Trong thời đại chúng ta đang sống, không biết thêm một thứ tiếng nào khác ngoài tiếng mẹ đẻ được coi là một sự thiếu hụt lớn, một cái gì đó chưa hoàn hảo trong đời. Muốn xem các chương trình truyền hình vệ tinh, muốn lang thang trên mạng Internet, làm gì cũng cần đến ngoại ngữ, ít nhất là tiếng Anh. Thế là nhiều người lao vào học ngoại ngữ. Có người sốt ruột muốn học kiểu “ngấu nghiến”, muốn đọc sách bằng ngoại ngữ không cần đến từ điển, muốn xem phim không cần thuyết minh hay phụ đề. Tham vọng như vậy không có gì xấu, song có một nguyên tắc rất cơ bản là làm gì cũng không nên nóng vội, nhất là học ngoại ngữ.
Nắm được vốn từ cần thiết
Để có được hiệu quả mong muốn trong học ngoại ngữ, điều quan trọng đầu tiên là bạn phải thật sự muốn học và đừng hy vọng vào chuyện tất cả các mục tiêu sẽ đạt được trong vòng một hai tháng. Bởi lẽ đơn giản: học ngoại ngữ là một quá trình. Mà quá trình này người học phải làm cho nó trở nên hiệu quả nhất và điều chỉnh cho nó phù hợp nhất với phong cách sống của mình. Các chuyên gia về khoa học ngoại ngữ thống nhất nhận định rằng điều quan trọng trong học ngoại ngữ là nắm được một vốn từ cần thiết, mà vốn từ được gọi là phù hợp tức là một số lượng từ mà nhờ đó người học có đủ khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ một cách tương đối thoải mái. Nhưng trong việc học ngoại ngữ, chúng ta phải phân biệt hai loại trình độ: trình độ giao tiếp thông thường và trình độ nói năng trôi chảy. Trình độ thứ nhất có thể đạt được thậm chí sau nửa năm, nhưng để có được trình độ thứ hai, đôi khi người học cần phải bỏ ra từ 10 đến 15 năm.
Tại sao lại có sự chênh lệch lớn đến như vậy? Chúng ta đã thống nhất với nhau rằng học ngôn ngữ là một quá trình, thậm chí để giỏi tiếng mẹ đẻ, chúng ta phải học suốt cả cuộc đời. Vì vậy khi quyết định về việc học một ngoại ngữ, trước tiên chúng ta phải biết mình định đạt tới mục tiêu nào. Có phải ta muốn thực sự nắm sâu ngoại ngữ đó và muốn dành cho việc này 15 năm của cuộc đời mình hay ta chấp nhận những cái không hoàn hảo nhất định để bằng cách đó ta tiết kiệm được 15 năm của cuộc đời?
Sẽ có người đặt ra câu hỏi: làm thế nào để đạt được trình độ giao tiếp ngoại ngữ thông thường trong khoảng thời gian ngắn nhất và không cần đến một sự cố gắng quá lớn lao? Trong thực tế học ngoại ngữ, không có một phương pháp mang tính vạn năng, cũng không có những phương pháp kỳ diệu. Học từ, đó là lao động nghiêm túc và nó hoàn toàn phụ thuộc vào người học, nếu người học cảm thấy công việc này đem lại sự thoải mái, dễ chịu, nếu người học tận dụng được các phương pháp mà mình coi là hấp dẫn, là không quá mất thời gian và gây bực mình để mở rộng vốn từ.
Các công trình khoa học đã chứng minh được rằng những gì thoải mái, những gì gắn với xúc cảm tích cực, chúng ta sẽ nhớ kỹ hơn. Vì vậy cần học ngoại ngữ từ những tài liệu chứa đựng các bài tập hay và được đặt trong những tình huống gần với cuộc sống con người. Cuối cùng mục tiêu của mỗi người học ngoại ngữ là thu được những kiến thức phục vụ việc giao tiếp. Những gì quá bay bướm, văn vẻ, xa vời thực tế, đều không phục vụ cho mục tiêu này.
Ý thức được khả năng, thế mạnh của mình
Trước khi bắt đầu học một ngoại ngữ nào đó, người học phải ý thức được đầy đủ thế mạnh, khả năng và… tính khí của mình. Bởi vì sẽ rất khó hy vọng vào sự đầu tư thời gian sử dụng sách giáo khoa ở một người suốt ngày thích rong chơi, đàn đúm bạn bè. Những người yêu thích máy vi tính muốn ứng dụng các phương pháp khoa học vào mối quan tâm của mình, nhưng cũng có những người không thích máy tính vì chúng hạn chế quỹ thời gian của họ. Những người làm việc vất vả suốt ngày bận bịu sẽ tìm đến với những khóa học chủ yếu dựa trên việc học nghe, vậy là họ chọn những bài học theo băng đĩa.
Vẫn tồn tại quan niệm cho rằng trong các kỹ năng ngoại ngữ, không có kỹ năng nào có thể đạt được mà không cần cố gắng. Tất cả mọi cái đều là kết quả của sự “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”. Nhưng hiện nay đã có những thay đổi cơ bản trong học ngoại ngữ. Thật sự có thể học được ngoại ngữ một cách nhẹ nhàng, nhưng với điều kiện là phải học kiên trì, học liên tục và học có phương pháp, mà quan trọng là tìm cho mình phương pháp phù hợp nhất. Trong thực tế có những người làm chủ được mấy ngoại ngữ một lúc và nhìn chung số người có khả năng học ngoại ngữ chiếm tuyệt đại đa số, chỉ có một tỷ lệ nhỏ (người ta đã tính được là có 5 phần trăm nhân loại) hoàn toàn không có năng khiếu ngoại ngữ. Nghĩa là để học ngoại ngữ, chỉ cần một động cơ đúng và bảo đảm tính thường xuyên, liên tục.
