(hieuhoc_hieuhoc.com) Nhiều học sinh lớp 12 hiện đang lo lắng về cách ôn thi môn lịch sử, bởi thời gian chuẩn bị còn lại tương đối ngắn. Vậy làm thế nào để ôn bài hiệu quả nhất? Xin chia sẻ với các bạn những điểm cần chú ý sau đây:
* Hệ thống hóa kiến thức môn sử: viết ra giấy khi ôn bài.
– Để dễ nhớ, học sinh nên hệ thống hóa kiến thức môn sử theo vấn đề: chính trị – quân sự; kinh tế; ngoại giao… Học theo hệ thống như vậy không những giúp chúng ta liên kết được các vấn đề, nắm bắt được mối quan hệ giữa các sự kiện lịch sử mà còn tạo điều kiện cho quá trình học dễ nhớ, dễ thuộc hơn.
– Ghi nhớ theo cách hệ thống hóa các chương, mục, rồi mới phân tích các nội dung chi tiết, các đặc điểm… Trong hệ thống dàn ý đó, phải chia các ý chính và ý phụ đồng thời đi liền với nó là các đề mục tương ứng như: I, II, III (đối với các ý chính); 1, 2, 3…(đối với các ý phụ)
– Sau khi học thuộc các ý chính để nắm nội dung toàn bài, kế tiếp, học các ý nhỏ trong ý chính đó. Cuối cùng, phải hệ thống lại toàn bộ kiến thức bài học bằng cách ghi ra giấy như một dàn bài hoàn chỉnh rồi nhẩm lại một lần nữa đến khi cảm thấy đã hoàn toàn thuộc hẳn thì mới chuyển sang ôn phần khác hoặc môn khác. (Khi viết ra giấy xong, cần so sánh với các tài liệu để bổ sung những chỗ sai sót. Nếu sai sót nhiều thì cần học lại và viết lại).
Để đạt điểm cao đối với môn lịch sử, ngoài việc ôn tập thật chắc, nắm được các ý cơ bản, điều quan trọng nữa là còn phải biết cách vận dụng kiến thức đã ôn vào bài thi sao cho linh hoạt, nhuần nhuyễn. Các bạn phải hiểu để phân tích sự kiện ấy có ý nghĩa như thế nào chứ không phải trình bày các con số khô khan, vô nghĩa. Vì thế, viết ra giấy khi ôn bài sẽ giúp các bạn lập dàn bài dễ dàng khi làm bài thi và đạt kết quả tốt.
Khi cầm đề thi nên đọc kỹ để xác định yêu cầu của đề là phân tích, so sánh hay nhận định các sự kiện lịch sử, tránh làm lạc đề. Đặc biệt, nên khoanh vùng thời gian và sự kiện lịch sử diễn ra ở giai đoạn/thời kỳ nào. Khi đọc đề, nên viết nhanh vào giấy nháp để không quên. Sau đó, lập đề cương trong giấy nháp khoảng 10-15 phút, vạch ra những sự kiện chính và đánh dấu những cột mốc quan trọng để viết kỹ hơn.
Chỉ nên chọn những câu nào làm được thì làm trước, tạo tâm lý thoải mái, không nên chọn câu nhiều điểm và sa lầy vào mất nhiều thời gian. Không nên viết quá dài, chỉ chuyển ý ngắn gọn theo hình thức lập luận, không cần có 3 phần mở bài, thân bài, kết bài dài dòng như một bài thi môn Văn.
Về cách trình bày, sau khi hết một ý chính, một sự kiện nên xuống hàng và thụt đầu dòng, trình bày văn phong trong sáng, chữ viết sạch đẹp.
Một điều cần lưu ý là nên phân chia thời gian cho các câu hỏi, cố gắng làm hết, không bỏ sót. Và cuối giờ thi nên dành 10-15 phút đọc lại bài. Đây là một bước không kém phần quan trọng để nhận ra những thiếu sót của mình trong quá trình làm bài.
Chúc các bạn đạt kết quả tốt nhất…
Bích Trâm tổng hợp (hieuhoc_hieuhoc.com)