Hơn hai thế kỷ sau khi nạn buôn bán nô lệ đầu tiên được bãi bỏ, 12,3 triệu người (kể cả trẻ em) khắp thế giới hiện vẫn còn bị buộc phải lao động khổ sai và mại dâm. Doanh số hằng năm của các hoạt động buôn người toàn cầu lên đến 44 tỉ USD, đây là nguồn thu bất chính thứ ba chỉ đứng sau ma túy và buôn bán vũ khí.
– Nghề diễn viên: Ngôi sao hay nô lệ?
…Ariana chỉ mới 16 tuổi khi cô làm quen với Burim tại một thành phố của Albania, nơi cô sống với mẹ. Burim hơn Ariana 8 tuổi. Cô rất hãnh diện về sự chú ý mà Burim dành cho cô. Khi Burim đi Florence (Ý) – nơi như anh quả quyết, một việc làm được trả lương hậu hĩnh trong công nghiệp hóa học đang chờ anh – thì cô quyết định đi cùng anh.
Hai ngày sau khi đến Ý, Ariana phát hiện trong căn hộ mà họ ở có một cái tủ chất đầy những bộ quần áo nữ rất khêu gợi và một túi chất đầy bao cao su. Cô sửng sốt nhưng Burim trấn an cô rằng tất cả những thứ đó là của một cô gái khác. “Em cứ để đó! Rồi sẽ có lúc cần đến” – Burim giải thích như thế khi Ariana muốn dọn dẹp và chất những thứ đó lên gác mái.
Thế rồi cuộc đời cô tan vỡ và biến thành một cơn ác mộng thật sự: ban đêm Burim buộc cô quan hệ tình dục với những người không quen biết, còn ban ngày anh ta đánh đập và hãm hiếp cô. Nhiều lần cô tìm cách trốn thoát nhưng không được. Rồi Burim đưa cô đến London (Anh) nhốt trong một căn nhà kín mít.
…Linda mới 15 tuổi và sống ở làng Gueldre, Hà Lan sau khi rời xa cha mẹ. Bị rối loạn, Linda bỏ bê việc học và điểm số ở trường ngày càng giảm sút. Hai cậu trai gốc Thổ Nhĩ Kỳ, cỡ tuổi 15 và 16, làm bạn với cô bé mảnh khảnh mắt nâu này. Họ giúp cô làm bài và tỏ ra rất quan tâm đến cô. Cô cũng rất tin tưởng họ.
Một ngày kia, họ yêu cầu cô ngủ với một người đàn ông để có tiền. Linda từ chối. Thế rồi họ đưa ra một bản sao thời khóa biểu của chị cô, lớn hơn cô 2 tuổi và nói: “Nếu em không làm chuyện đó, người ta sẽ bắt chị em”.
Sau khi cho Linda dùng ma túy và kè súng đe dọa, chúng ép Linda quan hệ với các khách hàng trong một khu rừng trước khi dẫn cô đến Arnhem và giam hãm cô.
…Mới gần 20 tuổi, cô gái Nga Roxana Rantseva đã bị dụ dỗ và lôi kéo đến Cyprus bởi một lời hứa hẹn sẽ giúp cô thực hiện giấc mơ của mình: trở thành một nữ phiên dịch.
Ba tuần sau khi cô đến, tháng 3-2001 người ta phát hiện cô đã chết tại một con đường ở Limassol. Cô rơi từ cửa sổ tầng 5 một tòa nhà trong khi cố thoát khỏi công việc khổ sai tại một “tiệm rượu”, khác xa với giấc mơ được làm việc trong lĩnh vực dịch thuật…
Những con đường nô lệ mới
Mỗi năm có 800.000 người vượt biên giới ngoài ý muốn, một con số ngày càng gia tăng, theo Liên Hiệp Quốc. Các chuyên gia khẳng định không có thời kỳ nào trong lịch sử có nhiều người bị biến thành nô lệ như hiện nay.
Mỹ và châu Âu hiện là hai “thị trường nô lệ” chính.
Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, Bộ Ngoại giao Mỹ và Tổ chức phi chính phủ “Giải phóng nô lệ”, các nô lệ từ châu Á (Philippines, Thái Lan, Ấn Độ…) và Nam Mỹ (Haiti, Guatemala, Mexico, CH Dominica…) chủ yếu được đưa đến Mỹ. Khoảng 14.500-17.500 người được “nhập khẩu” vào Mỹ hằng năm, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em. 500.000 người Philippines (phụ nữ và trẻ em) mỗi năm là nạn nhân của nạn buôn người chủ yếu sang Mỹ. Châu Mỹ Latin và vùng Caribê cũng “gửi” 5.500 nô lệ lên phía Bắc mỗi năm.
Trong khi đó, châu Âu là “thị trường nô lệ” lớn của những kẻ buôn người trong các đường dây từ Albania, Belarus, Bosnia-Herzegovina, Bulgaria, CH Czech, Macedonia, Moldavia, Ba Lan và Ukraine. Các điểm được ưa thích là Hà Lan, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Bỉ, Bắc Âu và Anh.
Tại châu Âu, mỗi năm có khoảng 250.000 người bị lọt vào mạng lưới của những kẻ buôn người. “Thị trường nô lệ” này có doanh số hằng năm 3 tỉ USD.
Việc buôn người không thể tràn lan hay âm ỉ nếu như không có sự tiếp tay của những ông chủ hộp đêm, nông dân, nhà công nghiệp, chủ tiệm, nhà thầu khoán, người tổ chức sự kiện hoặc những ông chủ nhà hàng. Những người này thuê mướn các nạn nhân với đồng lương chết đói mà chẳng hề quan tâm đến sức khỏe hay sự an toàn của họ.
