Các chuyên ngành Kinh tế

(hieuhoc_hieuhoc.com) Như ngành Quản trị kinh doanh có các chuyên ngành: Quản trị kinh doanh tổng hợp, Ngoại thương, Kinh doanh quốc tế, Marketing, Du lịch…. Ngành Kinh tế có các chuyên ngành: Kinh tế học, Kinh tế kế hoạch và đầu tư, Kinh tế lao động và quản lý nguồn nhân lực, Kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn, Kinh tế thẩm định giá, Kinh tế bất động sản…

Trường ĐH kinh tế lấy điểm chuẩn chung đều hết cho tất cả các ngành và chuyên ngành (hàng năm dao động từ 19 đến 20 điểm). Sau khi học 1,5 năm cơ bản các bạn sẽ được xếp ngành. Điều quan trọng nhất là năng lực, kết quả học tập của các bạn để chọn chuyên ngành. Ban đầu có thể các bạn đăng ký vào một ngành khác nhưng sau 1,5 năm học tập, thấy mình hợp với chuyên ngành nào có thể chọn học chuyên ngành đó. Các bạn hoàn toàn có thể thay đổi chuyên ngành đăng ký ban đầu.

– Nhóm ngành tài chính ngân hàng có nhiều chuyên ngành như thuế, bảo hiểm, hải quan… Ngành ngân hàng là ngành luôn thu hút rất đông thí sinh. Ngành này cần kiến thức chuyên môn, kỹ năng giao tiếp, vi tính, ngoại ngữ và đạo đức nghề nghiệp phải rất cao. Tốt nghiệp ngành này có thể làm ở các ngân hàng nhà nước, tư nhân hay liên doanh. Năm nay, ngành tài chính ngân hàng của trường ĐH Tài chính – marketing dự kiến mở mới chuyên ngành Thuế và Hải quan.

– Kế toán & kiểm toán: Kế toán làm công việc kế toán. Kiểm toán là kiểm tra công việc của người làm kế toán. Chương trình 5 phần thì 4 phần là kế toán và 1 phần kiểm toán. Tùy trường, hai ngành này gộp chung hoặc tách riêng ra thành hai ngành. Ngành này yêu cầu ngoài kiến thức chung, các bạn cần nắm vững kiến thức chuyên ngành, nắm kiến thức luật pháp trong lĩnh vực tài chính kế toán. Những người làm kế toán kiểm toán cần đức tính kiên trì, tỉ mỉ, chính xác và cần rèn luyện đạo đức nghề nghiệp. Một số yêu cầu khác như công nghệ, phần mềm xử lý, kỹ năng làm việc nhóm cũng là yêu cầu cần thiết. Khi ra trường bạn cần có chứng chỉ TOEIC đạt trên 550 điểm.

– Nhóm ngành kinh tế biển. Đại học Hàng hải tuyển sinh theo ba nhóm ngành: nhóm ngành hàng hải; nhóm ngành kỹ thuật – công nghệ; và nhóm ngành kinh tế – quản trị kinh doanh. Nhóm ngành kinh tế – quản trị kinh doanh vận tải biển có các chuyên ngành như: Kinh tế vận tải biển và Kinh doanh vận tải biển quốc tế (đào tạo theo chương trình tiên tiến dạy bằng tiếng Anh).

– Nhóm ngành Quản trị kinh doanh có các chuyên ngành: Quản trị kinh doanh tổng hợp, Ngoại thương, Kinh doanh quốc tế, Marketing, Du lịch…. Dù tốt nghiệp kinh tế quốc tế, thương mại, hay marketing… khi tốt nghiệp đều ghi ngành Quản trị kinh doanh, trong bảng điểm mới ghi chuyên ngành. Nếu yêu thích ngành QTKD và nếu có năng lực có thể chọn các trường có điểm chuẩn cao, nếu sức học vừa phải thì vào các trường có điểm chuẩn thấp hơn để cơ hội trúng tuyển nhiều hơn.

– Nhóm ngành Kinh doanh gồm các ngành: Quản trị kinh doanh, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị khách sạn, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, Marketing, Bất động sản, Kinh doanh quốc tế, Kinh doanh thương mại. Riêng về quản trị khách sạn – nhà hàng – du lịch có rất nhiều trường đào tạo nhưng tên gọi lại không thống nhất. Trước đây ngành Quản trị khách sạn và Quản trị nhà hàng… nằm trong ngành Quản trị kinh doanh, sau đó mới tách ra. Năm nay có thể đăng ký thẳng vào chuyên ngành này.

