Câu chuyện về nam sinh đạt 8.5 IELTS Writing sau 500 bài luận

Gương sáng Hiếu Học tiếp tục với Bùi Thành Việt, chàng trai sinh năm 2001 tại Hà Nội, đang theo học khoa Truyền thông Quốc tế tại Học viện Ngoại giao.

Năm 2017, Việt thi IELTS đạt 7.0, trong đó kỹ năng Viết (Writing) đạt 6.0. Tiếp tục ôn luyện, từ năm 2017 đến 2019, Thành Việt viết hơn 300 bài luận tiếng Anh khác nhau, cứ 2-3 ngày viết một bài. Tháng 3 năm 2020, em thi lại IELTS và nâng điểm lên 8.0, nhưng điểm Writing vẫn ở mức 7.0, chưa đạt như kỳ vọng.

Nam sinh đặt câu hỏi tại sao dù cố gắng nhưng điểm vẫn không cao lên. Em dừng lại việc viết bài mới, một phần vì không có động lực, một phần vì “cạn đề”. Việt mở lại 300 bài đã viết, tham khảo từ các nguồn để đối chiếu lại và nhận ra đã mắc nhiều lỗi như sai ngữ pháp, từ vựng chưa phong phú, lặp lại từ trong yêu cầu của đề bài hàng chục lần, các ý thiếu tính liên kết. Nhưng, vấn đề lớn nhất, theo Việt là em đã thiếu tư duy phản biện để đào sâu bản chất vấn đề và đưa vào các bài viết.

“Em phụ thuộc quá nhiều vào những gì được học từ thầy cô, và gần như không động não khi viết nên bài luận nông và hời hợt”, Việt nói, ví dụ, đề bài hỏi ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường đến cuộc sống, Việt chỉ có thể nói được “ô nhiễm có hại” mà không thể phân tích thêm “có hại cho ai, cái gì?” hay “vì sao lại có hại?”. Nói cách khác, Việt không biết phát triển ý.

Một ví dụ khác, trước câu hỏi: “Nowadays more fathers stay at home and take care of their children while mothers go out to work. What could be the reasons for this” (Ngày nay, nhiều ông bố ở nhà chăm sóc con cái hơn trong khi các bà mẹ đi làm. Điều gì có thể là lý do cho điều này?), Việt đã viết: “Men nowadays appreciate the role of their wives more than in the past. This is because they grow up watching how difficult it was for their mothers and grandmothers, so they want to contribute to their wives” (Đàn ông ngày nay đánh giá cao vai trò của người vợ hơn ngày xưa. Là vì lớn lên chứng kiến mẹ và bà khổ cực nên muốn góp phần cùng vợ”. Việt phân tích, ý “đàn ông thấy mẹ và bà vất vả nên muốn giúp đỡ cho phụ nữ” khá hời hợt và chung chung vì chắc gì đàn ông đã ở với bà và mẹ, em cũng không thể đưa ra bất kỳ luận cứ nào hợp lý cho luận điểm của mình.

Việt nhớ lại, khi nghe “Ted Talk”, một diễn giả đã nói về tầm quan trọng của câu hỏi “tại sao?”. Nam sinh sau đó áp dụng câu hỏi này vào việc viết luận, hoàn thành thêm 200 bài luận mới, trước khi đạt 8.5 IELTS vào tháng 11 năm nay. Lần này, kỹ năng Writing của Việt đạt 8.5.

Nguyễn thành việt đang là sinh viên năm thứ ba, học viện ngoại giao. Ảnh: nhân vật cung cấp
Nguyễn Thành Việt đang là sinh viên năm thứ ba, Học viện Ngoại giao. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Theo Thành Việt, khi viết luận, dù luận điểm chính hay luận cứ phụ, việc đặt ra câu hỏi “tại sao” giúp em viết các ý sâu sắc hơn. “Tại sao mình lại viết câu này vào bài? Câu này giúp người đọc hiểu thêm được gì? Tại sao nguyên nhân này lại dẫn đến kết quả kia?, là những câu hỏi luôn thường trực trong đầu em”, Việt nói.

Khi không thể tự mình trả lời, Việt tham khảo các tài liệu trên mạng. “Khi thấy có ý nào hay hơn bài của mình, em ghi lại vào một quyển số tay nhỏ”, Việt cho hay. Tuy vậy, nếu như hồi năm 2015, Việt sẽ ghi lại hết thì nay khi chọn ý để học, em luôn tự hỏi “tại sao ý này lại hay hơn ý của mình?”, “tại sao bài này lại điểm cao hơn bài của mình?”.

