Cẩm nang học tập và sinh sống ở Úc – Phần 1: Trước khi lên đường

(hieuhoc_hieuhoc): Sau khi đọc những bài cẩm nang này, bạn sẽ biết hầu hết mọi thứ mà bạn cần để bắt đầu một cuộc sống mới tại một trong những quốc gia thú vị nhất thế giới này. Đất nước của những trường đại học danh tiếng, trung tâm anh ngữ và các khóa huấn luyện chuyên môn sẽ nuôi dưỡng sự năng động, sáng tạo và tự lập, mang đến cho bạn một bước tiến xa, thuận lợi hơn khi trở về quê nhà.

Du học không chỉ là học tập. Những trải nghiệm của bản thân, những tình bạn tốt đẹp sẽ ở lại bên bạn suốt cả cuộc đời. Úc thu hút học viên đến từ hơn 200 quốc gia trên thế giới. Các bạn nói nhiều thứ tiếng khác nhau nhưng tất cả đều có cùng một tiếng nói: “Sống ở Úc là một trong những khoảnh khắc đẹp nhất của cuộc đời tôi.”

Những bài viết này lý giải vì sao học và sinh sống ở Úc lại đáng giá như vậy, đồng thời nó cũng là một nguồn tham khảo đáng tin cậy khi bạn đi xin visa, hiểu rõ được các quyền và nghĩa vụ của một sinh viên (SV) quốc tế.

I. TRƯỚC KHI LÊN ĐƯỜNG

Quyết định đi du học xa nhà đồng nghĩa với việc bạn phải lo chuẩn bị và sắp xếp nhiều việc khác nhau. Hãy sử dụng những bài viết này như một kim chỉ nam cho chuyến hành trình thú vị sắp đến.

1. Liên lạc với trường trước khi sang

Trước khi đi một vài tuần, nên đảm bảo là bạn sẽ nhớ liên lạc với văn phòng SV quốc tế (VPSVQT) tại trường mà bạn sẽ theo học. Họ sẽ giúp bạn trong việc đưa đón tại sân bay, chỗ ở tạm thời, những buổi hội nghị định hướng và các dịch vụ khác nếu cần.

2. Các loại giấy tờ

Có tất cả bản sao các loại giấy tờ mang theo bên mình như passport, visa, vé máy bay, hồ sơ bảo hiểm và thẻ tín dụng. Đặt các bản sao ở nơi cần thiết có thể lấy ra ngay trong trường hợp khẩn cấp còn bản chính thì đặt trong túi xách cẩn thận. Để lại một bộ bản sao ở nhà cho người thân.

Trước khi đi, bạn cũng nên làm theo các chỉ dẫn như sau:

– Bảo hiểm du lịch:
Nên chắc là bạn đã làm hồ sơ bảo hiểm cho bản thân và tài sản của mình khi đi, đặc biệt là bảo hiểm thân thể khi bạn có ý định đi làm ở nước ngoài.

– Bảo hiểm xe hơi: Liên hệ công ty bán bảo hiểm xe hơi trước khi đi nếu bạn có ý định mua một chiếc xe hơi ở Úc. Bảo hiểm xe hơi ở Úc khá mắc, nhất là đối với giới trẻ.

– Nhà ở: Liên hệ trước với chủ nhà sẽ giúp bạn ký được hợp đồng thuê nhà dễ hơn. Bạn cũng cần chứng minh tài chính để đảm bảo là tiền thuê nhà sẽ được trả đầy đủ.

– Tiền sử dùng thuốc: Mang theo những toa thuốc (dịch sang tiếng Anh) đã từng dùng với sự kê toa của bác sĩ khi bạn cần uống thuốc.

– Bản sao passport:
Nên mang theo một vài bản sao passport để làm thẻ thành viên tham gia các kỳ lễ hội ở nước ngoài.

– Tiền: Bạn nên mang đủ tiền mặt (đô Úc) để tiêu xài trong một vài ngày đầu và một tài khoản ngân hàng từ $1,500 đến $3,000.

– Phí sinh hoạt: Bạn hãy ghé trang www.studyinaustralia.gov.au để biết thêm chi tiết nhé.

Sử dụng bảng này để đảm bảo rằng bạn đã có đầy đủ hồ sơ cần thiết:

Vé máy bay, passport còn thời hạn, visa.

– Thư mời nhập học của trường.

– Biên nhận học phí, bảo hiểm…

– Thư thông báo giải thưởng học bổng (nếu có).

– Bản chính và bản sao học bạ.

– Toa thuốc (bằng tiếng Anh).

– Giấy tờ cá nhân như chứng minh nhân dân, bằng lái xe… (gồm bản dịch tiếng Anh)
Bảo hiểm y tế.

3. Hành lý

Khi thu xếp hành lý, nên để những vật dụng mà bạn sẽ khai báo ở hải quan ở nơi dễ lấy. Hãy nhớ rằng trọng lượng check-in cho hạng “economy” thường là 20kg. Tất cả hành lý đều phải được đề nhãn rõ ràng tên bạn, địa chỉ liên lạc và địa chỉ trường.

Nên khóa hành lý lại. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cần kiểm tra thì khóa của bạn có thể bị bẻ gãy.

Tuyệt đối không bao giờ nhận mang dùm túi xách hay bất cứ thứ gì cho ai khác đến Úc vì nó có thể là vật phạm pháp và bạn phải chịu trách nhiệm hình sự trước Pháp luật.

Nếu bạn không chắc bạn sẽ làm gì ở sân bay, hãy gọi điện thoại cho văn phòng SV quốc tế của trường, họ sẽ hướng dẫn bạn đầy đủ các thủ tục cần thiết.

Hiếu Thảo (lược dịch từ www.studyinaustralia.gov.au)

(Mời các bạn đón đọc phần 2: Khi mới đến Úc)

Cùng chuyên mục