(hieuhoc_hieuhoc.com): Một người Việt Nam không thua một người Nhật, nhưng 3 người Nhật thì hơn xa 3 người Việt Nam. Tinh thần cá nhân chủ nghĩa đã làm yếu hẳn sự tiến bộ của một tập thể nói chung và của cá nhân từng sinh viên (SV) Việt nói riêng.
Trong một lớp học của một ĐH lớn ở TP.HCM, nhằm tăng tính chia sẻ của SV, giảng viên quyết định chỉ chép tài liệu điện tử vào USB của 1 SV bất kì trong lớp. Thật bất ngờ, sau giờ học, cậu SV được thầy cho tài liệu và có nhiệm vụ sẽ phân phát qua email cho mọi người đã “bốc hơi” tự bao giờ.
Còn rất nhiều những câu chuyện, những tình huống chứng tỏ SV Việt Nam rất kém trong kĩ năng làm việc theo nhóm mà yêu cầu chính là sự đoàn kết trong một tập thể. Ngày nay, rất nhiều SV với tấm bằng khá giỏi đã không khỏi ngỡ ngàng bị loại khỏi vòng tuyển dụng của nhiều công ty hàng đầu chính vì thiếu tinh thần đoàn kết, vì tập thể. Một giáo sư người nước ngoài đã nhận xét về những SV Việt đang du học ở nước ông: “SV Việt hầu hết đều là những người cần cù siêng năng và rất thông minh. Nhưng họ thường không nhận được sự thành công trong tập thể vì thiếu kĩ năng phối hợp nhóm”. Thật vậy, chính vì thiếu hòa hợp trong tập thể mà SV Việt đánh mất rất nhiều cơ hội cho thành công của mình.
Trước đây, người ta hay nhắc đến quãng đời SV như là khoảng thời gian đáng nhớ và chan đầy tình cảm bạn bè nhất. ĐH ngày trước được tổ chức theo niên khóa, một lớp học được tổ chức cố định, bạn bè gặp nhau hàng ngày và tình cảm tự nhiên gắn bó. Thế nhưng, tình cảm gắn bó ấy được tạo ra từ bản thân môi trường. Con người và con người sống, học tập với nhau lâu ngày sẽ tự nhiên nảy sinh sự đoàn kết như là một hệ quả tất yếu.
Ngày nay, càng nhiều ĐH được tổ chức theo học chế tín chỉ, SV học theo từng lớp đăng kí tùy từng cá nhân, rất khó để có được một tập thể mạnh, thân thiết và đoàn kết. Với môi trường như vậy, càng đòi hỏi tinh thần tập thể đối với từng cá nhân. Chương trình đào tạo ĐH đòi hỏi SV cần có nhiều thời gian tự học và phải biết kết hợp làm việc theo nhóm. Đối với các nhà tuyển dụng, họ quan niệm sức mạnh tập thể mới là yếu tố then chốt để một công việc, một dự án được vận hành thành công. Tuy vậy, còn rất nhiều SV chưa ý thức được sức mạnh của tập thể, chưa coi trọng tập thể, dẫn đến chủ nghĩa cá nhân trong cách sống, cách học tập, sinh hoạt trong trường ĐH và trong môi trường làm việc sau này.
Có một câu hỏi lớn, vì sao thời chiến tranh, thời nghèo đói, toàn thể dân tộc Việt Nam chẳng phải đã đoàn kết một lòng mà tạo nên những câu chuyện lịch sử như chuyện người dân góp gạo cho bộ đội, người dân thương bộ đội giải phóng như con… Lịch sử là thế, cũng là những con người sống trên cùng một mảnh đất mà ngày nay là những chuyện thật buồn. Tai nạn giao thông ngoài đường phố, người xem thì nhiều mà người ra tay giúp đỡ thì ít. Nếu là SV trong một trường tổ chức theo học chế tín chỉ, khó mà một SV nhận được sự giúp đỡ từ một SV cùng lớp môn học nhưng chưa quen.
Tất cả những chuyện đáng buồn ấy là xuất phát từ tập thể, từ bản thân mỗi con người trong tập thể. Người ta có thể trách móc người khác không thân thiện, không cởi mở, nhưng người ta có thể chưa ý thức được trách nhiệm của mình. Hiếu Học xin mang đến một câu chuyện nhỏ, hi vọng mang đến cho các bạn một nụ cười mỉm và cảm nhận được sức mạnh của tập thể.
Có một hội nghị về …cua của các nước trên thế giới, mà mỗi đại biểu mang theo một giỏ cua từ nước mình. Các nước rất ngạc nhiên khi thấy giỏ cua của Việt Nam không cần đậy nắp, mà vẫn không có con nào bò ra được, bèn hỏi lí do làm sao. Đại biểu Việt Nam cười khà khà: “Hê hê… Có gì đâu… Bên tui cua đâu có con nào có thể bò lên được cao. Mới bò lên được một chút là mấy con cua khác tìm cách kéo xuống rồi ….Làm nắp chi cho …lãng phí.
Minh Đức
(Chú ý: Hãy ghi rõ nguồn: “Minh Đức – Theo hieuhoc_hieuhoc.com” khi xuất bản lại nội dung bài viết này)