Thời gian gần đây, phương tiện thông tin đại chúng đã giúp phổ cập sự hiểu biết về sức khỏe tới người dân và nhiều người đã ý thức tập luyện thể dục thể thao cùng với những phương pháp tập luyện như yoga, thái cực quyền, khí công, thiền định… Tinh thần tập luyện lên cao giúp nâng cao sức khỏe cộng đồng là tín hiệu tốt. Tuy nhiên nếu không có sự hiểu biết và quan tâm một cách đúng đắn, mỗi cá nhân người tập có thể tiềm ẩn những nguy cơ gây hại cho sức khỏe, hoặc làm cho các bệnh mà họ đang mắc phải sẽ trở nặng thêm một cách đáng tiếc. Do vậy, mọi người cần phải cẩn trọng khi tập luyện.
Khi chúng ta tập luyện bất cứ một phương pháp nào (dù phương pháp đó có nổi tiếng bao nhiêu đi chăng nữa), chúng ta cũng phải tập từ từ, với các huấn luyện viên giỏi, có thâm niên và kinh nghiệm. Điều cốt lõi và rất quan trọng là phải lắng nghe cơ thể của chính mình. Bất cứ một phương pháp tập luyện nào tốt và phù hợp với cơ thể thì sau một thời gian tập luyện, người tập phải thấy khỏe về thể chất, thư thái và bình an hơn về tâm hồn. Đặc biệt, những bệnh nhân (người có bệnh sẵn) cần phải lắng nghe cơ thể mình thật kỹ lưỡng, nghiêm túc, để đánh giá phương pháp mình đang tập có phù hợp hay không.
Ví dụ sau khi tập luyện, người tập phải ăn ngon miệng hơn, ngủ tốt hơn, những cơn đau giảm đi, bớt giận dữ, căng thẳng, lo âu, tập trung tư tưởng tốt hơn, năng suất làm việc tăng lên một cách rõ rệt… Những tiêu chí này giúp cho người tập biết rằng mình đang tập đúng hướng và có huấn luyện viên thích hợp. Ngược lại, nếu sau khi tập lại thấy mệt hơn, đau nhức tăng lên, mất ngủ, tinh thần căng thẳng, ăn uống kém, buồn bực không vui, không muốn làm việc…, thì người tập phải đánh giá lại cách tập luyện của mình: có thể phương pháp tập luyện không phù hợp hoặc sự chỉ dẫn của huấn luyện viên không đúng…, khiến gây ra những phản ứng không mong muốn.
Tất cả phương pháp tập luyện đều có thể đưa đến những kết quả tốt (nếu tập đúng phương pháp) hay xấu (nếu tập sai phương pháp). Thiền định rất tuyệt vời nhưng nếu tập sai cũng có thể “tẩu hỏa nhập ma”!
Yoga là một phương pháp tập luyện từ ngàn xưa của Ấn Độ. Hiệu quả của yoga trong vấn đề tăng cường sức khỏe, tăng sức đề kháng, phòng bệnh và an lạc thân tâm đã được khẳng định và được công nhận trên toàn thế giới. Hiện nay, tại TPHCM cũng như một số tỉnh thành khác trong cả nước, nhiều trung tâm tập yoga mọc lên “như nấm sau mưa”. Yoga phát triển nhanh cho thấy người dân đã ý thức tập yoga có lợi cho sức khỏe, nhưng đi kèm theo đó là nỗi lo thiếu huấn luyện viên.
Nhiều trung tâm yoga không thể tìm ra những thầy giỏi, có nhiều năm kinh nghiệm nên họ sử dụng những huấn luyện viên trẻ, mới được đào tạo ngắn hạn. Những người này chưa có đủ kiến thức về lý thuyết cũng như kinh nghiệm thực hành, đặc biệt những kiến thức về giải phẫu học cơ thể, sinh lý học, bệnh học cơ bản… Vì vậy, nếu để họ hướng dẫn cho những bệnh nhân bị các bệnh thực thể về xương khớp (cột sống, khớp háng, khớp gối, vai, cổ chân…), tim mạch (cao huyết áp, rối loạn nhịp tim, đau thắt ngực, di chứng nhồi máu cơ tim…), bại liệt các cơ, bệnh tâm thần kinh… thì phải rất cẩn thận.
