Khả năng tập trung ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng học tập và nghiên cứu. May mắn là mỗi người đều có thể áp dụng rất nhiều cách đơn giản để cải thiện khả năng tập trung cho mình.
1. Tìm một nơi học tậplý tưởng
Một nơi lý tưởng tốt hơn hết phải đảm bảo điều kiện yên tĩnh như thư viện hay căn một căn phòng riêng. Ngoài ra, một chiếc ghế thoải mái và điều kiện ánh sáng đầy đủ cũng sẽ hỗ trợ cho việc tập trung suy nghĩ. Mọi cơn đau lưng, mắt hoặc cổ hay không thoải mái do ghế ngồi hoặc tư thế ngồi học sai cũng làm bạn mất tập trung.
Đặc biệt, một môi trường giúp bạn tập trung là nơi tránh xa những “cám dỗ” như ti vi, điện thoại di động, máy tính, giường ngủ và thú nuôi.
Trên thực tế, nhiều người có ý tưởng tích hợp giường ngủ làm nơi học và ngả lưng vì nằm học với họ là tư thế thoải mái nhất. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn nên tránh xa bởi nó sẽ dễ khiến người học luôn có cảm giác cần được đi ngủ. Hãy tạo thói quen ngồi học trên bàn và ghế.
2. Chuẩn bị đầy đủ mọi dụng cụ, tài liệu cần thiết
Một trong những lí do làm gián đoạn suy nghĩ của người học là việc liên tục đứng lên ngồi xuống để lấy các văn phòng phẩm hoặc tài liệu còn thiếu. Vì thế, bút mực, bút chì, bút dạ quang, gôm, thước kẻ, giấy nháp và các tài liệu có liên quan tốt nhất nên nằm sẵn trong tầm với của bạn trước khi bạn thực sự vào bàn ngồi học.
Máy tính xách tay chỉ nên có khi bạn thực sự cần để học tập. Các trường hợp còn lại, tốt nhất là bạn nên ngồi học xa các thiết bị điện tử, di động.
3. Có một chút đồ “nhấm nháp”
Một ít thức ăn nhẹ đơn giản, tốt cho não bộ như hạt đậu phộng, vài quả dâu, nho, ¼ quả táo, một thanh sô cô la đen, bí đỏ, rau cải xanh hoặc cá có thể được đặt trên bàn học. Ngoài ra, trong lúc học, bạn nên lưu ý uống thêm nước lọc để giúp thư giãn tinh thần và bổ sung nước.
Nhiều người vẫn chọn cách uống thật nhiều cà phê, các loại trà có caffein hoặc nước tăng lực để chống lại những cơn buồn ngủ, đặc biệt trong mùa thi. Tuy nhiên, đây là ý tưởng phản khoa học hết sức sai lầm bởi thói quen này làm hỏng giấc ngủ tự nhiên, đưa bạn vào cảm giác kiệt sức và làm suy giảm trí nhớ dần dần.
4. Viết ra mục tiêu học tập
Bạn nên tập thói quen viết ra những mục tiêu cần đạt được sau mỗi ngày học tập của mình. Lưu ý, nên liệt kê những mục tiêu đó theo từng ngày một cách cụ thể và đảm bảo mình có thể thực hiện được đầy đủ.
Ví dụ, trong tuần, bạn đặt ra mục tiêu phải đọc được 100 trang sách thì mỗi ngày hãy đặt mục tiêu đọc 20 trang. Con số 20 chắc chắn sẽ giúp bạn giảm bớt áp lực và dễ dàng hoàn thành được mục tiêu một cách có kế hoạch hơn.
Ngoài ra, thời gian mỗi ngày là có hạn nên người học phải có kỹ năng sắp xếp thời gian hợp lý. Việc nào quan trọng ưu tiên làm trước, xen kẽ những bài tập khó và dễ với nhau để không khiến bản thân bị quá tải; phân chia việc hợp lý giữa các ngày và giữ kỹ luật với bản thân – “việc hôm nay không để ngày mai”.
5. Tắt điện thoại và các thiết bị di động khác
Nếu thực sự cần được tập trung và ngày nào không có việc gì gấp, bạn nên tắt điện thoại để chắc chắn có một ngày học tập và nghiên cứu chú tâm nhất.
Đặc biệt, bạn nên tránh xa các trang mạng xã hội trong vài tiếng để đảm bảo bạn đang thực hiện tốt những mục tiêu học tập đề ra. Hãy yên tâm rằng, những thông tin trên đó sẽ không mất đi mà chỉ vì bạn ưu tiên việc học tập một cách hiệu quả nhất.
6. Một chút giai điệu du dương
Với một số người, âm nhạc khiến họ tập trung, một số người khác thì ngược lại. Bạn nên thử nghiệm với chính bản thân mình để xem tác dụng và quyết định xem có tiếp tục mở nhạc khi học không.
