(hieuhoc_hieuhoc): Ở Phần 1, Hiếu Học đã giới thiệu với các bạn những công việc cần chuẩn bị trước khi bay sang Úc. Trong phần 2 này, chúng tôi xin tiếp tục những chỉ dẫn khi đến Úc lần đầu tiên.
II. ĐẾN ÚC
Khi đến Úc, bạn cần chuẩn bị sẵn Passport và thẻ Incoming Passenger để trình báo nhập cư. Sau đó, bạn sẽ tiếp tục nhận và mang hành lý của mình đến khu vực kiểm tra.
1. Tục lệ kiểm soát và quy luật cách ly
– Nếu bạn không có gì để khai báo, đi theo đường màu xanh.
– Nếu bạn có đồ để khai báo, đi theo đường màu đỏ.
Những vật dụng cần khai báo khi đến nơi:
– Nguyên vật liệu có nguồn gốc thảo mộc (bao gồm các bức tranh, vật điêu khắc từ gỗ hay được sơn, đồ thủ công và quà lưu niệm có nguồn gốc thảo mộc, sản phẩm từ rơm, tre, trúc, mây, hoa khô, hoa tươi, vỏ cây…).
– Sản phẩm có nguồn gốc động vật: lông, xương, sừng, gạc, len, lông, da, vỏ sò, san hô, các sản phẩm từ ong, thú vật sống, trứng chim…
– Tất cả các loài thú quí hiếm.
– Sản phẩm y khoa.
– Thức ăn: các loại sống, chín, phơi khô, trái cây, đồ hộp, thịt, cá, hải sản…
– Vũ khí.
Chú ý:
– Nếu mang quá AU$10,000 hay ngoại tệ khác tương đương, bạn cần phải khai báo tại nơi đến.
– Nếu bạn không khai báo hoặc khai báo sai, bạn sẽ bị bắt và bị phạt $220 ngay tại chỗ. Thậm chí, bạn còn có thể bị truy tố, chịu phạt hơn $60,000 và lãnh 10 năm tù. Nếu bạn khai báo đúng sự thật thì bạn sẽ không chịu bất cứ hình phạt nào.
– Thông tin chi tiết về các hàng hóa cần được khai báo: www.aquis.gov.au
– Cũng có một vài loại thuốc bị cấm ở Úc, xem thông tin chi tiết tại www.tga.gov.au
2. Hàng miễn thuế
Những mặt hàng sau đây được miễn thuế:
– Các loại hàng trị giá dưới $900, không bao gồm rượu, bia và thuốc lá ($450 cho trẻ em dưới 18 tuổi). Vd: Máy chụp hình, đồ điện tử, nước hoa, đồ da, trang sức, đồng hồ…
– 2.25 lit thức uống có cồn. 250 điếu thuốc hay 250 gam xì gà cho người trên 18 tuổi.
Nếu bạn mang quá quy định, thuế có thể sẽ được tính ở phần dư ra. Thông tin chi tiết: www.customs.gov.au
III. NHỮNG NGÀY ĐẦU TIÊN
Có nhiều trường cung cấp dịch vụ tiếp đón tại sân bay cho những học viên sẽ ở tại trường hoặc nhà dân. Chỉ với một ít chi phí, một người đại diện của trường sẽ đến đón bạn tại sân bay và đưa bạn về nơi ở. Dịch vụ này thường được tổ chức bởi VPSVQT của trường và nên được báo trước một vài tuần trước khi bạn rời nhà. Nhớ chắc chắn rằng bạn để địa chỉ và điện thoại liên lạc của người đón tiếp ở nơi dễ lấy trong hành lý để có thể rút ra thật nhanh chóng khi cần.
Những phương tiện công cộng như xe buýt, xe lửa, xe điện ngầm… đều có sẵn ở các điểm đến.
Khi đến nơi ở, đừng quên báo cho người thân bạn biết là bạn đã đến nơi an toàn.
1. Những việc cần làm
Liên hệ VPSVQT.
Mang theo thẻ SV.
Tham dự các buổi sinh hoạt định hướng do trường tổ chức.
Mở tài khoản ngân hàng.
Thu xếp chỗ ở lâu dài.
2. Vào ở
Những ngày đầu ở Úc sẽ là những ngày bận rộn và nhiều cảm xúc. Có nhiều thứ phải chuẩn bị trước khi vào học như tìm chỗ ở và đăng ký với trường. Bạn sẽ phải chịu đựng cảm giác căng thẳng khi xa gia đình, bạn bè và khung cảnh quen thuộc nơi quê nhà.
Hãy bắt đầu cuộc sống bằng việc tìm hiểu và khám phá thành phố, khuôn viên trường, các siêu thị gần nhà và các trạm xe công cộng. Bạn có thể mua một vài tờ báo địa phương để biết được cộng đồng nơi bạn đang ở, ở đâu có những câu lạc bộ thể thao và văn hóa. Tham gia câu lạc bộ là cách nhanh nhất để tìm bạn mới và hòa nhập vào cộng đồng. Thông thường các sự kiện cộng đồng như hội chợ hay các buổi hòa nhạc đều được quảng cáo rộng rãi trên báo.
3. Bạn có thể tìm sự giúp đỡ ở đâu?
VPSVQT là nơi tuyệt vời để tìm sự giúp đỡ. Nơi đây, những tư vấn viên sẽ nói chuyện và giúp đỡ bạn nếu như bạn có khó khăn khi hòa nhập với cuộc sống mới.
