(Hiếu học). Trong cuộc đời học sinh, các bạn đã sử dụng rất nhiều phương pháp ghi nhớ trong học tập một cách tự nhiên, theo cách học thông thường mà ai cũng áp dụng và ít nhiều đều có được kết quả nhất định. Tuy vậy, muốn “rèn luyện” trí nhớ, muốn phát huy tính khám phá, tính sáng tạo, muốn “nâng cấp” trí nhớ thì không thể không có phương pháp. Kỳ này, (Hiếu học) giới thiệu khái quát một trong số các phương pháp tư duy quan trọng và rất có hiệu quả, đó là: Phương pháp tư duy liên tưởng (Phương pháp liên tưởng).
Nói cụ thể, phương pháp liên tưởng là cách kết nối một vấn đề đang học, một vấn đề đang gặp phải cần được ghi nhớ, một vấn đề chưa thật quen thuộc, chưa thật hiểu rõ, nay ta móc nối nó vào cái mà mình đã biết rành rẽ thì sẽ rất dễ nhớ và nhớ rất lâu.
Để ứng dụng, ta cần xem lại các định luật liên tưởng như sau:
1- Luật tương tự: các sự vật tương tự về tính chất hoặc đặc trưng có thể hình thành liên tưởng. Như sắt thép làm ta liên tưởng đến sự cứng rắn, truyện “Tấm Cám” làm ta liên tưởng đến tình cảm gia đình…
2- Luật tương phàn: Các sự vất có những đặc điểm tương phản có thể hình thành liên tưởng. Như: sáng-tối, nóng-lạnh, nhút nhát-can đảm, thành công-thất bại…
3- Luật gần nhau: các sự vật gần nhau về thời gian và không gian cũng hình thành liên tưởng. Như thấy hoa thì có thể liên tưởng đến bướm, đến ong…
4- Luật quan hệ: Hình thành liên tưởng do mối quan hệ giữa các sự vật. Như: do cây cối ta nghĩ đến rừng, thấy ong ta nghĩ đến mật lại có thể tiếp tục liên tưởng đến sự ngọt ngào…
5- Ba luật phụ là:
– Luật sáng rõ: liên tưởng càng rõ ràng thì ấn tượng càng sâu sắc.
– Luật lập lại: ấn tượng càng sâu sắc khi liên tưởng được lập đi lập lại nhiều lần.
– Luật (thời gian) xa gần: thời gian hình thành liên tưởng càng gần càng sâu sắc, càng xa chúng ta thì càng mờ nhạt.
Mỗi loại liên tưởng sẽ là một kết nối, là một “móc dính” với các nội dung tư liệu cần ghi nhớ. Vì thế, nếu bạn muốn có một trí nhớ tốt hãy thường xuyên rèn luyện: Khéo léo kết nối nó với những sự vật, sự việc muôn màu muôn sắc trong cuộc sống chung quanh. Chắc chắn bạn sẽ có một trí nhớ ngày càng tốt hơn.
Ngoài nhiệm vụ chính là liên tưởng, là tìm ra sự liên hệ giữa các kiến thức với nhau để dễ ghi nhớ. Phương pháp tư duy liên tưởng còn giúp chúng ta có thể tự học được nhiều hơn, phát huy tính khám phá, tính sáng tạo. Ví dụ: từ quả táo rụng, nhờ liên tưởng nên Newton đã tìm ra các định luật chuyển động, đó là một minh chứng cho hiệu quả của sự liên tưởng. Vì vậy, đã là nhà khoa học, nhà nghệ thuật… thì ai cũng phải dùng phương pháp tư duy này.
Tóm lại, phương pháp liên tưởng là một phương pháp tư duy quan trọng rất thường được sử dụng. Nó không chỉ có tác dụng và cần thiết trong đời sống học tập hiện nay của bạn, mà phương pháp liên tưởng này sẽ còn rất hữu dụng và cần thiết cho suốt cả cuộc đời.
Thân ái chúc các bạn đạt kết quả tốt cho kỳ thi học kỳ 1 sắp đến nha, thân!
Nghi Quân. (hieuhoc_hieuhoc.com).