(Hiêu học). Cậu con trai thứ hai chỉ cao 1,12 m, nặng chưa đầy 40kg, chân tay khuềnh khoàng, ốm đau suốt nhưng học rất tốt, ông Ngô Văn Bằng (Vĩnh Thành, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) đã “lặn lội” cùng con ra Hà Nội khi con ông nhập học Học viện Y- Dược học cổ truyền Việt Nam…
Ngồi bên cây đàn bầu tự chế, chậm rãi tấu lên khúc nhạc Về quê da diết, ông Ngô Văn Bằng nói “đời mình rứa mà vẫn còn may hơn nhiều gia đình khác”.
Trách sao trời chẳng ở yên
Năm nay 55 tuổi, ông Ngô Văn Bằng (Vĩnh Thành, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) đã hơn 20 năm lăn lộn trong ngành Giao thông. Những năm tháng chiến đấu ở chiến trường C, nước bạn Lào, tham gia mở đường ở Phông-Sa-Lì, Xiêng-Khoảng, Sầm Nưa đã lấy đi tuổi trẻ và sức khỏe của chàng trai xứ Thanh.
Năm 1978, khi đi học tại trường Trung cấp đường sắt Vĩnh Phú, trong một lần ốm sốt liệt giường, ông được các bác sĩ cho biết sức khỏe của ông chỉ ở loại 4 (yếu).
Sau nhiều thăng trầm cuộc đời, năm1989 ông về làm thuyền trưởng kiêm Bí thư chi bộ vận tải, Cty Vật tư Nga Sơn, Thanh Hóa. Được hơn một năm thì vợ ông, bà Nguyễn Thị Hải sinh cậu con trai thứ hai – Ngô Văn Định.
Niềm vui chẳng được tày gang thì nỗi buồn đã ập tới. Chân tay cậu con trai thứ hai của ông cứ co lại chứ không thẳng như mọi đứa trẻ khác. Đã thế lại khuyềnh khoàng, ngắn cũn. Cái đầu thì lại quá to. Thương con, trách sao “trời sao chẳng ở yên”, bà Hải cứ khóc nấc lên ai oán. Sức khỏe bà cứ thế yếu đi trông thấy.
Cái tổ ấm bé nhỏ ấy chỉ còn biết trông chờ vào ông. Một thời gian sau, ông xin nghỉ hưu, nhận 890.000đ lương để có thời gian chăm sóc vợ con.
Ngồi trên chiếc giường ọp ẹp trong căn phòng trọ gần 12m2 ẩm thấp, ông Bằng buồn bã: “Con mình như vậy, mình chẳng đổ lỗi cho ai cả. Mình chỉ nghĩ làm sao để nuôi con khôn lớn, yêu thương nó để cho cháu khỏi tủi thân thôi”.
Khi Định lên 4 tuổi, đầu to, chân tay không cử động, cứ nằm yên một chỗ, khiến lòng ông như lửa đốt. Đưa con đi khắp nơi hỏi han, ông chỉ nhận được những cái lắc đầu chia sẻ.
Niềm vui như vỡ òa khi Định bước sang tuổi thứ 5. Em đã có thể đứng dậy, tập dần những bước đi đầu tiên. Run rẩy và chậm chạp. Ông nhìn con bước đi mà ứa nước mắt: “Cả chân tay của cháu đều bên thấp bên cao, bên ngắn bên dài. Bước đi tập tễnh, yếu ớt lắm”.
Định đòi bố cho em đi học. “Chỉ có con đường nắm bắt tri thức thì mới có thể thay đổi được số phận, làm cho xã hội tốt đẹp lên thôi” – Định nói như một triết gia.
Và thế là, ngày ngày người cha ấy dù nắng hay mưa cứ đều đặn cõng cậu con trai nhỏ tới trường. Thương cha mẹ vất vả nuôi mình khôn lớn, Định lại càng chăm chỉ học hành. Trong 12 năm học, em đều đạt danh hiệu học sinh khá giỏi.
“Định nó thích các môn tự nhiên mà cũng học giỏi văn lắm. Mấy năm học cấp 2, cháu đều được chọn vào đội tuyển bồi dưỡng của trường để đi thi huyện. Có điều Định nhỏ quá, lại viết chậm nên thầy cô nhiều khi “ngại” nên động viên cháu dành cho bạn khác” – ông Bằng kể.
