Các nữ chính khách đang chứng tỏ họ thành công nhờ bản lĩnh, nhờ tính cách mạnh mẽ, nhưng vẫn rất nữ tính và xem trọng các giá trị gia đình. Năm qua, từ Đông sang Tây, một loạt các nữ chính khách giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử để trở thành nguyên thủ quốc gia.
Chỉ mới cách đây một vài thập niên, chính trường vẫn là lĩnh vực gần như dành riêng cho nam giới, hiếm hoi mới thấy một bóng hồng. Thế nhưng, thành trì chính trị – nơi quyền lực vốn thuộc về nam giới – đã và đang bị phá vỡ ở nhiều nước.
Tuy nữ giới hiện chỉ chiếm 8% tổng số các nguyên thủ quốc gia, nhưng tỉ lệ này luôn theo chiều hướng gia tăng. Điều đặc biệt là hành trình vươn tới đỉnh cao quyền lực của họ chỉ do tự thân vận động, chứ không phải được thừa kế, sắp đặt.
Tổng thống thứ 40 của Brazil là một phụ nữ có gương mặt xinh xắn, phong cách lịch duyệt: Dilma Rousseff, 62 tuổi. Bà là ứng cử viên Đảng Lao động cầm quyền, được bầu với số phiếu áp đảo, trở thành nữ tổng thống đầu tiên của quốc gia này.
Chính thức nhậm chức vào ngày 1-1-2011, bà Rousself cho biết mục tiêu ưu tiên của bà là xóa bỏ tình trạng nghèo đói, thúc đẩy bình đẳng giới tại quốc gia xếp thứ 5 trên thế giới về dân số và diện tích lãnh thổ.
Trước khi ra tranh cử tổng thống, bà Rousseff là chánh văn phòng cho Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva và từng đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Năng lượng. Bà Rousseff thường được mô tả là một phụ nữ thực tế và rất cương quyết trong công việc.
Có cha là người nhập cư từ Bulgaria, mẹ là giáo viên phổ thông, từ khi còn là sinh viên, bà đã tích cực tham gia phong trào kháng chiến vũ trang cánh tả chống lại chế độ độc tài quân sự vào thập niên 1960, từng bị bắt, bị lãnh ba năm tù giam nhưng bà không hề suy sụp tinh thần và vẫn kiên định với lý tưởng phụng sự tổ quốc.
Bà Laura Chinchilla, 51 tuổi, Tổng thống Costa Rica, vừa tuyên thệ nhậm chức vào giữa năm 2010. Bà là người theo đường lối bảo thủ về xã hội, phản đối hôn nhân đồng tính và tình trạng phá thai.
Bà Chinchilla cam kết thúc đẩy kinh tế, cải cách giáo dục và tăng cường dịch vụ y tế cho trẻ em và người già. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hoạt động chính trị, Chinchilla đã có bằng thạc sĩ chính sách công tại Đại học Georgetown (Mỹ) trước khi quyết tâm trở thành chính khách.
Bà hiện đang sống hạnh phúc cùng con trai và người chồng thứ hai – một luật sư người Tây Ban Nha, quốc tịch Canada. Hai người mới cưới nhau chưa đầy một năm.
Một trường hợp khá đặc biệt, bà Cristina Fernandez de Kirchner, 57 tuổi, là Tổng thống Argentina từ năm 2007. Vì chồng bà – Nestor Kirchner cũng chính là tổng thống tiền nhiệm, nên vợ chồng bà thường được ví von là “gia đình Clinton của Nam Mỹ”.
Bà Fernandez tốt nghiệp cử nhân luật, tạo được dấu ấn cá nhân trong những chiến dịch vận động về nữ quyền. Bà đã từng là một thượng nghị sĩ nổi bật trước khi vươn lên vị trí tổng thống.
Trong vụ WikiLeaks tiết lộ thông tin tối mật giữa các đại sứ quán Mỹ ở các nước, có một chi tiết khá thú vị: Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton từng gửi một bức điện mật đến Đại sứ quán Mỹ ở Buenos Aires, Argentina, yêu cầu tìm hiểu cách bà Fernandez đối mặt với áp lực trong công việc.
Cụ thể, ngoại trưởng Mỹ đã đặt các câu hỏi: “Một đệ nhất phu nhân trở thành tổng thống chế ngự trạng thái dễ bị kích động và hay lo lắng như thế nào? Khi bị căng thẳng, bà ấy hành xử ra sao với cố vấn? Bà ấy có dùng thuốc an thần để giải tỏa căng thẳng hay không?”.
Bản thân bà Fernandez từng thừa nhận mình ngưỡng mộ và xem bà Clinton là hình mẫu đáng nể cho các nữ chính khách.
