(hieuhoc_hieuhoc.com) Đọc sách là một phương tiện bồi dưỡng trí nhớ và tư duy để làm giàu sự hiểu biết của mình. Và mặc dù đọc sách là một nghệ thuật, không có một quy chuẩn nào về việc đọc sách – có lúc cần đọc kỹ, nhiều khi chỉ cần đọc qua lấy ý chính. Nhưng áp dụng một số gợi ý hữu ích sau đây có thể giúp bạn nâng cao kỹ năng đọc sách của mình hiệu quả hơn.
Sau đây là một số gợi ý hữu ích giúp bạn nâng cao kỹ năng đọc của mình hiệu quả hơn:
1. Tạo sự tập trung cho chính mình bằng cách xem lướt qua bài đọc trước khi bạn thật sự đọc kỹ:
– Xem tựa đề bài đọc, các tiêu đề lớn nhỏ, những chỗ đánh dấu, in nghiêng hoặc in đậm.
– Xem qua những hình vẽ hay minh họa, đồ thị hay biểu đồ.
– Xem qua toàn bộ bài đọc bằng cách đọc đoạn đầu và đoạn cuối, lướt nhanh qua những câu đầu của từng đoạn trong bài (trường hợp sách giáo khoa về kinh tế thường có phần tóm tắt ở cuối mỗi chương cùng những thuật ngữ quan trọng).
Gấp sách lại và tự hỏi: ý chính của bài là gì, văn phong ra sao và mục đích của tác giả là gì?
Trả lời được những câu hỏi này sẽ phần nào giúp các bạn có được một ý tưởng khái quát về nội dung bài đọc, từ đó dễ tập trung hơn và bài đọc sẽ trở nên dễ nhớ hơn.
Cụ thể:
– Đọc báo chí, thì học cách chú ý đến những tít lớn, sau đó đến những phần in đậm, sau đó mới lướt vào nội dung bên trong mỗi bài nếu ta quyết định đọc nốt.
– Sách học, sách nghiên cứu, nên đọc theo 4 bước như sau:
Bước 1 : Đọc nhanh mục lục, đọc lướt tên các chương để biết cấu tạo cuốn sách. Người ta khuyên nên giới hạn công việc này trong vòng 5 phút. Nếu quyết định đọc tiếp, thì sang bước 2.
Bước 2: Đọc các câu mở đầu và những câu kết luận mỗi chương. Bên trong mỗi chương thì đọc nhanh những câu đầu và câu kết của các đoạn. Thời gian cho mỗi chương là 3 – 4 phút. Đánh dấu bằng bút màu những chỗ cần chú ý. Nếu thấy cần tiếp tục thì sang bước 3. (Điều quan trọng là luôn ghi dấu các điểm quan trọng khi đọc)
Bước 3: Tiếp tục đọc cả cuốn sách hoặc chọn những chương có giá trị cho công việc tìm kiếm thông tin của mình để đọc kỹ hơn.
Bước 4: Suy ngẫm về nội dung của những điều đã đánh dấu và tìm tài liệu liên quan. Tập trung đọc hiệu quả có nghĩa là đối với các vấn đề khó hiểu, phải đọc đi đọc lại nhiều lần. Chỗ nào chưa hiểu, chưa rõ, phải đánh dấu để tiếp tục tìm hiểu thêm bằng đọc thêm sách, nghe giảng thêm, trao đổi, mạn đàm với người khác…
2. Không đọc thành tiếng vì kiểu đọc này sẽ khiến bạn đọc chậm. Cố gắng xem việc đọc sách như thể đang ngắm một cảnh đẹp, hình dung một ý tưởng bao quát trong tâm trí. Nếu lần đầu gặp một khái niệm mới, bạn đừng vội bỏ qua mà nên tìm hiểu kỹ thêm về khái niệm đó.
3. Đọc theo ý. Các nghiên cứu cho thấy khi đọc, mắt chúng ta luôn dừng sau những câu chữ trong một dòng. Số lần dừng của người đọc chậm nhiều hơn so với người đọc nhanh. Dừng nhiều lần không chỉ làm cho ta đọc chậm mà còn cản trở khả năng nắm bắt vấn đề (Bởi vì ý nghĩa thường đi theo cả câu hay cụm từ chứ không phải từng chữ một).
4. Thay đổi tốc độ đọc: Thích ứng với độ khó và cách viết trong bài đọc. Người đọc kém luôn có tốc độ đọc chậm, thường đọc lại câu đã đọc. Người đọc hiệu quả thường đọc nhanh phần dễ và chậm lại ở phần khó. Trong một bài đọc có đôi chỗ chúng ta phải đọc cẩn thận hơn những chỗ khác. Với những tài liệu pháp lý hay các bài viết khó thì cần phải đọc chậm. Những tài liệu dễ hơn như kinh tế hay báo chí thì ta có thể đọc nhanh, tránh đọc nhảy trở lại quá nhiều.
Tóm lại, cách đọc sách hiệu quả là phải gắn liền với việc ghi chép. Việc ghi chép sẽ làm cho quá trình mã hóa tri thức để chuyển vào bộ nhớ trở nên dễ dàng hơn, hiệu quả hơn. Khi đọc, nên đọc với tốc độ biến đổi: Đoạn nào quan trọng thì đọc chậm, đọc kĩ; đoạn nào không quan trọng thì đọc nhanh, đọc lướt. Nắm và thâu tóm nhanh cái chủ yếu, cái cơ bản của vấn đề trình bày trong sách, hiểu ý nghĩa của cả đoạn văn, đừng để ý đến từ, đến câu. Tuy nhiên, đọc nhanh không phải là đọc vội, đọc vàng, mà đọc nhanh là chọn cách đọc cần thiết, đúng lúc và đúng chỗ; nắm nhanh và đủ nội dung chứ không phải đưa mắt nhanh trên những câu chữ. Ngoài ra, bạn cũng nên trau dồi cho được thói quen đọc mỗi ngày và không chỉ đọc duy nhất một loại sách mình ưa thích.
Nghi Quân (hieuhoc_hieuhoc.com)
(*) Tài liệu tham khảo: “Tạp chí Người đọc sách”, “Tủ sách Khoa học VLOS”.