(Hiếu học). Làm tình nguyện đã trở thành một phong trào đẹp của các bạn trẻ để thể hiện tấm lòng của mình với cộng đồng. Tuy nhiên, có những điều cần lưu ý để công tác tình nguyện thật sự là trải nghiệm quý giá. (Nhóm ‘Người tôi cưu mang’ chia cháo cho các bệnh nhân trong viện – Hình minh hoa)
“Làm tình nguyện cần nhất sự tận tâm”
Đó là lời khẳng định của bạn Lưu Bích Ngọc – người quản lý một nhóm cộng đồng trên mạng Facebook thường tổ chức nhiều hoạt động tình nguyện. “Hiện nay các nhà tuyển dụng thường đánh giá sinh viên mới ra trường không chỉ dựa trên học lực mà còn cả những hoạt động xã hội nữa, thế nên nhiều bạn có tâm lý tham gia nửa vời chỉ để đánh bóng hồ sơ cá nhân, trong khi các tổ chức lại rất cần những thành viên gắn bó lâu dài để hoạt động ổn định”, bạn nói.
Minh Trang, sinh viên Đại học Ngoại thương Hà Nội, thường dành hai lần mỗi tuần đến thăm các em nhỏ bị ung thư ở Bệnh viện Nhi Trung ương. Kể về công việc của mình, Trang cho rằng công việc này không vất vả như những bạn đi đến tận vùng núi xa xôi hẻo lánh, thế nhưng nếu không thực sự yêu việc thì rất khó trụ lại lâu dài. “Có một số bạn chuẩn bị xin học bổng đi du học nên vội vàng tìm đến bệnh viện xin làm việc nhưng chỉ được vài ba buổi là bỏ vì thấy chán”. Theo Trang, công việc nhìn bề ngoài tưởng đơn giản, chỉ việc tổ chức trò chơi cho các bệnh nhí là được nhưng thực chất mỗi tình nguyện viên lại phải kiêm thêm vai nhà tâm lý nữa. Đề làm được điều này thì cần có thời gian làm quen lâu dài và gắn bó với các em nhỏ, chứ không phải chỉ có vài buổi đến thăm là giải quyết được. “Các em khác hẳn với những gì bọn mình nghĩ trước khi đến chơi. Tuy mới 6, 7 tuổi nhưng các em đã hiểu rõ về hoàn cảnh hiểm nghèo của mình. Thế nên có những lúc đang chơi đùa vui vẻ tự dưng buồn ngay được. Khi đã quen rồi, bọn mình mới biết cách gợi chuyện, rồi lèo lái câu chuyện để các em không nghĩ ngợi lung tung”.
Quỳnh Hương, tình nguyện viên của một tổ chức giúp phẫu thuật cho những em nhỏ không may bị hở hàm ếch, thì nhớ mãi những trải nghiệm cùng các bác sĩ và những người bạn nước ngoài qua những chuyến đi đến các tỉnh ở miền Bắc để đem lại nụ cười cho các em. Đó là một tổ chức phi chính phủ có uy tín, thế nên rất nhiều bạn đăng ký xin làm tình nguyện. Tuy nhiên, vì không xác định rõ mục tiêu của mình khi tham gia nên một số bạn đã không thể theo hết chuyến đi, hoặc không quen việc chứng kiến những bệnh nhân hở hàm ếch. “Lúc mới gặp mình cũng hơi sợ nhưng khi tận mắt nhìn thấy các em rạng rỡ, vui vẻ hơn sau những ca phẫu thuật thành công thì mình thấy vui lây. Càng làm lâu mình càng cảm thấy yêu công việc”.