Với ví dụ về vai trò của phụ nữ ở trên, Việt đã viết thêm như sau: “Additionally, thanks to feminist campaigns worldwide, child-rearing is no longer considered to be a feminine job that belongs to women only. Therefore, many men are willing to sacrifice their working life to tend to their children” (Ngoài ra, nhờ các chiến dịch nữ quyền trên toàn thế giới, việc nuôi dạy con cái không còn được coi là công việc nữ tính chỉ dành cho phụ nữ. Vì vậy, nhiều người đàn ông sẵn sàng hy sinh cuộc sống lao động của mình để chăm sóc con cái).

Theo Việt, điều này cho thấy lý do đàn ông giúp vợ chăm sóc con cái còn “nhờ phong trào nữ quyền trên toàn thế giới”; kết quả bây giờ không còn là “đàn ông muốn cống hiến cho vợ” mà là “chăm con không còn là công việc của riêng phụ nữ”. Như vậy, bài viết đã nêu ra nguyên nhân – kết quả, kết nối với nhau hợp lý, theo nhận định của Việt.

Việt cũng phân tích các ví dụ khác để thấy rõ điều này. Nam sinh từng đọc trong quyển sách “The key to IELTS Writing task 2” của tác giả Pauline Cullen có hai đoạn mẫu Writing minh họa cho hai mức điểm 6.0 và 7.5.

Ở mức điểm 6.0, tác giả ví dụ: “While at school, children often dress up like great leaders. By doing that, they become curious and want to know more about these people, which can help them in copying their traits, which consequently become integrated into their personality” (Khi ở trường, trẻ em thường ăn mặc giống những nhà lãnh đạo vĩ đại. Bằng cách đó, họ trở nên tò mò và muốn biết thêm về những người này, điều này có thể giúp họ bắt chước những đặc điểm của họ, do đó trở nên tích hợp vào tính cách của họ).

Còn ở mức điểm 7.5, ví dụ như sau: “While at school, children often participate in group activities, such as dressing up like great leaders for a play. Through these activities, teachers can show them how to cooperate with others and play well together. Children, therefore, may quickly learn communication skills, and realize there is a right and wrong way to behave” (Khi ở trường, trẻ em thường tham gia vào các hoạt động nhóm, chẳng hạn như hóa trang thành những nhà lãnh đạo vĩ đại để tham gia một vở kịch. Thông qua các hoạt động này, giáo viên có thể chỉ cho các em cách hợp tác với người khác và chơi tốt với nhau. Do đó, trẻ em có thể nhanh chóng học các kỹ năng giao tiếp và nhận ra có cách cư xử đúng và sai).

Việt phân tích để từ mốc điểm 6.0 lên 7.0, đoạn văn có thay đổi trong góc nhìn. Ở bài viết 6.0, học sinh từ “hoá trang” dẫn đến “học được phẩm chất của những người vĩ đại” là một bước nhảy quá lớn. Nó giống như một người hoá trang làm Peter Pan thì sẽ thành trẻ con, hoặc một người hoá trang thành Bill Gates sẽ có được tư duy của tỷ phú. Nhưng ở đoạn 7.0, tác giả đã đưa ra lý giải hợp lý hơn, từ “hoạt động nhóm” đến cải thiện “kỹ năng giao tiếp” ở trẻ em.

Thành việt với bảng điểm ielts của mình, tháng 112022. Ảnh: nhân vật cung cấp
Thành Việt với bảng điểm IELTS của mình, tháng 11/2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tóm lại, Việt thường nhìn nguyên nhân và kết quả trong bài IELTS Writing đã kết nối với nhau hợp lý chưa, có bị xa quá không, nếu xa quá là người viết đang “tưởng tượng hoặc quy chụp một cách thiếu thực tế”.

“Một câu hỏi “tại sao” đơn giản nhưng khiến mình trở thành một con người hoàn toàn khác, mình trở nên tò mò, ít phiến diện, chủ quan và bảo thủ”, Thành Việt nói về chìa khoá giúp việc viết luận từ năm 2020 đến nay của em có hiệu quả. Luyện kỹ năng Writing giúp em trưởng thành về nhận thức, khi em phải học cách tư duy phản biện, tư duy logic, học cách giao tiếp, cách thuyết phục người khác tin vào những gì mình nói.

Lệ Thu – VnExpress

Cùng chuyên mục