(hieuhoc_hieuhoc.com) Thực tế trong học thuật chính là cách thiết thực nhất để triết lý giáo dục đến với khoa học chứ không phải chờ đợi và ngợi ca tự do học thuật này, tự do học thuật nọ. Chờ đến khi tìm ra được sự thật khoa học thì biết đến bao giờ?
Nghiên cứu khoa học ở các đại học Việt Nam rất kém và thấp.
Vì sao thấp kém? Vì không chịu tập trung vào mục tiêu thiết yếu trong thực tế, vì các “học giả” cứ lo làm thế nào để cải thiện thứ hạng của khoa học Việt Nam, cứ tưởng bở rằng hể được xếp hạng cao là hết thấp kém. Nhưng thực tế không phải như vậy, không phải hễ ngành nào có nhiều Tiến Sĩ Đại là ngành đó mạnh, không phải cứ có nhiều công bố khoa học được quốc tế công nhận là hết yếu, bảng “xếp hạng khoa học Việt Nam” không có chút xíu ý nghĩa gì nếu, con ốc vít có chút xíu, tầm thường mà không làm được cho đàng hoàng thì có dự thảo, bàn thảo hoài cũng vậy thôi.
Ngay bây giờ trong thực tế, đưa khoa học thực tiễn đến với đời sống, cái tự do này đã có sẵn sao ta chúng ta không dùng? Hãy thực tế trong học thuật chính là cách thiết thực nhất để triết lý giáo dục đến với khoa học chứ không phải là đòi hỏi và chờ đợi có tự do học thuật này, tự do học thuật nọ.
Cái tự do có sẵn không dùng, chôn kho vàng dưới chân rồi trách móc, đổ thừa tại nghèo quá nên không làm được. Vì sao “Nghiên cứu khoa học ở các đại học Việt Nam rất kém và thấp?”
– Là bởi không nhìn vào thực tế, cứ mãi loay hoay với khái niệm “tự do học thuật”! Cứ giỏi bàn cãi và bàn mãi thế nào là trí thức, thế nào là tự do, thế nào là học thuật và tự do học thuật;
Vì sao “Nghiên cứu khoa học ở các đại học Việt Nam rất kém và thấp?”
– Là bởi với các “nghiên cứu” chỉ chăm chăm cung cấp lượng thông tin “đồ sộ” về thứ hạng khoa học của các nước trong vùng và vòng quanh thế giới, lý luận và theo đuổi những việc không thiết thực. Cứ lo chạy theo việc “nền khoa học Việt Nam đang được đứng thứ mấy và sẽ đứng thứ mía so với nước này nước nọ”.
Cứ lo nâng cao “vị thế” của khoa học Việt Nam trên trường quốc tế để làm gì? Trong khi thực tế lại như thế này:
–Ngày 20/4, (VEF.VN) đưa tin với nội dung “Tìm cả trong 20 doanh nghiệp Việt Nam mà không mua nổi cái ốc vít”, cho biết: Bà Nguyễn Minh Thảo, chuyên viên Ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của CIEM nghiên cứu về ngành điện tử kể lại, trong quá trình điều tra tìm hiểu, công ty Canon cho hay họ đã cố gắng tìm mua ốc vít ở Việt Nam nhưng sau khi làm việc với 20 công ty trong nước, đều không đáp ứng được. Tương tự, Công ty Panasonic, Sanyo thì chỉ sử dụng thùng carton và xốp ở trong nước, còn Fujitsu lại nhập 100% linh kiện bên ngoài (thì ra Việt Nam chỉ biết có… lắp ráp – nv). Kế đến là vấn đề lao động. Các doanh nghiệp đang thiếu lao động cả số lượng và chất lượng. Theo khảo sát của bà Thảo, năm 2010, công ty Intel dự kiến sẽ tuyển 3.000 lao động nhưng rồi qua 50 trường đại học, họ chỉ tuyển được 40 người (nhắc lại: 50 trường và chỉ 40 người!). Ở ngành thủy sản, ông Lưu Minh Đức, chuyên viên Ban này cho biết, ngành thâm dụng lao động lớn và đang thiếu lao động nghiêm trọng. Chưa đến 50% các doanh nghiệp thủy sản hài lòng về chất lượng của lao động, kể cả đã qua đào tạo…
Thực tế cho thấy, có khoảng cách qua xa giữa kiến thức trong nhà trường và những gì nhà tuyển dụng yêu cầu. Nguyên do từ đâu và lối ra nào? Vẫn là từ nhận thức và cách làm của mình chứ đừng đổ thừa là tại thiếu tự do học thuật. “Trăm hay không bằng tay quen!” Sinh viên tốt nghiệp được một số các “doanh nghiệp có tầm nhìn thực tế” đào tạo lại, những sinh viên này bước vào thực hành, gắn với thực tiễn và đang đạt được những thành tựu nhất định, họ đâu có chờ tự do học thuật?