Phù hợp với khả năng của bản thân
Thu Hằng, sinh viên Đại học Hà Nội, đã từng tham gia nhiều nhóm tình nguyện, từ giúp đỡ trẻ em mồ côi, trẻ lang thang cho đến nạn nhân chất độc da cam. Tuy nhiên, Hằng lại quyết định không tham gia nhóm chăm sóc trẻ em tự kỷ khi nhận được lời mời từ một người bạn. Hằng cho rằng: “Tôi nghĩ trẻ em tự kỷ cần kỹ năng và kinh nghiệm về chăm sóc và đối xử hơi khác một chút. Có lẽ những bạn học các ngành xã hội như tâm lý, sư phạm tham gia thì sẽ phù hợp hơn. Tôi không có kỹ năng mà tham gia thì dễ hỏng việc lắm”.
Phương, phụ trách nhóm dịch thuật của tổ chức Việt Nam Xanh, chia sẻ: “Khi tổ chức mới ra đời thì nhóm mình nhận được đơn đăng ký của nhiều bạn nhất, thế nhưng cứ sau vài tuần các bạn nghỉ dần. Ai cũng nghĩ chỉ cần tiếng Anh khá một chút là dịch tốt nhưng thực tế công việc dịch thuật cũng đòi hỏi kinh nghiệm và sự hiểu biết mà phải trải qua thời gian rèn luyện lâu dài mới đạt được”.
Kiên nhẫn với tổ chức đã chọn
Bên cạnh các tổ chức phi chính phủ đã có thời gian hoạt động lâu dài, còn có những nhóm tình nguyện nhỏ lẻ do một số bạn thanh niên nhiệt tình tự lập nên. Vì thế những nhóm này thường gặp nhiều khó khăn trong bước đầu hoạt động như thiếu kinh nghiệm lãnh đạo, thiếu nguồn tài trợ, thiếu mục tiêu và kế hoạch rõ ràng.
Lê Xuân Lương, Chủ tịch Câu lạc bộ BC (British Council) Hà Nội, vẫn còn nhớ về những ngày đầu thành lập. Lúc ấy, mọi người rất hào hứng tham gia nhưng chỉ vài tháng sau thì mọi hoạt động của nhóm gần như đình trệ do thiếu tài trợ, thiếu phương hướng. Cả nhóm chỉ còn lại khoảng ba người nhưng vẫn kiên quyết gắn bó đến cùng. Đến nay sự kiên nhẫn của những thành viên trụ cột đã được đền đáp, BC Hà Nội đã vượt qua những khó khăn ban đầu và phát triển rộng khắp Hà Nội cũng như một số tỉnh phía Bắc với mạng lưới thành viên lên đến 300 người.
Tuyết Ngân là tình nguyện viên cho tổ chức Humanitarian Services for Children in Vietnam (HSCV). Ngân phụ trách việc dịch những bài viết về những chuyến đi, những buổi hoạt động của tổ chức và những cảnh đời bất hạnh tại Việt Nam sang tiếng Anh để gửi cho các nhà tài trợ và những nhà hảo tâm. Có một thời gian công việc ít hẳn đi, rồi hết việc để làm, lúc đầu Ngân hoảng hốt nhưng vẫn giữ liên lạc với chị phụ trách. Sau đó vài tháng, mọi hoạt động trở lại bình thường, Ngân vẫn được giữ lại làm việc và còn được đề bạt lên làm trưởng nhóm.
Theo kinh nghiệm của một số bạn trẻ đã và đang làm tình nguyện viên, không phải lúc nào bạn cũng có thể tìm được việc làm ổn định trong một tổ chức tình nguyện. Sẽ có những lúc nhịp độ làm việc của tổ chức chậm lại, khi đó các tình nguyện viên không có nhiều việc để làm. Những lúc đó, bạn đừng vội từ bỏ bởi đó không phải là dấu hiệu của việc tổ chức sắp giải thể mà chỉ là chưa có tài trợ hay đơn giản là dự án hiện tại đã hoàn thành và tổ chức đang chuẩn bị cho dự án mới. Hãy thường xuyên dõi theo tình hình hoạt động của tổ chức, giữ liên lạc với những người phụ trách và đợi đến khi tổ chức hoạt động ổn định trở lại, khi đó bạn sẽ không phải tiếc nuối với quyết định của mình.
Theo: Đi làm tình nguyện.(Lê thị Thu Trang/Bayvut).