Cứ mỗi mùa tuyển sinh, chuyện cộng điểm ưu tiên lại nổi lên gây bức xúc dư luận.
Năm 2015 BáoThanh Niênđã có loạt bài nhiều kỳ phân tích mọi khía cạnh bất cập của chế độ cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh. Các chuyên gia cũng đề xuất các phương án giải quyết. Đến nay, những điều mà báo đã đề cập 2 năm qua vẫn thời sự. Chỉ có điều vấn đề càng căng thẳng hơn, rõ nét hơn khi đề thi năm nay độ phân hóa không cao giữa những thí sinh (TS) thật giỏi với TS khá giỏi khác.
Điều này dẫn đến thực tế số TS có điểm cao ngang nhau quá nhiều, nếu chỉ tăng hay giảm 0,25 điểm thì sẽ có hàng trăm người vào hoặc rớt ra khỏi danh sách trúng tuyển. Vì thế chưa năm nào như năm nay, các trường phải dùng đến hàng loạt tiêu chí phụ trong xét tuyển. Trong khi đó TS hưởng điểm ưu tiên khu vực ít nhất được cộng thêm 0,5 điểm, ưu tiên đối tượng là 1 điểm. Với những trường tốp trên, trong khi TS cạnh tranh nhau đến từng 0,01 điểm là có thể đậu hay rớt thì những TS được hưởng điểm ưu tiên trong trường hợp này có nhiều lợi thế. Vấn đề là những trường tốp đầu như vậy lại không nhiều nhưng số lượng TS được hưởng ưu tiên lại chiếm tỷ lệ quá cao so với TS không được ưu tiên gì.
Theo thống kê, ở nhiều trường y trong cả nước, số TS được hưởng ưu tiên lên đến hơn 90%. Trường càng lớn, ngành càng hấp dẫn thì tỷ lệ TS hưởng điểm ưu tiên càng tăng. Chẳng hạn vào thời điểm 2015 ngành kinh tế đối ngoại của Trường ĐH Kinh tế – Luật ĐH TP.HCM có khoảng 95% TS được hưởng điểm ưu tiên. Ở Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, tỷ lệ này hơn 74%… Những con số này không thể biến động nhiều trong 2 năm qua vì chính sách cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh không thay đổi.
Trả lời báo chí trong những ngày này, đại diện Bộ GD-ĐT cho rằng chính sách cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh là cần thiết, giảm sự chênh lệch vùng miền để từ đó tạo ra sự công bằng cho các TS. Đại diện Bộ còn khẳng định tỷ lệ TS ở khu vực 3 (không được ưu tiên – NV) đỗ vào các trường ĐH tốp trên vẫn cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ TS ở nông thôn, miền núi.
Bỏ cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh hay không đã được bàn rất nhiều. Để có cách giải quyết tốt nhất, Bộ GD-ĐT nên tiến hành một khảo sát đầy đủ về việc này ở mọi góc độ để xem chính sách có thật sự công bằng như mong muốn. Cùng với thực tế đề thi như những năm gần đây, Bộ cũng cần xem xét về khoảng cách điểm ưu tiên sao cho hợp lý hơn hoặc thay điểm ưu tiên bằng các chệ độ chính sách kèm theo trong quá trình đào tạo. Hoặc chế độ ưu tiên chỉ tính đối với những TS thi vào các trường ĐH ở khu vực ưu tiên đó. Ở khía cạnh khác, việc tuyển sinh vào ĐH cũng cần thay đổi sao cho điểm của một kỳ thi không chỉ là căn cứ duy nhất để xét tuyển.
Theo: (Giáo dục /Tuyển sinhTNO)