Kể về những tháng ngày đồng hành với con, ông Bằng bảo kỷ niệm thì nhiều lắm: nào là chuyện bạn bè thấy Định như thế thì trêu trọc, thầy cô cũng có người không cảm thông, đối xử phân biệt…
“Nhưng đáng nhớ nhất là đợt vừa rồi tôi đưa cháu đi thi” – ông Bằng nhớ lại: “Định nó có cái tật là rất dễ ốm nếu thời tiết thay đổi. Biết thời tiết miền Bắc, nhất là Hà Nội hay thay đổi, tôi phải đưa cháu ra đây trước cả chục ngày để làm quen. Vậy và vẫn không tránh được. Đợt 1 thi ĐH Nông nghiệp và đợt 2 thi vào Học viện Y-Dược học cổ truyền, cháu đều bị ốm, sốt nặng lắm. Tôi phải lấy màn cuốn vào người cháu rồi cõng đi thi. Nhiều người nhìn thương, bảo lên xe họ đèo giúp nữa. Nhưng mình sợ cháu người nhỏ, tay ngắn mà đầu to, ngồi dễ ngã nên đành thôi”.
Lại nữa, vào phòng thi bàn thi vừa cao, vừa xa ghế ngồi nên Định phải đứng làm bài.
Ông Bằng kể thêm: “Định nó có cái khổ là đêm nằm phải có bố. Tối cháu ngủ hay bị hoảng hốt, giật mình. Tôi cứ phải ôm cháu vào lòng vỗ về. Rồi tắm cũng thế, cháu nó sợ nước. Để cháu tự tắm là y như rằng hôm sau ốm sốt. Nhà lúc nào cũng phải có tủ thuốc chống nôn, chống sốt, thuốc an thần cho cháu”.
Thôi, để cái buồn nó đấy…
Cái tin cậu học trò tí hon đỗ cả ĐH Nông nghiệp Hà Nội và Học viện Y-Dược học cổ truyền VN về với làng quê nhỏ bé Vĩnh Thành trong niềm ngỡ ngàng của không ít người.
Tuy nhiên, khi quyết định theo học ở Học viện Y-Dược học cổ truyền, Định mới biết ngành điều dưỡng không phù hợp với thân hình của mình. Vì thế, Định xin chuyển xuống khoa Y sĩ, y-dược học cổ truyền, hệ trung cấp của trường.
Định vẫn thường tranh thủ ra ngoài các tiệm thuốc Tây ở gần trường xin bao bì các loại thuốc thông dụng, để tìm hiểu công thức và tác dụng của từng loại. Tất cả đều được em ghi chép lại một cách tỉ mỉ.
Cũng từ ngày đưa Định ra Hà Nội học, ông Bằng được nhà trường bố trí cho công việc làm vệ sinh trong trường: sáng từ 3 giờ đến 7 giờ, tối từ 6 giờ đến 9 giờ, mỗi tháng được 1,3 triệu.
Trước đây, hai bố con được vợ chồng thầy Lê Đình Yên, giáo viên trong trường cho ở miễn phí tại căn phòng nhỏ vốn cho thuê của gia đình phía sau trường. Nay, nhà cô bán cho người khác. Vì vậy, mỗi tháng bố con Định mất hơn 500.000đ tiền điện nước, thuê phòng.
Anh trai của Định là Ngô Văn Bình, sinh năm 1986 may mắn hơn người em vì thể trạng hoàn toàn bình thường. Thương em tật nguyền lại chịu khó học tập, Bình quyết định thôi học ở ĐH Bách Khoa Hà Nội để làm nghề sửa chữa ô tô, cùng bố mẹ lo cho em ăn học.
“Muốn tằn tiện ăn uống một chút nhưng Định ốm quá phải có chế độ riêng. Mà chú tính, ăn uống sinh hoạt ở đất Thủ đô đắt đỏ, chút đồng lương của mình sao đủ nuôi Định”.
Nhiều đêm nằm vắt tay lên trán, nước mắt ông cứ lăn dài. Ông Bằng không ngăn nổi quyết định của người con cả: “Hắn nói để bao giờ lo cho thằng Định học xong, con học tiếp cũng chưa muộn mà”.
Ra Hà Nội hơn năm rồi mà ông không dám cho con đi đâu xa, cũng chẳng dám cho ai đèo Định đi đâu. “Đường xá, đi lại ở đây vừa chật vừa đông. Cháu nó chân tay ngắn quá, đi nhanh mà gặp ổ gà là dễ ngã lắm. Sắp tới Định đi thực tập xa, mình cũng đang phải tìm cách đưa cháu đi rồi bố trí công việc cho hợp lý nữa”.
“Thôi, để cái buồn nó đấy. Mình gẩy bài Em là hoa Pơ-lăng cho bạn nghe nhé!”. Tiếng đàn bầu réo rắt trong đêm, ở cái xóm nhỏ ấy nghe sao buồn thế!
Theo: (VietNamNet).