(hieuhoc_hieuhoc.com). Cạnh tranh nhưng ai thật sự được hưởng lợi? Đó là câu hỏi có thể giúp những người “học làm kinh doanh” sau việc K+ độc quyền phát sóng các giải bóng đá châu Âu tại VN và buộc người hâm mộ phải bỏ số tiền lớn mới xem được các trận đấu.
“Chúng ta cạnh tranh nhưng nước ngoài lại đang được hưởng lợi. Về mặt quan điểm cá nhân tôi cho rằng tình huống bất lợi sẽ còn tái diễn dài nếu chúng ta vẫn chỉ nhìn thấy lợi ích của riêng mình” (Ông Trần Đăng Tuấn, Phó TGĐ thường trực VTV)
“Không gây sốc để đánh bóng”Ông Cao Văn Liết, Tổng Giám đốc VSTV (K+), đã nói như vậy với phóng viên Báo Người Lao Động quanh việc kênh truyền hình này độc quyền bản quyền truyền hình nhiều giải bóng đá quốc tế
. Phóng viên: Xin hỏi ông một câu rất thẳng, K+ có được bản quyền Giải Ngoại hạng Anh có phải là do các nhà đài khác chậm chân và không mặn mà với giải đấu này nữa?
– Ông Cao Văn Liết: Chỉ mới ra đời được nửa năm nay nhưng chúng tôi đã xác định rõ ràng mục tiêu của mình. Để cạnh tranh với các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền đã có mặt ở VN từ lâu, K+ quyết tâm có bản quyền các giải bóng đá lớn. Việc mua bán bản quyền là công khai và đúng pháp luật nên mọi đơn vị đều có cơ hội như nhau. Tôi xin phép không bình luận về động thái của các nhà đài khác.
. Có ý kiến cho rằng K+ đang đánh bóng tên tuổi của mình nhờ những cú hích như sự kiện độc quyền các trận đấu ngoại hạng Anh ngày chủ nhật?
– Thành thực mà nói K+ vẫn là một thương hiệu mới tại VN, nhưng lại được thừa hưởng những kinh nghiệm của 2 đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực truyền hình tại VN và Pháp là VTV và Canal+. Do vậy, nhờ uy tín củaVTV và Canal+ mà K+ có được lợi thế trong quá trình đàm phán với các đơn vị cung cấp bản quyền truyền hình quốc tế.
Việc có sóng độc quyền các trận đấu Giải Ngoại hạng Anh ngày chủ nhật không nhằm mục đích gây khó khăn cho các đơn vị cùng hoạt động trong lĩnh vực như chúng tôi. Chúng tôi không bao giờ nghĩ sẽ đánh bóng hình ảnh của mình bằng những cú sốc.
. Nhưng giá các gói cước của K+ vẫn còn khá đắt so với dịch vụ của nhiều đài truyền hình. Ông nghĩ sao?
– Chúng tôi cho rằng nếu so sánh về giá thì người tiêu dùng nên so sánh trên cùng một tiêu chuẩn chất lượng của dịch vụ giống như trong thể thao, người võ sĩ sẽ phải thi đấu ở cùng hạng cân. K+ hiện cung cấp hơn 70 kênh truyền hình và các kênh này đều có chất lượng tốt. Nếu so sánh về chất lượng tín hiệu hình ảnh và âm thanh thì sẽ thấy sự nổi trội của K+. Chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh đến sự khác biệt về mặt nội dung mà K+ sẽ mang lại cho khán giả truyền hình.
. Liệu K+ có san sẻ bản quyền với một số đài truyền hình không thể sở hữu các trận đấu Giải Ngoại hạng Anh vào ngày chủ nhật không, thưa ông?
– K+ đã và đang tiếp tục đàm phán với các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình khác để có thể hợp tác phát kênh truyền hình K+1 trên hệ thống truyền hình của các nhà cung cấp này. Việc hợp tác này cũng cần phải tuân thủ nguyên tắc bản quyền mà nhà cung cấp bản quyền yêu cầu đối với K+.
. Cụ thể nhà đài nào và kênh truyền hình nào sẽ được K+ chọn làm đối tác?
– Về mặt này chúng tôi vẫn đang trong quá trình thăm dò thị trường và chưa thể tiết lộ ngay, nhưng chắc chắn mục tiêu hướng tới vẫn là phục vụ được càng nhiều người xem càng tốt.
* Ông Trần Đăng Tuấn, Phó TGĐ thường trực VTV:
Đã cảnh báo trước…
Từ 10 năm trước, trong hội thảo lần đầu tiên về truyền hình cáp VN, tôi đã đề nghị phải có hiệp hội truyền hình, các đài phải ngồi lại với nhau. Chúng ta cạnh tranh nhưng nước ngoài lại đang được hưởng lợi. Tôi không trực tiếp phụ trách K+ hay những hoạt động liên quan đến vấn đề bản quyền các giải bóng đá, nhưng về mặt quan điểm cá nhân tôi cho rằng tình huống bất lợi trên sẽ còn tái diễn dài nếu chúng ta vẫn chỉ nhìn thấy lợi ích của riêng mình.
Theo: “Không gây sốc để đánh bóng”Phạm Ngọc (NLDO)
Làm kinh doanh nhưng phải có trách nhiệm với cộng đồng.
– Đối với đa số dân nghèo, không dám đòi hỏi “tiêu chuẩn chất lượng đặc biệt và nổi trội” như của K+, mà chỉ mong được tiếp tục hưởng thụ dịch vụ “tốt bình thường” của các nhà đài như trước với chi phí phải chăng thì phải làm sao?
– Nếu như không thể hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình khác trong nước vì “cần phải tuân thủ nguyên tắc bản quyền mà nhà cung cấp bản quyền yêu cầu đối với K+” thì thật tiếc! Bởi đại đa số người dân, những người lao động nghèo sẽ được hưởng lợi gì từ cuộc cạnh tranh này? Nếu người xem phải mất nhiều tiền hơn một cách oan uổng, người được hưởng lợi không phải là người đặt ra nguyên tắc cuộc chơi (tốn tiền lại để bị ràng buộc), cạnh tranh mà không có ai thật sự được hưởng lợi, hoặc chỉ được ít lại mất nhiều thì cạnh tranh như thế để làm gì? “Cạnh tranh nhưng ai hưởng lợi?” (Tựa đề của hieuhoc_hieuhoc)