ty khí Cà Mau, Huy được đánh giá làm việc nhiệt huyết và sáng tạo. Điều này thể hiện ngay thời gian đầu. Khi nhà máy điện Cà Mau 1 cần 3,2 triệu mét khối khí để chạy thử nghiệm trong 8 ngày, giữa lúc chủ giàn Talisman ở ngoài khơi cho dừng việc cấp khí để bảo trì máy theo định kỳ. Thường thì chủ giàn dừng bơm khí, công ty khí có thể dừng việc cấp khí. Và như thế thì nhà máy điện sẽ không đủ khí để vận hành. Mà nhu cầu điện đang là vấn đề cấp bách của cả nước. Ngồi ca nô kiểm tra đường ống gần bờ, Huy bỗng bật dậy phán “có đủ khí để chạy 8 ngày”.
Huy được sếp lệnh về ngay trụ sở sau khi anh gọi điện trình bày ý kiến. Nghe Huy nói quá thuyết phục, anh giám đốc gọi ngay về cho “sếp lớn”. Điều còn lại sau đó là phải bảo vệ quan điểm của mình với các đơn vị khác liên quan để chứng minh không cần lấy khí từ giàn cũng có thể có 3,4 triệu mét khối khí cung ứng cho nhà máy điện.
Lượng khí này tồn tại trong gần 400km đường ống, mà các tính toán trước đó người ta cho ra con số nhỏ hơn nhiều con số của Huy tính. Là vì, trong điều kiện áp suất cao, khí thực sẽ được co nén trong đường ống. Và khi tính đến hệ số nén thì sẽ cho ra khối lượng khí lý tưởng, nó còn cao hơn nhiều con số của khí thực. Dòng khí ấy chỉ được cung cấp cho nhà máy điện khi đơn vị cung ứng đứng ra bảo đảm có đủ khí cho nhà máy điện chạy thử trong 8 ngày.
Chứng minh được năng lực, nửa năm sau, Huy được bổ nhiệm vào chức Phó tổng giám đốc. Đến tháng 10.2009, Huy trở thành tân Tổng giám đốc công ty khí Cà Mau, khi đó, anh chưa đầy 30 tuổi.
Quản lý khối tài sản trên 300 triệu USD, doanh thu trên 4.000 tỉ đồng (năm 2009) và 60 con người, hơn thế nữa, nhiệm vụ của Công ty khí Cà Mau không chỉ đơn thuần là bán khí cho nhà máy điện. Mà công việc làm sao phải tối ưu hóa sản lượng, trong điều kiện bảo đảm an toàn và liên tục cho 2 nhà máy điện Cà Mau 1 và Cà Mau 2, chiếm 10% tổng sản lượng điện của cả nước, và sắp tới có thêm Nhà máy đạm Cà Mau, chiếm 30% tổng lượng đạm tiêu thụ của cả nước, một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng đối với an ninh năng lượng và nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam.
Đối với Tổng giám đốc Trần Nhật Huy, nhiệm vụ tổng thể cần phải được bắt đầu từ việc làm cụ thể. Thể hiện qua từng bộ quy trình được xây dựng sẵn và anh em “căn” theo đó mà làm việc, mà ứng xử.
Khi mọi thứ đã vào guồng thì việc tổ chức thực hiện không còn là vấn đề phức tạp. Với anh em đồng nghiệp tại đơn vị, Trần Nhật Huy có một chia sẻ: Để tiếp thị bản thân thật sự hiệu quả. Riêng nhiệm vụ của người quản lý là cố gắng tạo điều kiện và phản ánh đúng giá trị đó vào sự đãi ngộ. Đối với anh, được làm tốt công việc với khả năng của mình và cùng người khác hoàn thành tốt công việc là biểu hiện của lòng yêu nước. Thật giản đơn và cụ thể!
Chúc anh sẽ tiếp tục thành công hơn nữa.
Theo: (Tiến Trình /TNO).(hieuhoc_hieuhoc.com).