Bí quyết làm tốt văn nghị luận

Đề thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH, CĐ môn văn có một câu nghị luận xã hội chiếm đến 3 điểm ở phần bắt buộc nhưng trên thực tế, học sinh ít khi làm tốt câu này

Đây là kiểu bài làm văn chuyên về bàn bạc các vấn đề xã hội như chính trị, đạo đức, lối sống, tính cách… nhằm làm rõ đúng sai, tốt xấu của vấn đề, từ đó có thể hiểu một cách thấu đáo để vận dụng vào thực tiễn. Có hai dạng bài nghị luận xã hội: Nghị luận về một tư tưởng, đạo lý và nghị luận về một hiện tượng đời sống.

Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi tuyển sinh năm 2011 tại cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM. Ảnh: HUY LÂN

Rút bài học nhận thức, hành động

Nghị luận về một tư tưởng, đạo lý là bàn về một vấn đề thuộc lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, quan điểm nhân sinh (như các vấn đề về nhận thức; về tâm hồn nhân cách; về các quan hệ gia đình xã hội, cách ứng xử; lối sống của con người trong xã hội…).

Về cách làm loại đề này, trước hết phải giới thiệu khái quát tư tưởng, đạo lý cần nghị luận. Nêu ý chính hoặc câu nói về tư tưởng, đạo lý mà đề bài đưa ra. Phần thân bài có nhiều luận điểm. Luận điểm 1, cần giải thích rõ nội dung tư tưởng đạo lý; giải thích các từ ngữ, thuật ngữ, khái niệm, nghĩa đen, nghĩa bóng (nếu có); rút ra ý nghĩa chung của tư tưởng, đạo lý;quan điểm của tác giả qua câu nói (thường dành cho đề bài có tư tưởng, đạo lý được thể hiện gián tiếp qua câu danh ngôn, tục ngữ, ngạn ngữ…).

Luận điểm 2, phân tích và chứng minh các mặt đúng của tư tưởng, đạo lý (thường trả lời câu hỏi tại sao nói như thế? Dùng dẫn chứng cuộc sống xã hội để chứng minh. Từ đó chỉ ra tầm quan trọng, tác dụng của tư tưởng, đạo lý đối với đời sống xã hội). Luận điểm 3, bình luận mở rộng vấn đề; bác bỏ những biểu hiện sai lệch có liên quan đến tư tưởng, đạo lý vì có những tư tưởng, đạo lý đúng trong thời đại này nhưng còn hạn chế trong thời đại khác, đúng trong hoàn cảnh này nhưng chưa thích hợp trong hoàn cảnh khác; dẫn chứng minh họa.

Phần kết bài nêu khái quát đánh giá ý nghĩa tư tưởng đạo lý đã nghị luận. Rút ra bài học nhận thức và hành động. Đây là vấn đề cơ bản của một bài nghị luận bởi mục đích của việc nghị luận là rút ra những kết luận đúng để thuyết phục người đọc áp dụng vào thực tiễn đời sống.

Bày tỏ thái độ bản thân

Nghị luận về một hiện tượng đời sống là bàn bạc về một hiện tượng đang diễn ra trong thực tế đời sống xã hội mang tính chất thời sự, thu hút sự quan tâm của nhiều người (như ô nhiễm môi trường, nếp sống văn minh đô thị, tai nạn giao thông, bạo hành gia đình, lối sống thờ ơ vô cảm, đồng cảm và chia sẻ…). Đó có thể là một hiện tượng tốt hoặc xấu, đáng khen hoặc đáng chê.

Để làm tốt kiểu bài này, học sinh cần phải hiểu hiện tượng đời sống được đưa ra nghị luận có thể có ý nghĩa tích cực cũng có thể là tiêu cực, có hiện tượng vừa tích cực vừa tiêu cực… Do vậy, cần căn cứ vào yêu cầu cụ thể của đề để gia giảm liều lượng cho hợp lý, tránh làm bài chung chung, không phân biệt được mặt tích cực hay tiêu cực.

Phần mở bài cần giới thiệu hiện tượng đời sống phải nghị luận. Thân bài có luận điểm 1, giải thích sơ lược hiện tượng đời sống; làm rõ những hình ảnh, từ ngữ, khái niệm trong đề bài (tuy nhiên, đây không phải là thao tác bắt buộc). Luận điểm 2, nêu rõ thực trạng các biểu hiện và ảnh hưởng của hiện tượng đời sống; thực tế vấn đề đang diễn ra như thế nào, có ảnh hưởng ra sao đối với đời sống, thái độ của xã hội đối với vấn đề. Chú ý liên hệ với thực tế địa phương để đưa ra những dẫn chứng sắc bén, thuyết phục từ đó làm nổi bật tính cấp thiết phải giải quyết vấn đề.

