Cậu học trò người Dao khuyết tật hiếu học

Tay trái khiếm khuyết, hai chân teo tóp, đi lại khập khiễng đi lại, cậu bé người Dao Triệu Lâm Cường (HS lớp 3A, Trường Tiểu học Hùng Vương, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) không đầu hàng số phận, vượt lên tật nguyền chăm chỉ đến trường học chữ.

Tai nạn thương tâm, 3 lần phẫu thuật

Triệu Lâm Cường là người dân tộc Dao, em là con trai thứ 2 của anh Triệu Văn Thời (45 tuổi) và chị Triệu Kim Hòa (42 tuổi, thôn 6, xã Ea M’nang, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk). Năm nay Cường 9 tuổi, gần 5 năm nay em mang tật nguyền của vụ tai nạn bỏng lửa đầy kinh hoàng. Năm năm trước, có một hôm ba em Cường là anh Thời hí hoáy thay nhớt xe máy trước sân, hút xăng ra chai nhựa để bên cạnh rồi vào nhà lấy thêm phụ tùng sửa chữa. Anh quên mất đứa con trai bé bỏng 4 tuổi cũng đang tinh nghịch trước hiên nhà, trên tay lại cầm lửa thế là vụ hỏa hoạn xảy ra trong tích tắc. Cường bị lửa bén cháy bỏng rát 2 chân, tay trái, lửa cũng bén loang lên má trái của em. Xe hỏng sửa chưa xong, anh Thời chạy khắp xóm mượn chiếc xe máy chở Cường ra Bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk cấp cứu và điều trị tại đây 3 ngày. Bị bỏng độ 3, các bác sỹ ở Bệnh viện này làm hồ sơ chuyển em xuống Bệnh viện Nhi đồng I – TPHCM tiếp tục điều trị. Mất hơn 2 tháng ròng rã cùng hàng chục triệu đồng, Cường mới cử động được, ú ớ gọi tên ba mẹ trong đau đớn.

Sau lần này, sức khỏe Cường đuối đi rõ rệt, ăn uống thất thường, di chuyển khó khăn. Khoảng hơn 1 năm sau tai nạn, anh Thời lại khăn gói đưa Cường xuống Bệnh viện Nhi đồng I – TPHCM phẫu thuật. Tại đây, Cường được phẫu thuật phần cẳng chân trái bỏng nặng để giúp đi lại, di chuyển trước mắt. Sau đó em tiếp tục được phẫu thuật ở bệnh viện này thêm một lần nữa ở phần cẳng tay trái khiếm khuyết, đau nhức. Hai lần phẫu thuật nhưng Cường vẫn chưa lành lặn hoàn toàn, thân thể đầy vết bỏng vẫn đau nhức loạn xạ khi trái gió trở trời.

Thấy con chật vật trong tật nguyền, anh Thời gom góp mãi được hơn chục triệu đồng tiếp tục đưa Cường đến Bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk phẫu thuật lần thứ 3 ở bàn chân phải. 3 lần phẫu phẫu thuật tốn hàng chục triệu đồng nhưng di chứng trên cơ thể Cường vẫn khá nặng. Bây giờ hai chân em teo tóp, què quặt, đi lại khập khiễng, tay trái khuyết teo đi cùng vết thẹo to tướng loang lổ trên má trái trông rất tội.

Chị Triệu Kim Hòa tâm sự: “Sau 3 lần phẫu thuật, vợ chồng tôi phải tập đi cho cháu từng bước một không thì cháu liệt đi mất… Mới đó mà đã 5 năm, bây giờ cháu nó có lớn hơn chút xíu, nhưng thân người vẫn gầy gò, teo tóp tội nghiệp. Cháu bây giờ ăn uống rất kém, mỗi bữa cố gắng lắm cũng chỉ ăn đúng một bát. Chưa kể lúc trái gió trở trời phải đưa đến trạm xá chuyền nước…”.

Tìm chữ trên lưng mẹ

Mặc dù khuyết tật như vậy nhưng Cường vẫn đều đặn đến trường đi học. Hơn một năm đầu tiên sau tai nạn bỏng lửa, vì muốn đi học như chúng bạn, em cứ nằng nặc nhờ mẹ đưa đến trường cho bằng được. Thế là gần 2 năm trời, từ mẫu giáo đến lớp 1, Cường đến trường trên lưng mẹ. Quãng đường nhà Cường đến trường tiểu học hơn 3 km đường đồi gập ghềnh, chị Hòa phải tất tả dậy từ 5 giờ sáng cõng con đến trường.

Không phụ lòng mẹ, mấy năm theo học tại Trường tiểu học Hùng Vương (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk), Cường đều đạt danh hiệu HS khá giỏi. Học kỳ I vừa qua, các môn định tính: Đạo đức, Âm nhạc, Mỹ thuật, Thủ công, TNXH em học trội đạt điểm A. Hai môn định lượng Toán và Tiếng Việt đạt điểm khá 7.0.

Dù khuyết tật đau nhức, di chuyển khó khăn nhưng Triệu Lâm Cường (HS lớp 3A, Trường tiểu học Hùng Vương, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) vẫn chăm chỉ học tập, là HS khá giỏi.

Nói về cậu học trò người Dao khuyết tật hiếu học, cô Nguyễn Thị Thanh Hà – phó hiệu trường Trường tiểu học Hùng Vương, nhận xét: “Mặc dù tật nguyền nhưng mấy năm học, Cường đều đạt HS khá giỏi, em có tinh thần vượt khó đáng khen. Thông thường tổng kết cuối năm học là Ban giám hiệu nhà trường tuyên dương Cường trước HS toàn trường về tinh thần vượt khó, hiếu học”.

Chia sẻ với chúng tôi, Cường cho biết: “Ban đầu em cũng mặc cảm với bạn bè, thầy cô vì thân thể loang lổ, xấu xí nhưng bây giờ thì hết rồi. Em mới học lớp 3, quá sớm để nói về tương lai sau này. Vì ngây thơ tinh nghịch em đã làm khổ bố mẹ, thân thể lại khuyết tật đau đớn. Em chỉ muốn đến trường đi học, học thật giỏi để làm vui lòng bố mẹ thôi anh à…”.

Bài liên quan

Ước mơ của " đôi chân da cam "

Cương mơ được đi học ngành mà mình yêu thích là ngành công nghệ thông tin, được thỏa chí tò mà, và quan trọng hơn cả là được mọi người xem mình như một người bình thường…

Khâm phục cô học trò tật nguyền học giỏi

Tay phải bị liệt, phải tập viết bằng tay trái, gia cảnh khó khăn, nhưng 8 năm qua em Cù Thị Lan Anh, học sinh lớp 8C Trường THCS An Nội, huyện Bình Lục (Hà Nam) đã vượt qua khó khăn, luôn là học sinh khá giỏi của trường, là tấm gương sáng trong học tập.

Cô gái mù khát chữ đến cháy lòng

Vượt qua nhiều chông gai, hơn 10 năm tìm cơ hội đi học, cô gái khiếm thị người Phú Thọ cuối cùng đã đến được đích của mình. Đó là Nguyễn Thị Nguyệt, hiện giờ là Phó chủ tịch hội người mù TP Việt Trì.

Cùng chuyên mục