Đảm bảo tính thường xuyên, liên tục
Tính thường xuyên, liên tục cũng là khái niệm cần làm rõ. Nếu mục tiêu đặt ra là nhanh chóng đạt tới trình độ giao tiếp thì tính thường xuyên, tính hệ thống phải được hiểu là sự tiếp xúc hàng ngày với ngoại ngữ đang học. Không phải là chuyện mỗi ngày nhồi vào đầu một lượng từ lớn, mà là mỗi ngày bỏ ra nửa giờ, một giờ tiếp xúc với ngoại ngữ để hiệu quả đạt được là rõ ràng trong một thời gian ngắn. Tất nhiên phải với điều kiện là sự tiếp xúc với ngoại ngữ đang học đem lại cho người học cảm giác thoải mái, mang đến niềm vui.
Có người sẽ bày tỏ sự nghi ngờ rằng việc học hành là thứ khó có thể mang đến niềm vui, song điều này lại là một thực tế, nhất là trong trường hợp việc học ở đây là học ngoại ngữ. Chúng ta không cần phải quỳ gối hay bò ra bàn, dí mắt vào sách vở mới gọi là tiếp xúc với ngoại ngữ. Kết quả tốt thật sự có thể đạt được thông qua xem tivi, xem phim với lời thoại nguyên bản, đọc sách báo – tất cả những cái đó đều cho phép người học làm quen với từ ngữ sử dụng. Và cách thức đó không thể gây chán nản. Tất nhiên có những người học tốt hơn bằng cách thuộc bảng từ mới, song phải thừa nhận rằng những người không thấy chán khi sử dụng phương pháp học này thật sự là những ngoại lệ. Mà sự chán nản là thứ giết chết động cơ học hành.
Cho nên điều quan trọng là phải duy trì động cơ học tập. Đây là việc làm không hề đơn giản, song không có nghĩa đó là việc không thể làm được. Trước hết cần chọn phương pháp học phù hợp với mình nhất. Nếu chúng ta nói với người thích học theo phương pháp truyền thống là cần phải sử dụng máy vi tính thì anh ta chỉ kiểm nghiệm phương pháp này đến lần thứ hai là vứt bỏ ý nghĩ về chuyện học hành nói chung. Vì vậy, trách nhiệm của cơ sở đào tạo là đưa ra những phương pháp học phổ biến nhất để người học lựa chọn. Một cơ sở đào tạo ngoại ngữ hiện đại ngày nay có thể sử dụng hình thức đào tạo từ xa. Học viên nhận được sách giáo khoa và các loại băng đĩa phụ trợ do người bản ngữ đọc. Những người coi trọng việc học trên máy vi tính có thể chọn phương pháp học gắn liền với các chương trình phụ thuộc vào máy tính. Ngoài ra còn có phương pháp Audio đề xuất cho những người chỉ thích nghe và những người làm việc vất vả không có thời gian sử dụng sách giáo khoa.
Để Ngữ pháp không còn là cơn ác mộng
Trong học ngoại ngữ, học từ dù sao cũng còn là việc làm ít nhiều hấp dẫn, dễ đem lại niềm vui. “Cơn ác mộng” thật sự đối với nhiều học viên là ngữ pháp của thứ tiếng mình học. Gây nên tình trạng này đôi khi có một phần lỗi của các tác giả sách giáo khoa khi họ giải thích các nguyên tắc, mẫu câu, công thức bằng thứ ngôn ngữ rắc rối, khó hiểu. Cho nên bên cạnh những người kiên trì bỏ công sức đào sâu nguy nghĩ, nắm bắt, làm chủ những ngoại lệ, phần lớn người học không thích ngữ pháp. Muốn khắc phục tình trạng này, ngữ pháp phải được học trong những tài liệu mà phần lý thuyết được hạn chế tối đa, còn các nguyên tắc thì được giải thích trên cơ sở những ví dụ cụ thể. Bởi vì suy cho cùng thì học định nghĩa là sự lãng phí thời gian, một khi điều cơ bản của việc học là đạt tới trình độ giao tiếp ngoại ngữ chứ không phải sử dụng những tên gọi phức tạp liên quan đến ngôn ngữ học.
Tất nhiên có những ngoại lệ – những người khi học ngoại ngữ không đi sâu tìm hiểu các cấu trúc ngữ pháp, nhưng có thính giác ngôn ngữ tốt nên nhớ ngay những cấu trúc có sẵn – đơn giản là họ biết rằng một câu như thế này thì cần nói bằng cách này chứ không phải bằng cách khác. Nhưng thậm chí những người thuộc nhóm ngoại lệ này thông thường cũng vẫn bắt đầu bằng việc nhận biết một cách có ý thức những kiến thức cơ bản về ngữ pháp. Không có cách nào khác ngoài việc bắt buộc phải học nguyên tắc, cố gắng hiểu và làm các bài tập.
ThS. Nguyễn Thị Hương (khoa Việt Nam học, Đại học Hà Nội)
(Nguồn GD&ĐT)