Luận điểm 3, lý giải nguyên nhân dẫn đến hiện tượng đời sống, đưa ra các nguyên nhân nảy sinh vấn đề, các nguyên nhân từ chủ quan, khách quan, do tự nhiên, do con người. Luận điểm 4, đề xuất giải pháp để giải quyết hiện tượng đời sống (từ nguyên nhân nảy sinh vấn đề để đề xuất phương hướng giải quyết trước mắt, lâu dài. Chú ý chỉ rõ những việc cần làm, cách thức thực hiện, đòi hỏi sự phối hợp với những lực lượng nào).

Kết bài cần khái quát lại vấn đề đang nghị luận, bày tỏ thái độ của bản thân về hiện tượng đời sống đang nghị luận.

Đây chỉ là dàn ý chung. Trong thực tế, dù là nghị luận về một hiện tượng đời sống hay về một tư tưởng thì không phải lúc nào cũng có đủ các luận điểm đã nêu. Cách sắp xếp luận điểm cũng cần linh hoạt, tùy theo đề và mục đích nhấn mạnh của người viết.

Theo: (Giáo dục/NLDO)

* Văn nghị luận xã hội khác với nghị luận văn học ở chỗ nó là những kiến thức thật 100% và rất thực tế với cuộc sống hằng ngày. Vì vậy bạn cần sự tinh tế và nắm bắt thông tin nhanh chóng. Bí quyết cho bạn là hãy chăm chút đọc bào hàng ngày để có thể tiếp cận nhanh chóng với những thông tin cực hot làm tài liệu cho riêng mình. Nên ghi chép lại những chi tiết cần thiết để làm dẫn chứng, nên chọn lọc những chi tiết hay để bài văn có được những dẫn chứng thiết thực và bám sát đề.

Cách viết văn nghị luận xã hội cần sự ngắn gọn, súc tích nhưng vẫn phải đầy đủ ý và không khô khan. Muốn vậy bạn cần có một dàn bài cụ thể trước khi đặt bút làm bài. Cầm đề trên tay bạn đừng vội làm ngay, hãy gạch dưới những cụm từ chính để có thể bám sát đề trong lúc làm bài và không bị lan man ý tứ, câu chữ cũng sẽ lưu loát hơn. Thường thì bạn có được khoảng 3 điểm cho một bài nghị luận xã hội trong một đề văn nên cần lưu ý về thời gian, nên phân bổ khoảng 1/3 tổng thời gian để làm bài nghị luận xã hội. Một bài nghị luận xã hội không đòi hỏi về độ dài, chỉ cần bạn chú ý đến nội dung và chọn lọc những dẫn chứng thật sắc sảo và thuyết phục, bài viết của bạn sẽ sâu hơn và tốt hơn!

Bài liên quan

Học hành & nghỉ ngơi điều độ

(hieuhoc_hieuhoc.com) Học quá tải không nghỉ ngơi cũng không khác gì đổ chai nước quá đầy, phần rớt ra ngoài sẽ lãng phí. Biết cách học có phương pháp, học mà chơi, chơi mà học thì mới đạt được hiệu quả.

Cách làm bài thi môn Văn

(hieuhoc_hieuhoc.com) Theo Bộ GD&ĐT, năm 2011 không có thay đổi về cấu trúc đề thi tốt nghiệp và ĐH, CĐ. Như vậy, dựa vào cấu trúc đề thi môn ngữ văn năm 2010 của bộ, các bạn có thể nắm chắc phạm vi kiến thức cụ thể của môn Văn để ôn tập, làm tốt bài thi.    

Kinh nghiệm ôn khối C

27,5 điểm là thành tích cô thủ khoa khối C toàn quốc Vũ Thu Thảo đạt được trong kỳ thi đại học 2010. Không đi “lò luyện”, thường xuyên giúp đỡ bố mẹ việc nhà. Nhân kỳ thì 2011 sắp tới, cô gái được mệnh danh là “thần đồng sử học” chia sẽ bí quyết để đạt điểm cao.

Cùng chuyên mục