Bà Julia Gillard, 49 tuổi, đã trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Úc sau khi ông Kevin Rudd rút lui khỏi vị trí lãnh đạo Công đảng. Bà Gillard sinh ra ở Xứ Wales, là con gái thứ hai trong một gia đình di cư tới Adelaide, Úc; từng là một luật sư nổi tiếng trong công cuộc bảo vệ nữ quyền.
Bà nhận được sự ủng hộ nhiều hơn người tiền nhiệm nhờ những chiến dịch cải cách giáo dục và chính sách trả lương công bằng cho người lao động. Trong cuộc bình chọn Người phụ nữ Úc hấp dẫn nhất của tạp chí Ralph, bà Gillard xếp hạng nhì, sau… cựu Hoa hậu Hoàn vũ Jennifer Hawkins.
Ngoài ra, ở châu Âu còn hai gương mặt đã làm thay đổi cách nhìn về người phụ nữ, đó là trường hợp bà Anglela Merkel, một công dân Đông Đức trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của nước Đức thống nhất, được đánh giá là nữ chính khách có ảnh hưởng lớn nhất trong nền chính trị châu Âu.
Được chọn làm lãnh đạo liên minh cầm quyền năm 2005, bà đã nắm giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng châu Âu và Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh G8. Bà Merkel thường được so sánh với “bà đầm thép” – cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher ngày trước.
Một trường hợp khác là bà Johanna Sigurdardottir, 66 tuổi. Bà thu hút sự chú ý của công luận thế giới vì không chỉ là nữ thủ tướng đầu tiên của Iceland, mà còn là vị nguyên thủ đầu tiên trên thế giới công khai mối quen hệ đồng tính.
Tại châu Á cũng có một số nữ nguyên thủ khiến cả thế giới phải nghiêng mình kính nể:
Bà Pratibha Patil, Tổng thống Ấn Độ, là người đã có ba bằng thạc sĩ (khoa học chính trị, kinh tế học và luật học) trước khi bắt đầu sự nghiệp chính trị tại đất nước có tình trạng bất bình đẳng giới nặng nề nhất nhì thế giới này.
Trong sự nghiệp chính trị, bà theo đuổi mục tiêu giải quyết các vấn đề phúc lợi xã hội như sức khỏe – y tế cộng đồng, phát triển nhà ở – đô thị và giáo dục. Bà đem lại niềm tin vào một tương lai bình đẳng và tươi sáng hơn cho hàng trăm triệu phụ nữ nghèo ở Ấn Độ.
Cuối năm 2009, ở độ tuổi 74, bà Patil gây kinh ngạc cho toàn thế giới khi là nữ nguyên thủ quốc gia đầu tiên lái máy bay chiến đấu Sukhoi-30MKI bay trong 30 phút. Đây có thể coi là một ví dụ tiêu biểu cho cá tính mạnh mẽ của người đàn bà này.
Bà Sheikh Hasina Wazed đã hai lần được bầu làm Thủ tướng Bangladesh. Lần đầu là từ 1996-2001. Bà và Liên đoàn Bangladesh tiếp tục giành lại quyền lực trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2008.
Hiếm có ai trải qua nhiều sóng gió như bà: chứng kiến mẹ, anh em và các thành viên trong gia đình lần lượt bị thảm sát trong cuộc đảo chính quân sự năm 1975.
Bà đã đi tị nạn tại Anh và New Delhi trước khi trở lại Bangladesh vốn đã phải gánh chịu nhiều khổ đau. Tôi muốn sự nghiệp chính trị của mình đạt được nhiều thành tựu về nữ quyền, để phụ nữ Bangladesh có một tương lai tươi sáng hơn” – bà Shekh Hasina nói.
Tạp chí Phụ nữ tự thân của Nhật mới đây đã dự báo bà Renho Murata, 43 tuổi, hạ nghị sĩ, có nhiều khả năng trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của xứ sở hoa anh đào.
Trong nội bộ Đảng Dân chủ Nhật, ảnh hưởng của bà Renho Murata hiện hơn hẳn đương kim Thủ tướng Naoto Kan. Bà Murata cũng không che đậy tham vọng trở thành nữ thủ tướng.
Nhiều phụ nữ trẻ ở Nhật đã bày tỏ mong muốn nữ chính khách này có thể làm thay đổi xã hội Nhật. Bà Murata từng là phát thanh viên mục tin tức của các đài TBS và TV Asahi.
Hiện bà đảm nhiệm vai trò bộ trưởng đặc biệt của văn phòng nội các, phụ trách đổi mới hành chính. Bà sống tại Tokyo cùng mẹ, chồng và hai con sinh đôi 13 tuổi.
“Gia đình hạnh phúc giúp tôi có thêm nghị lực trên chính trường vì tôi khôngbao giờ muốn trở thành một nữ chính khách uy quyền nhưng bất hạnh” – bà Murata chia sẻ.
Theo Ngô Bá Nha (Phụ Nữ TPHCM)