(Hiếu học) Nhiều bạn trẻ chúng ta có chung một điểm yếu: “Không biết cách nhận lời khen ngợi”. Nếu ai đó khen bạn và bạn phản ứng lại vụng về thì vô tình bạn lại rơi vào vòng luẩn quẩn. Thích được khen nhưng lại bất công khi “phụ” thiện chí của người khen với những đáp trả đưa đẩy, khiêm tốn:“- Có gì đâu; – không phải như vậy; – chỉ là may mắn thôi mà; – đó là nhờ công sức mọi người!” v.v…
Biết cách tiếp nhận lời khen sẽ khẳng định giá trị thật của bạn lần nữa và cũng là cách đáp lại thiện ý của người khen. Sau đây là gợi ý để bạn trở nên lịch thiệp hơn trong cách tiếp nhận lời khen.
Bắt đầu bằng việc suy nghĩ xem cách bạn sẽ đáp lại như thế nào. Bạn sẽ chối đây đẩy những khen ngợi ấy? Hay bạn sẽ lúng túng như gà mắc tóc? Vậy bạn sẽ nói gì, đáp lại sao cho tự nhiên nhất và thành thật nhất?
– Thường thì một lời cám ơn chân thành cộng với nụ cười ấm áp, thân thiện là “tạm đủ” để bày tỏ sự cảm kích của bạn rồi. (Nhớ đừng lặp lại thói quen “khiêm tốn”, tỏ ra ngần ngừ hoặc bối rối từ chối).
– Hãy lưu ý đến cảm xúc của bạn khi cần giải thích vì sao mình đạt được thành công xứng đáng với những ngợi khen đó. (Bạn cũng cần có những lời khen đáp lại khi bạn và người khen bạn cùng chia sẻ niềm vui).
Thay đổi thái độ của mình đối với những lời khen ngợi, bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn rất nhiều. Mặc dù đôi khi vẫn cần suy xét ẩn ý thật sự của chúng là gì để bạn có thể nhận ra đâu là lời khen thật sự, đâu là lời nịnh nọt dối trá hoặc mang hàm ý mỉa mai.
Nhưng nếu biết được người khen mình chân thành, bạn hãy đối xử lại chân thành như thế, hãy để niềm vui đó quay trở lại với họ. Hãy để cho họ thấy được sự cảm kích của bạn, hãy tìm cách khen lại họ vì đã dành lời khen cho bạn và họ sẽ tiếp tục dành cho bạn tình cảm tốt đẹp. Ngược lại, nếu bạn đáp trả với ngụ ý “tôi không xứng đáng được khen” thì sau đó, có thể bạn sẽ được nhận sự “không xứng đáng” đúng như những gì bạn nói .
* Khi tiếp nhận lời khen, để tạo ấn tượng tốt đẹp bạn cũng nên tránh những điều thái quá dưới đây:
– Nghe với thái độ ngạo mạn, ra vẻ chỉ có bạn là người quan trọng.
– Ngắt lời người khác, khoa trương thêm.
– Chế nhạo, nói xấu, bình luận sự thiếu năng lực của người khác; đề cập sang những chủ đề mà mọi người không muốn nghe.
– Chất vấn mức độ trung thực ý kiến người khen.
– Nhân cơ hội, chỉ trích người bất đồng quan điểm với bạn.
– Lợi dụng tình bạn mong được giúp đỡ; có hành vi thân mật quá mức…
Văn Nghi tổng hợp (hieuhoc_hieuhoc.com)