Thực tế, sinh viên ra trường đã được đào tạo những kỹ năng và kinh nghiệm thực hành như thế nào? Có nhiều trường đã làm tốt, có nhiều trường chưa làm được, như tạo điều kiện cho sinh viên thực tập cuối khóa, giới thiệu cho sinh viên tốt nghiệp vào làm việc tại các doanh nghiệp, và những trường không làm được chính là do cách làm chứ chẳng phải là do có hay chưa có “tự do học thuật”.
Thực tế là vậy, trên đây chỉ là một ví dụ nhỏ, đào tạo như thế thì ai lại không buồn. Nhưng mong rằng các “học giả”, các nghiên cứu gia đừng có đổ thừa yếu kém như thế là tại thiếu “tự do học thuật” nha. Đừng bày vẻ chi thêm học thuật này học thuật nọ. Bởi yếu kém hay không là do mục tiêu chọn lựa, sinh viên và các nhà khoa học trẻ hướng vào mục tiêu thực tiễn, lấy chất lượng cuộc sống làm đầu hay chạy theo thành tích hảo huyền là do tự con người, nào phải do học thuật? Đó là không kể đến hàng trăm, ngàn việc trong thực tế đời sống như vệ sinh thực phẩm, tai nạn lao động, văn hóa ứng xử của giới trẻ, giao thông, môi trường, kinh doanh… nói chung là tất tần tật đang rất cần khoa học thực tiễn. Mà cái khoa học này không đòi hỏi phải mới toanh, không yêu cầu phải cao siêu độc đáo, nó không cần quá phức tạp, cũng không cần nổi tiếng làm gì, nó có đứng thứ mấy trên thế giới kệ nó, cái cần chỉ là chịu làm và ứng dụng tốt cái đang có vào thực tế, cái nào là thế mạnh thì tận dụng triệt để, còn có tự do học thuật hay chưa có tự do học thuật thì… có liên quan gì. Học thuật cũ rích mà thực tế và tốt thì dùng cũng được chứ sao, chờ có “tự do học thuật” rồi mới tìm ra sự thật khoa học thì biết đến bao giờ?
Tóm lại, “tự do học thuật” có thể được xem là một trong những đặc điểm của giáo dục nếu muốn nói như vậy thì cứ nói, nhưng đừng đề cao “tự do học thuật” là quan trọng nhất và yêu cầu phải có ngay được nó. Bởi khi lấy “tự do học thuật” làm sức mạnh tinh thần để hô hào thì được, nhưng đòi lấy nó để “bù đắp những tổn thất về vật chất” là không thực tế. Vì học thuật gì thì cũng phải có giá trị thực tiễn, học thuật nào cũng cần có điểm cụ thể cuối cùng! Cái cần là tạo dựng nên một thế hệ kế tục – những người biết làm ra của cải. Và để tạo nên thế hệ thanh niên thông minh, sáng tạo và bản lĩnh, một trong những quan niệm đúng đắn trước tiên là các “học giả của học thuật” hãy là những người dám chịu trách nhiệm, không đổ thừa…
– Thực tế là: Hãy bù đắp những tổn thất về vật chất bằng những việc thiết thực có thể làm được ở hiện tại, đó là tự quyết đó;
– Thực tế là: Bắt tay vào làm ngay, không đứng đó hô hào và chờ đợi, đó là giá trị sứ mệnh đó;
– Thực tế là: Sử dụng tất cả những gì mình có được để ứng phó, không khóc lóc kêu đòi, đó là giá trị nhân văn đó;
– Không đòi hỏi và chờ đợi phải được có thêm như thế này, được cho thêm như thế kia, không làm theo kiểu đánh trống bỏ dùi, mà làm cho đến đầu đến đũa, sử dụng khoa học thiết thực vào đời sống, cái gì được làm và làm được thì làm ngay. Đó chính là cái học thuật sẵn có rồi đó!
Thế thì bày vẻ chi thêm học thuật này học thuật nọ?