Các trung tâm yoga khi tiếp nhận người tập bao gồm cả những bệnh nhân thì cần phải chuẩn bị đầy đủ nguồn nhân lực có trình độ và tay nghề phù hợp. Đầu tiên là phải có một thầy thuốc thăm khám và phân loại người tập thành từng nhóm phù hợp với chứng bệnh mà họ đang mắc phải, rồi chuyển từng nhóm người đó về tập với một huấn luyện viên có kinh nghiệm để hướng dẫn những tư thế yoga hay cách tập luyện phù hợp với căn bệnh của họ. Các huấn luyện viên cần phải có kiến thức y khoa, cần luôn theo dõi sát và góp ý kịp thời cho bệnh nhân trong quá trình tập luyện, tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.
Ví dụ những bệnh nhân bị đau cột sống cổ (lồi đĩa đệm cổ hay thoát vị đĩa đệm cổ, hoặc thoái hóa nặng cột sống cổ…), khi tập luyện yoga không đúng cách, thường làm cho cơn đau vùng cổ vai trở nên nặng nề hơn. Tại sao như vậy? Chúng ta biết theo lý thuyết, một số tư thế tập luyện yoga để đề phòng đau cột sống cổ, làm mạnh, làm mềm dẻo các cơ cạnh cột sống cổ, như tư thế con cá (Matsiasana), con rắn (Bhujangasana), cái cày (Halasana), trồng chuối (Headstand)… Những tư thế này chỉ phù hợp cho những người trẻ tuổi hay những người chưa bị hay chỉ bị đau nhẹ ở cột sống cổ. Khi đã bị đau cột sống cổ nặng rồi thì tập những tư thế này sẽ làm cho bệnh lý cột sống cổ nặng thêm, làm thoát vị đĩa đệm nặng thêm! Tương tự, những tư thế tập luyện làm tăng sức mạnh cho tim, tăng cường tuần hoàn cơ thể, đưa máu lên đầu một cách đầy đủ (như tư thế trồng chuối, cái cày…) nhưng chống chỉ định đối với một số bệnh tim mạch như cao huyết áp, loạn nhịp tim, đau thắt ngực hoặc có biểu hiện suy tim…
Cũng cần lưu ý môi trường lạnh nhân tạo do máy lạnh trong một số phòng tập yoga cũng là một nguyên nhân làm hạn chế kết quả tập luyện, đặc biệt khi bệnh nhân ra nhiều mồ hôi. Khí lạnh khô (hàn táo) này sẽ đi vào cơ thể, làm cho bệnh nhân bị bệnh nặng thêm, đặc biệt những bệnh nhân sợ lạnh và đang bị các bệnh lý về thấp khớp, thoái hóa khớp, hen suyễn… Đây là một sai lầm cần tránh.
Tóm lại, tập luyện yoga hay những phương pháp nổi tiếng khác như đã nói ở trên, nói chung là rất tốt cho sức khỏe của mọi người, và cần phải tập luyện kiên trì, bền bỉ từ khi còn rất trẻ. Nhưng khi tập luyện bất cứ một phương pháp nào, người tập cũng phải lắng nghe cơ thể mình. Tiếng nói cơ thể về hiệu quả tốt của phương pháp mình đang tập (an lạc thân tâm, khỏe mạnh về thể chất lẫn tinh thần và bệnh tật thuyên giảm) là tiếng nói quyết định để tiếp tục tập luyện. Không tập theo phong trào và cứ cố gắng tập luyện dù cơ thể kêu gào rằng “phương pháp này không phù hợp, làm đau thêm, làm bệnh nặng thêm…”!
Theo: BS. Lê Hùng (TBKTSG)