Trang web của chính quyền nơi bạn ở cũng là một nguồn thông tin hữu ích. Nơi đây, bạn sẽ tìm thấy bản đồ và thông tin công cộng, những đường link đến những website hữu ích khác.
4. Tìm nơi ở lâu dài
Có nhiều chỗ ở phù hợp với khả năng tài chính và nhu cầu của bạn như ở trong ký túc xá hay nhà dân. Ở chung với các bạn SV đang được nhiều bạn trẻ lựa chọn. Bạn có thể tìm thấy các mẩu quảng cáo cần tìm người ở chung trên các bảng thông báo SV hay trên báo. Một số trường cũng đưa lên website của mình những thông tin này.
Hầu hết các chỗ ở, trừ ở nhà dân đều không có các vật dụng cần thiết cho sinh hoạt hằng ngày. Bạn có thể tiết kiệm chi phí bằng cách mua đồ second hand ở các cửa hiệu bán đồ cũ gần nhà hay các tin rao vặt trên báo. Mang theo một ít đồ dùng cá nhân từ Việt Nam cũng là một ý kiến hay.
VPSVQT có thể hỗ trợ bạn chỗ ở tạm trong một vài ngày đầu. Vì thế, bạn có đầy đủ thời gian để cân nhắc xem nơi ở nào là phù hợp với mình nhất trong dài hạn.
a. Ở nhà dân ($110 đến $270 / tuần)
Đây là hình thức nhà ở dành cho các học sinh nhỏ tuổi và SV theo học các khóa ngắn hạn. Phòng đơn hay phòng chia có giá khác nhau. Những gia đình đón SV sẽ là những gia đình gương mẫu được các tổ chức giáo dục chọn lựa.
Bạn sẽ trả tiền thuê nhà (thường theo từng tháng) và tiền đặt cọc khi bạn dọn đến ở. Hãy nhớ nhận lại biên lai sau mỗi lần đóng tiền.
Vì ở chung nên bạn cần giữ môi trường xung quanh sạch sẽ, hỏi ý kiến chủ nhà khi bạn muốn mang một vật dụng gì đó vào nhà họ và có bất cứ thắc mắc gì. Nếu có vấn đề gì rắc rối, hãy gọi cho Văn phòng hỗ trợ SV ngay.
Những câu hỏi cần trao đối với chủ nhà khi mới đến:
– Khi nào tôi phải trả tiền nhà và tiền điện thoại?
– Những quy tắc khi sử dụng nhà bếp, máy giặt, giờ giấc, gặp mặt bạn bè?
– Khi nào vào buổi tối thì tôi nên ngừng các cuộc điện thoại?
– Tôi phải trở về nhà sau bao lâu kể từ khi tan học? (Dành cho các bạn dưới 18 tuổi)
– Tôi phải báo trước bao lâu nếu muốn dọn đi và khi nào thì tôi có thể lấy lại tiền đặt cọc?
b. Ký túc xá ($80 – $135/ tuần)
Ký túc xá được điều hành bởi các tổ chức như Youth Hostel Australia và Young Men Christian Association. SV dùng chung nhà bếp và nhà tắm.
c. Ở chung với các bạn khác ($50 – $350/tuần)
Các bạn SV cùng mướn chung một chỗ ở và chia tiền với nhau. Thông thường, tiền đặt cọc sẽ được trả lại vào cuối kỳ nếu như không có bất cứ hư hỏng gì với đồ đạc trong nhà.
Những lời khuyên khi đi thuê nhà
– Đừng cố vào ở 1 nơi không phù hợp với bạn.
– Kiểm tra cẩn thận các đồ dùng trong nhà.
– Ký hợp đồng thuê nhà (thường là 12 tháng).
– Lên danh sách tình trạng các vật dụng trong nhà nhằm bảo vệ bạn tránh bị đền bù những hư hại từ người thuê trước.
– Không ký bất kỳ tài liệu nào mà mình không hiểu. Nếu cần, hỏi Văn phòng SV quốc tế để nhận được sự giúp đỡ.
– Nhận lại tất cả biên lai thu tiền.
– Nên mua bảo hiểm cho các vật dụng riêng có giá trị.
– Tùy từng vùng mà điện, nước, điện thoại có giá kết nối khác nhau. Giá vào điện khoảng $30, gas $30, nước $60, điện thoại $60.
d. Ký túc xá trường trung học ($8000 – $11000/năm)
Nhiều trường trung học tư cung cấp luôn cả chỗ ở, ăn uống và dịch vụ giặt ủi cho SV. SV sẽ ở trong ký túc xá nam, nữ riêng biệt và sự giám sát của thầy cô.
e. Nhà ở gần trường ($80-$250/tuần)
Hầu hết các trường ĐH thường lo chỗ ở gần trường cho SV. Giá cả tùy thuộc vào từng loại nhà. Ở đó có thể có cả sân tập thể thao, thư viện, máy tính… cho SV.
Các bạn nên đăng ký sớm vì nhu cầu cho loại nhà ở này thường rất cao.
Hiếu Thảo (lược dịch từ www.studyinaustralia.gov.au)
(Mời các bạn đón đọc phần 3: Sống ở Úc)