“Tất cả họ đều là những kẻ buôn người” – Herman Bolhaar, kiểm sát trưởng ở Amsterdam, nhận định.
Lao động khổ sai
Tỉnh Foggia trong miền Pouilles của Ý được các hãng lữ hành giới thiệu như “một thiên đường du lịch”. Những mẩu quảng cáo hứa hẹn những công việc đồng áng được trả 6 euro/giờ, kèm chỗ ở như có sức hấp dẫn ở Ba Lan.Nhưng sau một cuộc hành trình mệt lử, Stanislav Fudalin, 51 tuổi, được một đốc công người Ukraine làm việc cho các nông dân trong vùng tiếp đón.
“Ở đây tao là người đưa ra luật – ông ta tuyên bố – Còn chúng mày là nô lệ của tao. Nếu mày tìm cách trốn, tao tìm thấy là giết ngay. Mày sẽ trở về Ba Lan trong một cái túi đựng rác”.
Hộ chiếu bị tịch thu, những người Ba Lan bị bó buộc phải làm việc – như hái cà chua – 16 giờ/ngày. Bị đè nặng bởi số tiền lời cao ngất ngưởng do vay mượn để chi trả cho chuyến ra nước ngoài, họ chỉ được trả công 1 euro/giờ mà còn phải trả tiền ăn và ở trong các khu vực thiếu điện, lò sưởi hoặc nước.
Được canh gác bởi những người trang bị súng đạn, đêm nào họ cũng bị khóa trái cửa. Những ai bị bệnh phải trả cho trưởng bảo vệ 20 euro/ngày để khỏi làm việc. Điều duy nhất họ không phải trả tiền là những cú đánh đập. Nợ nần triền miên biến họ thành nô lệ.
Nô lệ tình dục
Năm 2006, một phụ nữ Ba Lan tên Sneep khai với cảnh sát Amsterdam rằng cô và những phụ nữ đồng hương khác cũng như những phụ nữ ở Bulgaria, Romania bị ép buộc làm mại dâm trong khu phố nóng bức của thủ đô Hà Lan, nơi mỗi năm khoảng 4.000 nạn nhân được “bổ sung”.
Hộ chiếu của cô bị thu giữ và cô phải trả cho những người chăn dắt hơn 1.000 euro/ngày, kể cả những ngày cuối tuần.
Những cô gái nào không làm đủ số tiền này thường bị hãm hiếp và bị đánh bằng gậy bóng chày. Sau đó họ được tắm nước lạnh để xóa đi những dấu vết bạo lực trước khi bị buộc trở lại hành nghề. Những cô gái khác được đánh dấu bằng những hình xăm để không ai biết được rằng họ là sở hữu riêng của hai anh em người Thổ Saban và Hassan Baran.
Hassan, 43 tuổi và Saban, 38 tuổi điều khiển một đường dây buôn bán người và ma túy bao gồm Đức và Bỉ. Trong vòng bốn năm, họ đã thu lợi hàng triệu euro. Năm 2008, Saban bị kết án 15 năm rưỡi tù, trong đó tám năm vì tội mưu toan giết người. Còn Hassan lãnh án 2 năm rưỡi tù và kháng án.
Tháng 9-2009, Saban Baran xin phép về nhà vài ngày thăm đứa con mới sinh, điều không thể tin được là tòa án đã cho phép… Hắn đã tẩu thoát.
Cuộc đấu tranh chống lại những tội ác mới này là không dễ. Cecilia Mamstro”m, ủy viên nội vụ châu Âu, đề nghị bổ nhiệm một phối hợp viên ở cấp độ châu Âu. “Chúng tôi cần một khuôn khổ hợp pháp mạnh hơn với một sự bảo vệ tốt hơn và những hình phạt nặng hơn” – bà nhấn mạnh.
Việc buôn người bị trừng phạt nhẹ hơn buôn bán ma túy nhiều. Tại 62 nước không có kết án nào được công bố mặc dù có Nghị định thư Palermo, được Liên Hiệp Quốc ban hành năm 2003 nhằm ngăn ngừa, khiển trách và trừng phạt việc buôn người.
Nô lệ mới là gì?
“Khác với việc nhập cư lén (người nhập cư trả tiền cho người giúp họ vào một nước bất hợp pháp), chế độ nô lệ (mới) có mục đích bóc lột nam và nữ. Họ sống trong sự bó buộc, đe dọa và theo dõi liên tục của một người nào đó, một kẻ dắt gái, một tên ma cô hoặc một người bảo trợ, tức những người tịch thu giấy tờ của họ. Thu nhập do các hoạt động của họ, thường là trái đạo đức hoặc gian xảo, hoàn toàn làm lợi cho các tên ma cô, mà việc chúng chiếm đoạt thể xác, tâm lý và tài chính là điều gần như tuyệt đối. Những hình thức bóc lột này xuất hiện không chỉ trên thị trường tình dục, làm việc nhà và hôn nhân được trả tiền mà còn trong các lĩnh vực như xây dựng và nông nghiệp. Việc buôn bán này là một trong những vi phạm nghiêm trọng các quyền con người tại châu Âu hiện nay”. – SUZANNE HOFF – nữ điều phối viên Mạng lưới các tổ chức phi chính phủ của châu Âu chống nạn buôn người (Stada)
Theo: (Sélection)/(TTO)