Nếu thích nghe nhạc, một chút giai điệu không lời, du dương và nhẹ nhàng khi học sẽ giúp bạn tập trung tốt hơn thay vì sa đà vào các thú vui khác trong khi học.
Một mẹo nhỏ để chọn nhạc là tránh chọn những bài hát có lời mà bạn thuộc. Có thể, vô hình chung bạn đang nhẩm theo lời bài hát mà không hay. Bạn có thể chọn những bản nhạc mới theo phong cách của mình hoặc sử dụng các ứng dụng tạo âm thanh tự nhiên như tiếng chim hót, tiếng sông, suối róc rách hoặc tiếng gió thì thầm.
7. Nên có thời gian thư giãn
Nếu bạn đã có ý định học thâu đêm, hãy lên một kế hoạch thật hợp lý. Tốt nhất, sau 30 đến 60 phút học tập thì nên có 5 đến 10 phút nghỉ giữa giờ để “nạp pin” cho não bộ.
Điều này không có nghĩa là bạn lười biếng. Khoảng thời gian ngắn nghỉ giữa giờ là lúc mà não bộ tổng hợp lại thông tin.
Lưu ý, bạn nên thay đổi chủ đề nghiên cứu để tránh sự nhàm chán hoặc bão hòa, những đề tài khác có thể giúp bạn cảm thấy thú vị, đánh thức tâm trí và mang đến cho bạn động lực học tập.
8. Khi học, đừng để tâm đến những mối lo âu khác
Rất khó để một người không phải nghĩ đến những mối lo cơm, áo, gạo, tiền, các mối quan hệ khác nhau trong cuộc sống. Tuy nhiên, bạn là người làm chủ tâm trí của mình, bạn bắt đầu trở nên lo âu, ôm đồm nhiều suy nghĩ thì chính bạn mới là người kết thúc được những suy nghĩ đó.
Trong quá trình đang tập trung suy nghĩ, bạn nên để bên cạnh một tờ giấy nháp. Nếu có bất kì ý nghĩ nào khác cản trở, bạn hãy viết tất cả ra giấy và để sang một bên và tiếp tục học tập.
9. Tự thưởng cho bản thân
Đôi khi, chúng ta cần một chút tự thưởng để giúp bản thân duy trì được động lực học tập. Những phần thưởng đơn giản có thể là một món ngọt yêu thích, một bộ phim hài, mua sắm, một ngày “nướng đến khét” trên chiếc giường thân yêu hoặc đi ăn uống cùng bạn bè.
Nếu có thể, phụ huynh cũng nên tham gia vào việc này để khuyến khích con em học tập. Đặc biệt là với những trẻ nhỏ, những trẻ chưa có khả năng ý thức và tự giác học tập. Món quà mà cha mẹ đưa ra có thể là một khoản phụ cấp nhỏ hay món ăn mà con yêu thích.
9. Lắng nghe nhịp điệu cơ thể
Trong một ngày, có những thời điểm, con người cảm thấy dồi dào năng lượng hoặc vô cùng kiệt quệ. Khi thời điểm vàng của mỗi người đến, bạn hãy tận dụng thời gian đó để học tập và nghiên cứu bởi đó là lúc bạn có thể nâng cao khả năng tập trung và ghi nhớ kiến thức nhanh hơn.
Với một số người, họ cảm thấy thật sự tỉnh táo và tràn đầy năng lượng vào lúc sáng sớm. Tuy nhiên, lại có những người chỉ thực sự tập trung học tập được vào ban đêm, sau một ngày bận rộn, ồn ào. Học vào thời điểm nào là do bạn lắng nghe và thấu hiểu nhịp điệu cơ thể của bản thân.
10. Ngủ đủ giấc
Không chỉ có tác động tích cực đến sự phát triển các loại hóc môn và khả năng tổng hợp thông tin của não bộ, ngủ đủ giấc còn giúp bạn tái tạo lại nguồn năng lượng cho ngày hôm sau, giúp bạn nâng cao khả năng tập trung và tránh khỏi những cơn buồn ngủ.
Người trưởng thành một ngày cần ngủ từ 7 đến 9 tiếng vào ban đêm. Hãy cố gắng hoàn thành mọi việc theo kế hoạch để có được giấc ngủ tự nhiên một cách đều đặn nhất.
11. Ăn uống lành mạnh:
Thói quen ăn uống sẽ ảnh hưởng đến não bộ. Bữa ăn của bạn nên được bổ sung các loại trái cây nhiều màu sắc, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, thịt nạc, sữa, trứng, sô cô la… Một chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp bạn tràn đầy năng lượng và khả năng tập trung sẽ được tang cường tốt hơn.
Chúc bạn thành công.
(Theo: WikiHow/TTO)