Bảo vệ an toàn cho bản thân khi du học Mỹ.

Điều tối quan trọng để tự bảo vệ an toàn cho bản thân khi du học là trong thời gian học tập và thích nghi với cuộc sống của người bản xứ, bạn nên tránh vướng vào những sự xung đột…

Những vụ bạo lực liên quan đến học sinh, du sinh Việt Nam ở Mỹ gần đây đã gây hoang mang, lo ngại đối với các bạn trẻ đang du học, hoặc dự định đi du học tại quốc gia có nền giáo dục vào bậc nhất thế giới này.

Bất an

Sau vụ việc du học sinh Hồ Quang Phương bị cảnh sát bắt giữ bằng võ lực hồi tháng 9/09 tại thành phố San Jose của bang California, tiếp đó các học sinh gốc Á, trong đó có học sinh Việt Nam bị các học sinh Mỹ gốc Phi châu hành hung tại trường trung học Nam Philadelphia, bang Pennsylvania, vì lý do kỳ thị sắc tộc.

Vi, một du học sinh tại thành phố San Francisco, bang California, mới học được hai năm, cho biết cô cùng bạn bè cảm thấy rất bất an khi nghe đến những vụ việc này. (Những nơi ít người Việt, sẽ dễ cảm thấy có sự phân biệt đối xử từ phía người dân bản xứ).

Minh Nghĩa, một du học sinh đang học năm thứ hai ngành tài chánh tại bang Maryland, chia sẻ cảm nghĩ: “Theo Nghĩa thấy thì người châu Á, trong đó có người Việt Nam qua Mỹ này thường bị rất nhiều sự kỳ thị. Nghĩa rất quan ngại điều đó.” Khi được hỏi về kinh nghiệm bản thân từ khi qua đây học tập tới giờ, các bạn có khi nào cảm giác bị phân biệt đối xử hay không, Nghĩa nói rằng: “Từ trước tới giờ đi lại ở đây cũng khá an toàn, ngoại trừ một câu nói đùa mà mọi người cứ quy cho bất kỳ chuyện gì không đúng luật lệ là bảo rằng Asian (người Châu Á) làm đấy. Đôi khi mình cảm thấy không vui vì chuyện đó, nhưng ngoài ra mình cảm thấy sống ở đây khá an ninh.”

Bạn Vi, du học sinh tại thành phố San Francisco, cho biết: “Cũng may là Vi ở California, người châu Á và Việt Nam rất đông, nên ở đây Vi không thấy bị phân biệt đối xử gì cả. Vì mình có một số bạn bè ở các tiểu bang khác như Oregon, Boston, những nơi đó người Việt ít nên họ cảm thấy có sự phân biệt đối xử từ phía người dân bản xứ.”

Cần làm và nên làm

Dù có yên tâm hay không đối với môi trường học tập và sinh sống nơi xứ lạ quê người, cũng sẽ không là thừa thãi nếu bạn có những bước tìm hiểu, chuẩn bị tâm lý về những điều cần làm và nên làm trước những tình huống bất trắc, đe dọa đến an ninh cá nhân.

– Ở Mỹ có các cơ quan, tổ chức nào chuyên cung cấp thông tin, hỗ trợ pháp lý, cũng như giúp bảo vệ an ninh cá nhân cho các du học sinh Việt Nam?

Luật sư Phan Quốc Cường, thành viên Ban Quản Trị Luật sư đoàn người Mỹ gốc Việt tại Washington DC, đã tham gia nhiều vụ liên quan đến bạo lực do kỳ thị, hay do sắc tộc. Ông cho biết: “Có rất nhiều nguồn tư liệu và sự giúp đỡ trực tiếp. Thứ nhất, tại các trường đại học thường có ban Community Relation Outreach chuyên quan hệ, giao tiếp với sinh viên. Thứ hai có những nhân viên chuyên hỗ trợ cho các du học sinh. Đó là những nguồn cung cấp thông tin trực tiếp nhất. Tại các đại học Mỹ đều có hội sinh viên người Việt hay người Á châu. Họ có thể là tiếng nói đại diện cho du học sinh nếu vấn đề cần sự ủng hộ của nhà trường, cộng đồng, hay xã hội.

