Bộ Giáo và Đào tạo chỉ ban hành chương trình giáo dục phổ thông để cho các tổ chức, cá nhân bám vào đó mà tự biên soạn bộ sách giáo khoa cho riêng mình…
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có tờ trình Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo…
Từ bỏ độc quyền
Theo Luật Giáo dục hiện hành, chương trình giáo dục phổ thông quy định chuẩn kiến thức, kỹ năng, phạm vi và cấu trúc nội dung giáo dục phổ thông, phương pháp và hình thức tổ chức hoạt động giáo dục, cách thức đánh giá kết quả giáo dục đối với các môn học ở mỗi lớp và mỗi cấp học (Điều 29.1).
Trong khi sách giáo khoa cụ thể hóa các yêu cầu về nội dung kiến thức và kỹ năng quy định trong chương trình giáo dục của các môn học ở mỗi lớp của giáo dục phổ thông, đáp ứng yêu cầu về phương pháp giáo dục phổ thông (Điều 29.2).
Và, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình giáo dục phổ thông; duyệt và quyết định chọn sách giáo khoa để sử dụng chính thức, ổn định, thống nhất trong giảng dạy, học tập ở các cơ sở giáo dục phổ thông… (Điều 29.3).
Như vậy, theo luật, hiện tại chỉ có một chương trình giáo dục phổ thông và một bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì biên soạn để sử dụng trong các cơ sở giáo dục. Nói một cách khác, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang độc quyền về sách giáo khoa.
Mà, ai cũng biết, sự độc quyền về sách giáo khoa nhiều thập niên qua đã đem lại không ít lợi ích cho Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhiều nhà giáo dục có tâm, có tầm từng không ít lần đề nghị xóa bỏ sự độc quyền sách giáo khoa (vì nó cản trở sự phát triển của ngành giáo dục) nhưng đều bất thành… Vậy tại sao trong tờ trình Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại muốn xã hội hóa hoạt động biên soạn sách giáo và từ bỏ sự độc quyền của mình?
Trong hồ sơ đề nghị thẩm định Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục gửi Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo viết: “Hiện nay, việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa đang được triển khai thực hiện… Để phù hợp với Nghị quyết (số 88) của Quốc hội, cần sửa đổi chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa phù hợp với điều kiện thực tiễn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, kỹ thuật của nhà trường và khả năng tiếp thu của học sinh”.
Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ chủ trì xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình giáo dục phổ thông, quy định những yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh cần đạt được sau mỗi cấp học, những lĩnh vực và nội dung giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh trên phạm vi toàn quốc; còn việc biên soạn sách giáo khoa các tổ chức và cá nhân có năng lực có thể tham gia (miễn đảm bảo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông).
“Ủy ban nhân dân tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương tổ chức biên soạn bổ sung những nội dung về đặc điểm lịch sử, văn hóa và kinh tế – xã hội của địa phương; đồng thời dành thời lượng cho cơ sở giáo dục chủ động vận dụng để xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện cụ thể của nhà trường”, hồ sơ đề nghị thẩm định dự luật viết.
Vì sao vậy?
Thực ra, như tờ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo đề cập, sở dĩ bộ này từ bỏ độc quyền sách giáo khoa là vì “để phù hợp với Nghị quyết của Quốc hội”. Bởi, cuối năm 2014, Quốc hội đã ra Nghị quyết (số 88) về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Trong đó có quy định: “Sách giáo khoa cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh; định hướng về phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục”.
Cụ thể, Nghị quyết yêu cầu phải “Thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học; Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tiêu chí đánh giá sách giáo khoa và phê duyệt sách giáo khoa được phép sử dụng trên cơ sở kết quả thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa; hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Chính phủ ban hành cơ chế tài chính bảo đảm công bằng trong việc biên soạn và sử dụng sách giáo khoa; Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông. Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa. Bộ sách giáo khoa này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn”.
Nghị quyết cũng cho phép các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh.
Như vậy, theo Nghị quyết của Quốc hội thì không phải chỉ có một bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì biên soạn để sử dụng trong các cơ sở giáo dục như hiện nay mà sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa do các tổ chức, cá nhân và cả Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Các cơ sở giáo dục hoàn toàn có quyền lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng trong đơn vị mình.
Theo: Quang Chung (TBKTSGO)