(Hiếu học). Có rất nhiều điều bạn cần phải trang bị nếu muốn săn học bổng du học. Tuy nhiên, nếu bạn đã từng cho rằng phải có bảng điểm “như mơ” mới… mơ tới học bổng du học thì hãy suy nghĩ lại nhé. Bởi lẽ, thực tế là có nhiều bạn học “cũng bình thường thôi!” nhưng vẫn “ẵm” học bổng “ngon lành”. Nắm được “bí quyết” và có kế hoạch chuẩn bị dài hơi, bạn cũng có thể thành công như họ.
Có thêm một bảng thành tích khác (ngoài học tập).
1) Ba tháng trước, lúc Hoàng Giang (cựu học sinh lớp 11B trường Chuyên Ngữ – Hà Nội) rinh cùng lúc 3 học bổng của các trường trung học Mỹ và Anh khiến bạn bè ai nấy đều ngạc nhiên! Bởi xét về thành tích học tập, Giang không đình đám bằng các bạn cùng trường. Hẳn anh chàng có “bí quyết”?
Ở trường, thành tích học tập của Giang chỉ thuộc loại “thường thường bậc trung”. Nhưng liếc sang “sớ” hoạt động phong trào của anh chàng, bất kì ai cũng có thể “ngợp thở”. Ngay khi vào lớp 10, Giang đã tự tin ứng cử và được bầu vào vị trí phó bí thư Đoàn trường, phụ trách mảng phong trào – thể thao. Và trong lúc bạn bè còn chưa kịp quen mặt “phó bí” thì Giang đã “phát pháo” chương trình đón tân học sinh cực kì “nóng bỏng”. Trong đó, gây “chấn động” nhất là việc cho ra đời đội cổ động, tổ chức sân chơi thể thao liên hoàn. Thừa thắng xông lên, Giang thành lập đội bóng đá, rồi tổ chức giải đấu giao hữu giữa các trường. Chưa hết, anh chàng còn tập huấn các “cầu thủ” trở thành “phóng viên” chuyên quay phim, viết bài cho website của trường… Chính sự năng động của Giang đã “quyến rũ” phỏng vấn viên của các trường mà bạn muốn xin học bổng.
“Bí quyết” của Hoàng Giang là sự kiên trì. Suốt hai năm lớp 9 và 10, Giang liên tục “thử nghiệm” việc xin học bổng du học. Với Giang, cứ mỗi lần phỏng vấn “rớt đài”, bạn lại rút ra bài học cho mình: hồ sơ phải đầy đủ, trả lời dứt khoát, bài luận cần nói rõ suy nghĩ của bản thân… Tích lũy một “bụng” kinh nghiệm, sang năm lớp 11, hầu như “vác” hồ sơ đến trường nào Giang cũng được “duyệt” học bổng.
2) Đức Hòa (lớp 11A trường Chuyên Ngữ, Hà Nội) cũng vừa rinh được học bổng du học phổ thông trung học Mỹ ASSIST và sẽ lên đường sang Mỹ vào cuối năm học này. Hòa cho biết: “Sức học của tớ thuộc loại trung bình. Tớ rinh được học bổng nhờ đầu tư viết bài luận công phu và tự tin khi dự phỏng vấn. Tớ nghĩ, khi săn học bổng du học, kỹ năng giao tiếp và khả năng ngoại ngữ có thể bù đắp phần nào cho thành tích học tập”.
Đức Hòa “bật mí”: “Trước buổi phỏng vấn, tớ liệt kê những câu hỏi thường gặp như: mối quan hệ gia đình, quá trình học tập, hoạt động xã hội, lí do muốn đi du học… Lúc mặt đối mặt với phỏng vấn viên, tớ luôn tỏ thái độ lắng nghe và dành vài giây để suy nghĩ trước khi trả lời. Trong lúc nói chuyện, tớ để ý xem người phỏng vấn quan tâm vấn đề gì thì tập trung nói nhiều về vấn đề đó, những điều khác tớ chỉ nói sơ qua nhằm tránh người đối diện cảm thấy bị mất thời gian”.
Bí quyết “ăn điểm” khi phỏng vấn.
3) Từ hồi học cấp 2, Thái Hưng (cựu học sinh lớp 12 chuyên Tin trường Phổ Thông Năng Khiếu, hiện là SV trường ĐHQG Singapore) đã lập trình cho mình “công thức” riêng: kiến thức từ trường lớp + hiểu biết xã hội = thành công. Với Hưng, học giỏi mà không biết gì về thế giới xung quanh thì cũng… dở ẹc. Giữ vị trí ủy viên BCH Đoàn trường, Hưng là đồng tác giả của ý tưởng tổ chức Hội sách Năng Khiếu (bán sách giảm giá cho học sinh), lễ hội dành cho học sinh lớp 10 và 12… Hưng còn nạp thêm vốn sống cho mình bằng việc thường xuyên “xí” chỗ ở những cuộc thi dành cho học sinh. Hưng “tiết lộ”: “Nhờ đi thi nhiều nên tớ khá tự tin. Bởi vậy, lúc phỏng vấn, tớ nói chuyện… tỉnh bơ. Hì hì!”. Bên cạnh chồng hồ sơ “dày cộm” với một loạt “hoạt động ngoài giờ lên lớp”, sự “tỉnh bơ” của Hưng đã giúp anh chàng rinh học bổng “khỏe re”…
4) Sau vài lần nộp hồ sơ xin học bổng du học, Hoàng Lan (SV trường ĐHQG Singapore) phát hiện một “bí mật” đáng giá: Nhiều trường không đánh giá cao bảng điểm bằng chiều hướng “lên dốc” của ứng viên. Với họ, sự tiến bộ, cách khắc phục khó khăn khi gặp trở ngại là tiêu chí để nhận xét khả năng của học sinh. Thế nên, lần cuối cùng dự phỏng vấn, Lan nhiệt tình chứng minh cho đại diện của trường thấy nỗ lực không ngừng của mình và bạn đã thành công...
“Bí quyết” hổ trợ:
– Để không bị… cà lăm khi đối diện với người lạ, trước khi đi phỏng vấn, bạn nên “diễn” một mình trước gương. Đừng quên chuẩn bị sẵn cách trả lời cho những câu hỏi thường gặp.
– Không cần thành tích xuất sắc không có nghĩa là bạn học quá… dở. Sẽ “bít cửa” đối với những ai “mù tịt” ngoại ngữ và học lực dưới mức trung bình. Trong lúc nói chuyện, bạn sẽ phải đề cập đến các vấn đề thời sự xã hội. Muốn vậy, bạn không thể làm ngơ với sách báo, tin tức giáo dục-kinh tế…
– Hãy xem buổi phỏng vấn như cuộc trò chuyện giữa hai người quen, bạn sẽ thấy thoải mái hơn. Đừng quên điều này: bạn chỉ là học sinh, những đề tài vĩ mô không thuộc “tầm kiểm soát” của bạn. Nhiều ứng viên từng bị “loại” khi thao thao nói về những chuyện “đao to búa lớn”, nhưng lại lúng túng trước những câu hỏi thông thường như: Thức dậy lúc mấy giờ? Thường làm gì trước khi đến trường, cuối tuần đi chơi ở đâu?… Tránh lỗi này nha bạn!
– Trước khi quyết định xin học bổng của trường nào, bạn cần tìm hiểu “lí lịch” của trường đó. Bạn có thể tham gia diễn đàn du học sinh của trường để tham khảo ý kiến những anh chị đi trước.
Chúc bạn thành công!
Theo: Muctim.