– Kinh tế tài nguyên môi trường là chuyên ngành nóng hiện nay. Vấn đề quản lý tài nguyên môi trường đang được xã hội rất quan tâm. Cơ hội việc làm khá lớn. Có thể làm ở nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau.

– Năm 2010, những chuyên ngành thu hút nhiều thí sinh giỏi của nhóm ngành kinh tế gồm: Kinh tế đối ngoại, Thương mại quốc tế, Kinh doanh quốc tế, Thương mại, xuất nhập khẩu… (Cần chú ý là các ngành này đòi hỏi nhiều đến yếu tố ngoại ngữ của sinh viên) với điểm trung bình của thí sinh đạt từ điểm sàn trở lên là 18,1 điểm. Ngành kinh tế đối ngoại: hướng làm việc là với các công ty đối tác nước ngoài, gần giống ngành ngoại thương. Năm vừa rồi điểm chuẩn ngành kinh tế đối ngoại là 20.

– Trường ĐH Luật TP.HCM chuyển ngành Quản trị – Luật thành ngành Quản trị kinh doanh. Thạc sĩ Lê Văn Hiển – Phó trưởng phòng đào tạo, cho biết: “Trước đây trường đào tạo ngành Quản trị – Luật là song ngành trong thời gian 5 năm, tức 50% kiến thức về quản trị kinh doanh và 50% kiến thức về luật. Nhưng nay đổi thành ngành Quản trị kinh doanh, thời gian học sẽ rút xuống 4 năm, trong đó 60 – 70% kiến thức giống với chương trình khung của Bộ, phần còn lại sẽ được xây dựng theo kiến thức luật”. (ĐH Luật TP.HCM có 5 chuyên ngành luật: hình sự, dân sự, hành chánh, quốc tế… và thi ba khối A, C, D).

– Trường ĐH Kinh tế – Luật (ĐHQG TP.HCM) có sự thay đổi một số ngành như sau: Ngành Kinh tế học và Kinh tế và quản lý công trước đây sẽ gộp chung lại thành 2 chuyên ngành trong ngành Kinh tế. Luật dân sự sẽ đổi tên thành Luật. Ba ngành Luật kinh doanh, Luật thương mại quốc tế, Luật tài chính – ngân hàng – chứng khoán sẽ gộp chung thành 3 chuyên ngành trong ngành Luật kinh tế. (Trường kinh tế luật có 4 ngành luật và đều có cùng khối thi A và D). Ở Trường ĐH Kinh tế – Luật, nếu thi rớt NV1 nhưng có điểm thi bằng hoặc trên điểm sàn thì có thể chuyển sang NV2 (nếu còn chỉ tiêu) với 3 ngành thường là kinh tế và quản lý công; hệ thống thông tin quản lý; và luật dân sự. Chỉ tiêu của trường: kinh tế học chỉ tiêu 100, tài chính ngân hàng 240, quản trị kinh doanh 240, ngân hàng 240, kế toán – kiểm toán 240, các ngành luật chỉ tiêu là 100…

Cuối cùng, các bạn chú ý chọn nghề, chọn ngành trước rồi hãy chọn trường để học và cũng nên cân nhắc khi chọn nhóm ngành kinh tế. Nếu muốn học ngành kinh tế thì cần phải có các tố chất như chí hướng làm giàu, xông xáo, chịu thử thách, chấp nhận rủi ro. Bên cạnh đó, phải có khả năng giao tiếp, tự tin tạo dựng quan hệ… Vì thế, để được tuyển dụng, ngoài việc giỏi về chuyên môn, bảng điểm tốt, các bạn cần những kỹ năng mềm để có kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng phỏng vấn xin việc, ngoại ngữ, tin học… là những phương tiện hỗ trợ để có thể tìm được một công việc phù hợp. Ngoài ra, những bạn học lực trung bình, nếu yêu thích ngành kinh tế có thể chọn học ngành này ở các trường dân lập hoặc có thể chọn con đường xét tuyển từ Cao đẳng rồi liên thông lên ĐH thì cơ hội sẽ rộng mở hơn.

Kinh Tuấn tổng hợp (hieuhoc_hieuhoc.com)

Cùng chuyên mục