Bí quyết thành công của tỷ phú tóc giả

Bí quyết thành công là tận dụng được nguồn lao động trẻ dồi dào ở địa phương cộng thêm những hiểu biết về lĩnh vực làm tóc này. Chỉ sau hai năm, Dương Văn Dũng đã trở thành tỷ phú với doanh thu lên tới trên 12 tỷ đồng mỗi năm. Trừ chi phí, Cty thu lãi hàng tỷ đồng. (Tỷ phú trẻ Dương Văn Dũng và nhân viên)

Chàng trai 8X Dương Văn Dũng ở xóm 7, xã Nga Thái, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) được biết đến với cái tên khá ngộ là tỷ phú tóc giả. Doanh thu của Cty anh lên tới 12 tỷ đồng/năm.

Không phải vì Dũng đội tóc giả mà tên ấy gắn liền với nghề sản xuất tóc giả của anh. Gia đình vốn làm nông nghiệp, nhưng Dũng lại mắc bệnh từ nhỏ nên không tham gia việc đồng áng. Dũng chỉ còn biết cố gắng học với mong muốn sau này kiếm được công việc phù hợp.

Cái duyên với nghề bắt đầu từ khi anh xin vào làm công nhân cho Cty Hàn Quốc ở TPHCM chuyên về tóc (Hình minh họa)

Tốt nghiệp THPT, Dũng thi đậu ĐH Kinh tế (Hà Nội) và tốt nghiệp năm 2005. Khó khăn khi xin việc ở các cơ quan ở Hà Nội, Dũng theo nhiều thanh niên khác ở quê vào làm công nhân cho các nhà máy lớn ở Bình Dương, TPHCM để kiếm sống.

Cái duyên với nghề bắt đầu từ khi anh xin vào làm công nhân cho Cty Hàn Quốc ở TPHCM chuyên về tóc, sau đó anh lại chuyển ra Hà Nội làm tại chi nhánh của Cty này. Nhận thấy đây là một nghề có tiềm năng phát triển nên Dũng quyết tâm học nghề. Để có tiền theo học nghề làm tóc, Dũng từng làm tài xế taxi, nhân viên bán bảo hiểm… Sau hai năm cần cù vừa học vừa làm, Dũng được lãnh đạo Cty cử đi Hàn Quốc học thêm nghiệp vụ kinh doanh tóc.

Năm 2007, Dũng quyết định về quê mở cơ sở gia công tóc giả Việt Dũng. Chỉ sau hai năm, Dương Văn Dũng đã trở thành tỷ phú với doanh thu lên tới trên 12 tỷ đồng mỗi năm. Trừ chi phí, Cty thu lãi hàng tỷ đồng. Dũng chia sẻ, bí quyết thành công là việc tận dụng được nguồn lao động trẻ dồi dào ở địa phương cộng thêm những hiểu biết về lĩnh vực này.

Nghề mới ở đất cói

Tại làng quê còn nhiều khó khăn, người dân chủ yếu gắn bó với cây cói, việc Dũng về quê lập nghiệp với nghề làm tóc giả từng khiến nhiều người ngạc nhiên. Ban đầu cơ sở sản xuất nhỏ của Dũng tạo việc làm cho vài chục lao động, nay phát triển thành Cty TNHH Dịch vụ thương mại Việt Dũng. Cty hiện có 6 cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh Thanh Hóa với trên 400 lao động. Dũng tóc giả tự tin khẳng định Cty sẽ tiếp tục phát triển và tạo thêm nhiều việc làm cho giới trẻ.

Gần đây số lao động trẻ ở Nga Sơn bỏ quê đi làm ăn xa ngày càng nhiều do địa phương không có việc làm. Nhiều làng xã chỉ còn người già, trẻ nhỏ với những ruộng cói sâu bệnh, nhiễm mặn. Làm sản phẩm tóc giả, lao động địa phương có thu nhập trung bình hơn 1 triệu đồng/tháng, được sống gần gia đình và vẫn làm được các công việc đồng áng.

“Chỉ học trong vòng 1 tuần, chúng tôi đã có thể bắt đầu làm việc với thu nhập 60 nghìn đồng/người/ngày”, chị Vũ Thị Hoa, công nhân của Cty cho biết.

Dương Văn Dũng vừa được nhận giải thưởng Doanh nhân tiêu biểu 1.000 năm Thăng Long Hà Nội do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam, Hội Sở hữu Trí tuệ Việt Nam tổ chức.

Theo: Tỷ phú tóc giả (Tiền Phong)

Bài liên quan

Có nghề trước đã, hạnh phúc để mai tính!

(hieuhoc_hieuhoc.com). Thay đổi thế giới ngày mai sao? Ừ, để mai tính! Còn bây giờ, hãy tùy vào hoàn cảnh của mỗi người mà xác định mục tiêu cụ thể, thiết thực nhất để có thể thích ứng với cuộc đời. Dù là nam hay nữ, có nghề trước đã, hạnh phúc để mai tính.   

Chàng chăn vịt trở thành... giám đốc.

(Hiếu học). 10 năm trước, Lê Văn Hảo phải bán vé số ở Cần Thơ và nuôi vịt chạy đồng, lấy tiền học đại học. Bây giờ, chàng trai ấy đã trở thành quyền giám đốc của một ngân hàng chính sách thành đạt và nổi tiếng.

Lòng nhiệt tình.

(Hiếu học). Sự khác nhau giữa người thành công và không thành công đó là, người thành công làm được rất nhiều việc mà người không thành công “không muốn làm”. Chẳng hạn như, khi những chiếc cửa đóng sầm trước mặt bạn tới 10 lần, nhưng bạn vẫn đi tiếp tới cửa ngôi nhà thứ 11 mà lòng nhiệt tình không hề giảm sút…

Thân tự lập thân: Tự lực – tự học.

(Hiếu học). Học tập bậc cao là một quá trình tự học, tự lực gian khổ tìm tòi học hỏi từ mọi người, mọi lúc, mọi nơi… Quá trình lập thân này chính là nền tảng cho sự tự quyết định vận mệnh của chính mình đi đến thành công.    

Làm thế nào đáp ứng tiêu chuẩn nghề nghiệp?

(hieuhoc_hieuhoc.com). Cho em hỏi, hiện nay nghề nào đang cần lao động có trình độ nhiều nhất? Nghề nào khi ra trường bảo đảm sẽ có việc làm? Nếu chọn nghề có chế độ lương cao và ổn định thì ngành đó cần những tiêu chuẩn như thế nào? Có khó quá không? – Em xin cảm ơn! (Saobangtimban_tk - Trà Vinh).

Cùng chuyên mục