Lâu nay hiện tượng một số báo, đài đưa tin gây ngộ nhận, đôi khi gây sốc dư luận càng lúc càng nhiều. Dù hiểu biết ít, nhưng tôi hơi lo cho những thông tin mang tính “đồng bóng” như vậy.
Báo chí nói, ta nhập cây mai dương về và bây giờ nó lây lan gây hậu quả nghiêm trọng nhưng không nói ai nhập? Tôi biết loài cây gai này có từ trước khi tôi chào đời. Hồi kháng chiến chống Mỹ, chúng tôi nhờ nó, đào hầm bí mật giữa bụi mai dương, chó bẹc-giê cũng không dám càn vào vì gai của nó rất kinh khủng. Trong khi đó, cây mai dương lại là thức ăn khoái khẩu của con dê. Đất bỏ hoang thì nó mọc thế thôi. Vậy mà có người đề xuất xin Chính phủ kinh phí để diệt mai dương?
Gần đây, báo chí thông tin “Cụ rùa” Hồ Gươm nổi lên liên tục là “điềm lành”. Tuy tình cảm và niềm tin ấy là trong sáng vì quốc thái dân an nhưng lại không khoa học chút nào. Động vật có loài thở qua phổi, qua mang và qua da. Thở kiểu nào cũng cần dưỡng khí (ôxy). Tảo Hồ Gươm đặc quánh, tảo dùng nhiều dưỡng khí, cụ Rùa chịu không nổi hay thiếu dưỡng khí để thở nên phải trồi lên. Đó là “điềm” đáng lo cho sức khoẻ “Cụ”, tại sao báo chí lại bàn là “điềm may” cho vận nước? Ngoài tảo, các hoạt động ngoài trời quanh Hồ Gươm, nhất là âm thanh, ánh sáng la-de, người còn chịu không xiết huống chi loài động vật như con rùa vốn thích yên tĩnh, kín mát.
Thời sự nhất là rùa tai đỏ nhập từ Nam Mỹ về miền Tây, báo chí nói rất nhiều. Bây giờ thì công ty nhập khẩu rùa tai đỏ phải tiêu hủy hay giết mổ làm thức ăn gia súc. Nói công ty nhập khẩu sai về nguyên tắc, thủ tục thì đúng phải làm như vậy. Cũng cần nên có kỷ luật. Nhưng kỳ thật thì rùa tai đỏ cũng không phải là cái gì ghê gớm cho môi sinh. Cá chim (có người còn gọi cá hổ), ốc bươu vàng, cá lau kiếng… một thời làm tôi, lúc còn làm lãnh đạo tỉnh An Giang, cũng hoang mang. Tôi đã sang tận Philippines xem nó ra sao để ra lệnh cho các công ty ở An Giang không được nhập ốc bươu vàng, có chỉ thị hẳn hoi.
Cái gì cũng có hai mặt. Về miền Tây sẽ hiểu sự thật của nó. Tôi là người làm ruộng, nuôi cá nhiều năm và nhất là nuôi rùa sinh sản để sau này đưa ra môi trường bổ sung cho thiên nhiên đang bị tận diệt (hy vọng là vậy) nên tôi biết, chớ không nói càn.
Tôi không hiểu sao các nhà khoa học không lên tiếng các việc nói trên để yên dư luận hoặc điều chỉnh nhận thức xã hội. Một thời “khoai lang bồ”, “xuyên tâm liên”, “hạt mít bổ hơn hột gà”… là bài học cười ra nước mắt vì hiện tượng thông tin “đồng bóng”, “cả vú lấp miệng em” của các phương tiện truyền thông.
Bây giờ là thế kỷ của hội nhập, công nghiệp hoá, hiện đại hoá mà cứ nói như trên thì cũng là cười ra nước mắt.
Theo: Cảnh báo hiện tượng “đồng bóng” trong thông tin
Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang/(TBKTSG Online)