Ngoài xã hội thì có những văn phòng cảnh sát địa phương. Nếu vấn đề mang tính chất tấn công bạo lực trầm trọng, thậm chí có thể gọi tới các đường dây liên lạc FBI hoặc vào văn phòng các công tố viên liên bang. Có những tổ chức cộng đồng, sẵn sàng giúp cung cấp các dịch vụ pháp lý. Có những tổ chức của cộng đồng gốc Á Châu chuyên cung cấp dịch vụ, thông tin, và đại diện pháp lý cho các nạn nhân trong trường hợp có những vụ tấn công nghiêm trọng.”

Nếu các bạn du học sinh gặp trở ngại về ngôn ngữ, thì có thể liên lạc với những tổ chức của cộng đồng người Việt để được can thiệp, bảo vệ, như hướng dẫn của luật sư Quốc Cường: “Các tổ chức cộng đồng sẵn sàng bảo vệ cho các học sinh VN bị tấn công. Tại mỗi địa phương có rất nhiều hội đoàn của người Việt hoạt động như tại thủ đô Washington có Hội luật sư đoàn người Mỹ gốc Việt sẵn sàng tham gia giúp đỡ, bảo vệ các du học sinh.”

Nhiều nguồn thông tin và trợ giúp như thế ở xã hội Mỹ, thế nhưng, dường như rất ít các bạn du học sinh Việt Nam tại Mỹ quan tâm và biết đến các nơi này, như bạn Vi tâm sự: “Mình qua đây, văn hóa, cách cư xử xã hội của người Mỹ khác. Mình cũng đã ít nhiều tìm hiểu qua, và bạn bè, thầy cô cũng chỉ dẫn thêm những lời khuyên khi gặp tai nạn bất trắc. Vi cũng chẳng biết là nên liên lạc với ai, thường chỉ biết gọi cảnh sát 911. Vi chưa biết tới các tổ chức này ở Mỹ.”

Trước khi khóa học thật sự bắt đầu, các trường học tại Mỹ thường tổ chức những buổi tập trung, đặc biệt cho các du học sinh, để giới thiệu về trường lớp, chương trình học, đồng thời cung cấp thông tin và các số liên lạc cần thiết trong trường hợp bất trắc xảy ra. Các bạn nhớ chép lại cẩn thận hoặc tốt nhất là lưu vào điện thoại của mình.

Khi cảm thấy an ninh cá nhân bị đe dọa

Vấn đề an toàn cá nhân vẫn là mối quan tâm hàng đầu đối với các bậc phụ huynh và con em của họ khi quyết định sang xứ người du học. Tại Mỹ, các bạn du học sinh cần phải làm gì ngay khi cảm thấy an ninh cá nhân bị đe dọa và cần được bảo vệ? Luật sư Quốc Cường đề nghị: “Nếu bạn là du học sinh, nếu chỉ bị trêu chọc bình thường, việc đầu tiên nên làm là nói chuyện với giáo viên, với người tư vấn mà mỗi sinh viên đều có chuyên hỗ trợ cho các du học sinh.

Những trường hợp mang tính chất xâm phạm đến an nguy cá nhân như bị tấn công bạo lực, bị chặn đường thì ngoài việc liên lạc với những người trong trường, cũng nên gọi cho cảnh sát địa phương. Trong trường cũng có lực lượng cảnh sát gọi là on-campus police, tức cảnh sát của trường học. Họ cũng có quyền lực tương đương trong phạm vi trường học. Giả dụ nếu bạn trên đường từ trường về ký túc xá mà cảm thấy bị đe dọa, bạn có thể dừng lại ngay bất kỳ trạm phone nào trong trường, gọi cảnh sát. Họ sẽ cử người đến tận nơi đưa bạn về.”

Trở ngại lớn nhất của người Việt Nam là tâm lý sợ liên hệ với chính quyền e rằng nếu chuyện không nghiêm trọng lắm thì sẽ bị phạt. Thật sự không bị phạt gì cả, miễn bạn có lý do chính đáng để yêu cầu sự can thiệp bảo vệ của họ, thì họ sẽ bảo vệ cho bạn. Có rất nhiều vụ dẫn đến kết quả nghiêm trọng vì người Việt, nhất là du học sinh, do chưa hiểu xã hội bên này và e ngại chuyện này chuyện kia, rồi khả năng Anh ngữ giới hạn, nên không dám kêu gọi sự giúp đỡ.

