Nghề nhân sự đòi hỏi bằng cấp chuyên môn phù hợp như lao động tiền lương, quản trị nhân lực, quản lý nhân sự… Nhưng thực tế, sau khi được tuyển dụng, nhiều ứng viên chỉ được bố trí làm các công việc giản đơn, sự vụ, không có điều kiện rèn luyện chuyên môn, phát huy năng lực, dẫn đến chán nản, bỏ việc.
Trong 5 năm làm việc, có đến 70% ứng viên thay đổi 3 – 4 chỗ làm
Theo kết quả khảo sát trên 100 ứng viên tìm việc làm ở lĩnh vực nhân sự tại Văn phòng Hỗ trợ Việc làm Báo Người Lao Động 4 tháng đầu năm 2011, tình trạng việc làm của nhóm ứng viên này khá bấp bênh. Phần đông ứng viên cho biết lý do bỏ việc là do thu nhập thấp, môi trường không phù hợp, công việc nhàm chán…
Lương thấp, chậm tăng
Trong số 100 ứng viên được khảo sát,65% ứng viên có bằng đại học, 20% cao đẳng và 15% trung cấp. Chỉ một số nhỏ, khoảng 5% ứng viên dự tuyển học trái chuyên môn (như các ngành quản trị kinh doanh, quản trị văn phòng, luật…). Số còn lại có bằng cấp chuyên môn phù hợp với nghề nhân sự như lao động tiền lương, quản trị nhân lực, quản lý nhân sự…
Kết quả khảo sát cho thấy khoảng 20% ứng viên lần đầu tìm việc (chưa có kinh nghiệm) và 80% đã từng đi làm (phổ biến từ 2 đến 5 năm). Ở nhóm ứng viên chưa có kinh nghiệm, mức lương khởi điểm do họ đề nghị bình quân từ 2,5 triệu đến 3 triệu đồng/tháng. Nếu so với các ngành nghề khác, nền lương khởi điểm này không thấp hơn. Vấn đề là việc tăng lương dựa trên nền lương khởi điểm này như thế nào?
Xem xét quá trình làm việc của nhóm ứng viên có kinh nghiệm thì không có sự chênh lệch nhiều giữa lương khởi điểm của người chưa có kinh nghiệm và lương của những người có nhiều năm kinh nghiệm. Cụ thể, trên 50% ứng viên có từ 2 đến 3 năm kinh nghiệm làm việc được doanh nghiệp (DN) cũ trả lương từ 3 triệu đến 3,5 triệu đồng/tháng; từ 4 đến 6 năm kinh nghiệm dao động trong khoảng trên 4 triệu đến 5 triệu đồng/tháng. Cá biệt có nhiều ứng viên có trên 5 năm kinh nghiệm làm việc, làm qua nhiều DN nhưng mức thu nhập thấp, dẫn đến lương đề nghị cho nơi làm việc mới cũng thấp theo, chỉ khoảng 3,5 triệu – 4 triệu đồng/tháng.
Không làm lâu dài một chỗ
Ngoài số ứng viên lần đầu tìm việc, hầu hết ứng viên có kinh nghiệm từng làm việc cho các DN dân doanh trong nước. Tình trạng việc làm của ứng viên trong quá khứ ở phạm vi khảo sát là khá bấp bênh. Kết quả tìm thấy trên 90% ứng viên có từ 1 đến 5 năm kinh nghiệm chỉdừng lại ở vị trí nhân viên phòng nhân sự, rất ít người được bố trí ở vị trí quản lý, kể cả quản lý cấp thấp như tổ, bộ phận.
Các công việc mà họ thực hiện chủ yếu là tuyển dụng lao động, chấm công, tính lương, làm sổ sách chi trả lương, bảo hiểm, báo cơm, báo cáo lao động hằng ngày. Thậm chí nhiều người choàng gánh, giải quyết các công việc ngoài chuyên môn như soạn thảo văn bản, lưu trữ hồ sơ, tiếp tân, trực điện thoại… Rất ít người cho biết công việc của họ có liên quan đến thực hiện kỹ năng quản trị như xây dựng quy trình tuyển dụng, hoạch định chính sách tuyển dụng, kế hoạch phát triển nhân sự, chính sách đào tạo nhân sự.
Xuất phát từ việc phải làm cố định ở một vị trí trong nhiều năm, công việc nhàm chán, thu nhập thấp, chậm tăng lương đã dẫn đến tình trạng ứng viên liên tục thay đổi chỗlàm. Thống kê cho thấy, có đến 80% ứng viên thay đổi nơi làm việc sau năm làm việc đầu tiên. Trong 5 năm làm việc, tỉ lệ ứng viên thay đổi từ3 đến 4 DN chiếm khoảng 70%. Gần như không tìm thấy ứng viên có từ 2 năm kinh nghiệm làm việc trở lên chỉ làm cho một DN. Ngoài những lý do nêu trên, nhiều ứng viên còn đưa thêm lý do khác dẫn đến việc thay đổi chỗ làm, như môi trường không phù hợp, ít có cơ hội thăng tiến…
Chỉ bố trí làm sự vụ
Qua khảo sát của Văn phòng Hỗ trợ Việc làm Báo Người Lao Động, cứ bình quân 10 DN đến đặt hàng tuyển dụng thì có một DN tuyển lao động làm công tác nhân sự. Thông thường, các DN đưa ra yêu cầu khá cao đối với ứng viên, như phải có kinh nghiệm, kỹ năng xây dựng quy trình tuyển dụng, hoạch định kế hoạch nhân sự, am hiểu pháp luật về lao động, CĐ, các quy định về hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, bảo hiểm, thuế thu nhập cá nhân… Nhưng thực tế, sau khi được tuyển dụng, nhiều ứng viên chỉ được bố trí làm các công việc giản đơn, sự vụ, không có điều kiện rèn luyện chuyên môn, phát huy năng lực, dẫn đến chán nản, bỏ việc.
Bài và ảnh: NGUYỄN DUY (theo: báo Người Lao Động)