(hieuhoc_hieuhoc): Tiếp theo phần 1 của bài viết “Các nghề trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin” Hiếu Học sẽ tiếp tục giới thiệu các nghề khác của ngành này. Hy vọng những thông tin Hiếu Học cung cấp sẽ giúp các bạn hiểu rõ thêm về ngành đang “hot” này.
Công việc của các chuyên viên quản trị và an ninh mạng là thiết kế, vận hành và theo dõi sát xao các hệ thống mạng an toàn và bảo mật, nắm được các kỹ thuật xâm nhập và các biện pháp phòng, chống tấn công của các hacker (tin tặc) hiệu quả. Họ thiết kế và duy trì hệ thống tường lửa hay nhận dạng và sửa chữa các lỗ hổng trên hệ thống mạng của đơn vị, triển khai và giám sát hệ thống phát hiện tấn công…
Nói thì ngắn ngắn gọn là vậy nhưng để có thể là được những công việc đó không phải là ai cũng có thể là được. Một chuyên viên an ninh giỏi nghề thường lên kế hoạch bất ngờ tạo độ an toàn vững chắc nhằm ngăn chặn, phát hiện sự xâm nhập trái phép. Điều này đòi hỏi tư duy nhanh nhạy và sáng tạo rất cao.
8. Game Developer (GD) - Phát triển game
GD không chỉ là vẽ đồ họa 2D, 3D mà còn làm quản lý dự án, phát triển ý tưởng, thiết kế kịch bản trò chơi, màn chơi, lập trình và người chuyên chơi để tìm lỗi của game. Theo trình tự của công việc để lập trình nên một game, trước tiên cần có những ý tưởng về những game mới. Bởi vậy, đây là một công việc rất giàu tính sáng tạo chứ không hề khô cứng như nhiều người lầm tưởng về những nghề liên quan đến máy móc. Sau khi có ý tưởng mới, các GD chuyển qua viết kịch bản cho trò chơi.
Đối với những GD chuyên thiết kế hình ảnh thì tư duy mỹ thuật là một điều rất quan trọng bởi lẽ hình ảnh của game đẹp hay xấu là phụ thuộc vào những chuyên viên thiết kế này. Ngoài ra, tư duy logic rất cần thiết cho những GD chuyên lập trình.
9. Khoa học máy tính
Ngành khoa học máy tính đào tạo kỹ sư ngành khoa học máy tính nắm vững kiến thức cơ bản và chuyên môn sâu về khoa học máy tính, trong đó chú ý đến các lĩnh vực tiên tiến về CNTT như: các hệ thống điều khiển thông minh, các hệ thống đa truyền thông, các hệ thống khai thác xử lý tri thức, xử lý ngôn ngữ tự nhiên…Sinh viên tốt nghiệp có thể tham gia giảng dạy CNTT trong các trường ĐH, tham gia nghiên cứu trong các phòng lab R&D, tư vấn về CNTT cho các đơn vị, doanh nghiệp cũng như tham gia viết các sản phẩm phần mềm.
Cử nhân khoa học máy tính làm việc ở các chức danh: cán bộ nghiên cứu và ứng dụng CNTT ở các viện, trung tâm nghiên cứu và các trường ĐH, CĐ; giảng viên CNTT ở các trường ĐH, CĐ, TCCN và dạy nghề; cán bộ quản lý dự án CNTT ở các cơ quan, ngành, tổng cục, công ty; tiếp tục được đào tạo sau ĐH để nhận các trình độ thạc sĩ và tiến sĩ, trở thành các chuyên gia trong lĩnh vực CNTT.
10. Kỹ thuật máy tính
Ngành này đào tạo ra kỹ sư ngành kỹ thuật máy tính nắm vững các nguyên lý cơ bản và thực tiễn trong lĩnh vực kỹ thuật máy tính, đặc biệt là lĩnh vực thiết kế vi mạch. Sau khi hoàn thành chương trình, kỹ sư ngành này có khả năng nghiên cứu và thiết kế các bộ phận chức năng của máy tính, tham gia làm việc trong các dự án sản xuất các thiết bị máy tính cho các tập đoàn lớn trên thế giới đã đầu tư vào Việt Nam như: Intel, IBM, Samsung, Nidec…
11. SEO
SEO là viết tắt tiếng Anh của thuật ngữ Search Engine Optimization (Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm), là một quá trình làm nội dung trang web dễ dàng được các công cụ tìm kiếm tìm thấy, và hiển thị. Công việc tối ưu hoá website có thể hiểu cách khác là một tập hợp các phương pháp nhằm nâng cao thứ hạng của một website trong các trang kết quả của các công cụ tìm kiếm và có thể được coi là một tiểu lĩnh vực của tiếp thị qua công cụ tìm kiếm.
Mỗi người lập trình nên trang bị cho mình những kiến thức về SEO và ngược lại những người làm SEO chắc chắn sẽ phải có những kiến thức về lập trình, thiết kế, quản trị.
Như Tâm (tổng hợp)