Điều tối quan trọng để tự bảo vệ an toàn cho bản thân là trong thời gian học tập và thích nghi với cuộc sống của người bản xứ, bạn nên tránh đi vào những sự xung đột. Và một khi xuất hiện sự đe dọa thì nên mạnh dạn tìm đến các nguồn thông tin và hỗ trợ của luật pháp. (Mỹ là một quốc gia có nền dân chủ pháp trị rất mạnh, có rất nhiều tổ chức sẵn sàng bảo vệ cho bạn từ nhà trường, xã hội, đến chính quyền các cấp. Bạn phải kêu gọi sự giúp đỡ cần thiết đó).

Như vậy, ngoài những thông tin cơ bản mà các bạn cần lưu ý khi mới đặt chân tới Mỹ du học như địa chỉ trường học hay nơi ở…, để bảo vệ an toàn cho bản thân, các bạn còn phải ghi nhớ cả số liên lạc của những nơi này phòng khi hữu sự.

Theo: An toàn cá nhân khi du học Mỹ (Trà Mi/GO.VN)

Bài liên quan

Công việc làm thêm của du học sinh Việt Nam.

(Hiếu học). Du học là một đề tài được đông đảo giới trẻ Việt Nam ngày càng quan tâm. Hẳn là cuộc sống của du học sinh nơi xứ lạ quê người sẽ có rất nhiều điều thú vị, mới lạ, mà chắc hẳn các bạn trẻ đang dự định du học rất muốn tìm hiểu. Trong số những thắc mắc này phải kể tới công việc làm thêm. Sinh viên đi làm thêm ở nước ngoài có như ở trong nước không? Và có nên đi làm thêm không? 

Du học Mỹ: Làm thế nào tiết kiệm tiền bạc và thời gian? Phần 1: Tiết kiệm tiền bạc

Theo các con số thống kê, trung bình mỗi sinh viên tốt nghiệp đại học ở Mỹ nợ trung bình 19.300 USD và họ thường thanh toán món nợ này từ 10 năm trở lên sau khi ra trường (nguồn: Báo USA Today 25.5.2007). Các sinh viên trường luật mắc nợ trung bình khoảng 100.000 USD còn sinh viên y dược sau khi ra trường thường mang món nợ trên 200.000 USD nhưng họ có thể thanh toán nhanh chóng nếu nỗ lực làm việc và tiết kiệm.

“Đào tạo phỏng vấn đi du học Mỹ” - Chiêu lừa mới?

(Hiếu học). Mấy năm gần đây, tình hình đi du học nước ngoài đã có nhiều chuyển biến đáng kể nhờ các cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi trong các bước thủ tục. Tuy nhiên, thủ tục phỏng vấn tại các cơ quan đại sứ quán, nhất là Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TPHCM để nhận visa nhập cảnh được nhiều người cho là chặng đường khó khăn nhất. Lợi dụng điều này, nhiều công ty tư vấn du học đã không ngần ngại quảng bá khóa học phỏng vấn với giá cả trên “trời”, nhưng kết quả “lè tè” dưới đất.

Du học bằng học bổng nhà nước.

(Hiếu học). Hằng năm, chính phủ cấp nhiều học bổng cho sinh viên du học ở các nước trên thế giới. Tiêu chuẩn, điều kiện dự tuyển học bổng du học cũng khá đa dạng, tạo nhiều cơ hội cho sinh viên – học sinh.

Quan hệ thầy-trò trong giảng đường ở nước ngoài.

(Hiếu học). Tự do, thoải mái, không bị ‘soi’ là câu trả lời chung của một số bạn trẻ Việt Nam khi được đặt câu hỏi: “Bạn nghĩ gì về mối quan hệ thầy-trò trong giảng đường đại học ở nước ngoài?” Tuy nhiên, những điều ‘tưởng tượng’ như trên… phần lớn là không đúng.

Cùng chuyên mục