(hieuhoc_hieuhoc.com): Internet phát triển như vũ bão trong nhiều năm trở lại đây là điều kiện thuận lợi để cho báo điện tử phát huy sức mạnh của mình. Hiện báo mạng điện tử đang tiến đến vị trí đỉnh cao trong lĩnh vực thông tin truyền thông.
Thế mạnh của báo mạng
Nếu bạn biết sử dụng internet thì chắc hẳn bạn biết đến các trang báo điện tử như tuoitre.com.vn, thanhnien.con.vn, dantri.com.vn, vnexpress.net, vietnamnet.vn… Theo thống kê thì hàng tháng, những trang báo điện tử này đón hàng triệu lượt người vào xem không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nơi trên thế giới. Với những lợi thế to lớn của mình, báo điện tử đang ngày càng phát triển và dần lên ngôi trong công nghệ báo chí.
Đặc trưng dễ nhận thấy nhất của báo chí là tính nhanh chóng và kịp thời trong việc đăng tải các thông tin, sự kiện. Tuy nhiên, trong số tất cả các loại báo chí thì “siêu tốc” nhất vẫn là báo mạng hay còn gọi là báo điện tử. Nếu cũng là những tin tức về một sự kiện thì bạn sẽ tìm thấy nó xuất hiện trước tiên trên các trang báo điện tử, còn báo in thì phải qua tới ngày hôm sau khi báo được phát hành, xem ti vi còn phải chờ ghi hình, dựng phim, nghe radio thì còn chờ thu âm, chờ giờ phát sóng… Như vậy, báo điện tử đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “tốc độ cao” của báo chí.
Sự phổ biến rộng rãi là một ưu điểm to lớn thứ hai của báo điện tử. Chỉ cần một chiếc máy tính có nối mạng cùng với khả năng ngoại ngữ là bạn có thể biết ở bên Mỹ người ta đang bầu cử Tổng thống như thế nào, những ngôi sao Hollywood đang làm gì, chiến sự ở I-rắc, xung đột giữa Thái Lan và Campuchia hay nạn đói ở Châu Phi…. đang ra sao. Những điều này, các loại hình báo khác khó mà có thể làm được, mà khi làm được thì rất tốn kém vào chậm chạm.
Thông tin trên các báo điện tử cũng rất đa dạng và đầy đủ. Nó giúp cho người đọc dễ dàng tiếp cận thông tin và hơn thế thông tin luôn được cật nhật trong ngày. Điều này khiến cho báo điện tử “ăn đứt” mảng báo giấy. Ví dụ như trong những ngày qua Hà Nội bị ngập lụt nghiêm trọng – đây là chủ đề tốn rất nhiều giấy mực của các phóng viên. Trong một ngày bạn có thể theo dõi được thông tin về tình hình mưa bão, ngập úng, chỗ nào nặng chỗ nào cần di dời… về Hà Nội. Báo in chỉ ra một lần trên một ngày vì vậy mà thông tin bị hạn chế.
Hình ảnh được đăng trên các báo khá sinh động và có tính chật thực tế. Các hình ảnh này giữ nguyên được màu sắc, góc cạnh khi đưa lên. Chính điều này khiến cho người truy cập thấy hấp dẫn hơn rất nhiều và tính thuyết phục cũng cao hơn.
Xu hướng phát triển của báo điện tử
Theo ước tính thì hiện cả nước có 10.829 trang điện tử với các tên miền Việt Nam. Đây là một con số rất lớn ở một đất nước có có số lượng người sử dụng Internet là 7,5 triệu người và tỉ lệ người biết đến Internet là 9,1%. Những thống kê đó cho thấy báo điện tử sẽ có điều kiện thuận lợi phát triển trong tương lai và luôn nằm trong top đầu của mảng báo chí.
Một số báo điện tử như VietNamNet, VnMedia, VnExpress, Dân Trí, Tuổi Trẻ, Thanh Niên… là những báo lớn thu hút rất nhiều lượt người truy cập tạo cho báo điện tử có một chỗ đứng nhất định và vô cũng vững vàng.
Một yếu tố quan trọng để báo điện tử khẳng định thương hiệu của mình đó là sự xuất hiện của blog – một dạng truyền thông mới và các “cộng tác viên dân chúng” – cộng đồng blogger. Chính những blogger này đã chủ động đóng góp bài vở, ý kiến cho các báo cũng như tự đăng tải thông tin cật nhật được trên các blog cá nhân. Chính hình thức này mà đọc giả thấy gần gũi với báo điện tử hơn các loại hình khác.
Điều kiện cần cho một phóng viên báo điện tử
Năng động trong công việc. Đây là điều mà bạn cần phải có trước khi bước vào nghề. Làm báo mà đặc biệt là báo điện tử thì luôn phải đi trước, luôn mới mẻ và luôn sáng tạo. Bạn không thể đăng bài của mình khi mà các thông tin ấy đã tràn ngập trên các hình thức báo khác rồi. Bạn không chỉ cần đi trước dư luận mà cần đi trước luôn cả các hình thức báo chí khác. Có như vậy bạn mới đảm bảo được tính “siêu tốc” của báo điện tử được.
Có kỹ năng khai thác thông tin. Nghề báo là một nghề được xã hội rất tôn trọng. Nhưng để được tôn trọng, để ngòi bút của mình được tung hô thì không phải dễ. Kỹ năng này rất quan trọng, nó giúp cho bạn có được thông tin chính xác, kịp thời nhưng vẫn để lại được hình ảnh thân thiện với những người cung cấp.
Ngoài ra những kiến thức về báo chí, về ngoại ngữ… thì khả năng sử dụng thành thạo máy tính, internet được đòi hỏi rất cao trong các tờ báo điện tử. Làm báo mạng thì bạn luôn phải là một “công dân @” thì mới có thểm nắm bắt được các thông tin từ nhiều ngóc ngách trên internet.
Một số địa chỉ dành cho bạn
Ở Việt Nam, chỉ có các trường công lập mới đào tạo chuyên ngành báo chí, ngoài ra các trường ngoài công lập không được giao nhiệm vụ đào tạo chuyên ngành này. Bạn có thể thi vào chuyên ngành này tại các trường Học viện Báo chí – Tuyên truyền (Hà Nội), ĐH KHXH&NV Hà Nội, ĐH Khoa học Huế, ĐH KHXH&NV TP.HCM. Riêng trường Học viện Báo chí – Tuyên truyền có đào tạo riêng chuyên ngành báo điện tử, còn các trường khác thì đào tạo Báo chí nói chung.
Bạn có cũng thể theo nghề báo nhưng không nhất thiết là phải học chuyên ngành báo chí. Bạn có thể học các chuyên ngành xã hội – nhân văn như Ngữ văn, Xã hội học, Nhân học, Giáo dục học, Lịch sử, Du lịch… hay thậm chí là các ngành Marketing, Quản trị Kinh doanh… Những chuyên ngành này sẽ bổ trợ cho công việc viết báo sau này lắm đó.
Kim Tuyến