Người hạnh phúc với công việc có năng suất làm việc cao hơn 31%, đạt doanh số kinh doanh cao hơn 37% và sáng tạo gấp 3 lần so với đồng nghiệp, theo nghiên cứu của tạp chíHarvard Business Review.
“Nhưng làm thế nào bạn biết mình hạnh phúc với công việc đó?” – Nathan Tanner – trưởng bộ phận nhân sự tại DoorDash, tác giả dòng sách chiến lược nghề nghiệp với cuốn best-sellingNot Your Parents’ Workplace, đặt vấn đề.
Khi còn là sinh viên, Nathan từng bị stress rất nhiều về việc liệu mình có chọn đúng nghề hay không. “Tôi chứng kiến rất nhiều người đau khổ trong công việc và tôi không muốn trở thành một trong số họ. Nhưng khi tìm kiếm lời khuyên từ gia đình, bạn bè, họ luôn khuyên tôi nênlàm thứ mình thíchhaytheo đuổi đam mê của mình. Không có lời khuyên nào là rõ ràng bởi khi đó tôi vẫn chưa biết mình thích gì và lo rằng sẽ không bao giờ tìm ra chúng”, ông nhớ lại.
Nathan thừa nhận, con đường sự nghiệp của ông chưa bao giờ bằng phẳng, nhưng nhờ vậy ông đã học được rất nhiều từ thất bại của mình. Một trong số đó là nhận ra cảm xúc của bản thân dành cho công việc.
Dưới đây là 5 câu hỏi giúp bạn nhận ra mình có đang hạnh phúc với công việc hiện tại hay không, được Nathan đúc kết từ kinh nghiệm bản thân:
1. Bạn nghĩ công việc sẽ giúp bạn hạnh phúc?
Hầu hết mọi người cho rằng một công việc tuyệt vời sẽ giúp họ thành công, từ đó sản sinh cảm giác hài lòng. Tuy nhiên, nghiên cứu của Neil Pasricha – tác giả cuốnThe Happiness Equation: Want Nothing + Do Anything = Have Everything, chỉ ra điều ngược lại. Chỉ khi bạn cảm thấy hài lòng, bạn mới làm việc tốt hơn từ đó thành công hơn. “Hạnh phúc là thứ đến trước tiên, không phải sau cùng”, ông viết.
Bản thân Nathan từng làm một công việc mà ông không hề thích. Mỗi tối về nhà, ông đều kể cho vợ nghe những thứ khiến ông phiền lòng. Sau đó, Nathan đi phỏng vấn tại một vài nơi khác với hy vọng tìm công việc mới tốt hơn. Nhưng khi mọi khó khăn trôi qua, ông bắt đầu suy nghĩ lại. “Tôi có hai lựa chọn, hoặc là vẫn giữ cảm giác không hài lòng với công việc, hoặc tìm mọi cách để cải thiện tình hình tốt hơn. Giải pháp thứ hai không hề dễ dàng, nhưng khi tôi chủ động thực hiện thì mọi thứ nhanh chóng được cải thiện đồng thời nhiều cơ hội nghề nghiệp mới được mở ra”, ông chia sẻ.
Điều này nghe có vẻ khác thường nhưng nếu bạn nghĩ có một sự nghiệp thành công sẽ giúp bạn hạnh phúc thì bạn sẽ nhận lại điều ngược lại. Hãy hạnh phúc với công việc trước, thành công sẽ đến sau.
2.Bạn có đang học hỏi và phát triển?
Trong cuốnFlow: The Psychology of Optimal Experiences, nhà tâm lý học Mihaly Csikszentmihalyi cho rằng, con người cần đối mặt với một khối lượng khó khăn nhất định mới thúc đẩy bản thân phát triển và thành thạo kỹ năng. Nhiều thách thức quá dễ khiến chúng ta nản lòng nhưng ít thách thức quá lại khiến mọi thứ trở nên nhàm chán.
Thực tế, khi con người làm một việc vượt quá khả năng hiện tại của họ, họ đang trải nghiệm một trạng thái ý thức thực sự hài lòng, còn được gọi là dòng chảy (flow). “Càng có nhiều dòng chảy kinh nghiệm trong công việc, chúng ta sẽ càng thấy hạnh phúc hơn”, Mihaly nói.
Hãy nghĩ về công việc hiện tại. Bạn có thường xuyên lo lắng, cảm thấy mọi thứ quá sức với mình? Trong trường hợp bản thân không phát triển đến mức như mong muốn, bạn sẽ làm gì để tiếp tục học hỏi? Quả thật, rất khó để bản thân cảm thấy hài lòng hoàn toàn tại nơi làm việc trong khi bạn đang trong trạng thái trì trệ.
3. Bạn có đang tận dụng lợi thế của mình?
Mọi người thường chỉ cố gắng khắc phục điểm yếu bản thân trong khi những người thành công còn tập trung vào phát triển thế mạnh riêng của mình, bậc thầy huấn luyện kỹ năng Marcus Buckingham chỉ ra.
Theo ông, làm việc dựa trên thế mạnh giúp cải thiện hiệu suất công việc, gia tăng nhiệt huyết và trở nên gắn kết hơn. Đi làm không có nghĩa chỉ cần làm tốt công việc được giao mà bạn cũng cần yêu thích chúng.
“Hãy tìm cách tận dụng thế mạnh tại nơi làm việc. Điều đó sẽ khiến chúng ta hạnh phúc hơn”, Marcus nói.
4. Đồng nghiệp có yêu quý và tôn trọng bạn?
Trong một lần phỏng vấn tại một ngân hàng đầu tư, Nathan có cơ hội gặp gỡ một trong những giám đốc điều hành ở đó – người mà “đã dạy cho tôi một bài học tuyệt vời về tình yêu công việc”, Nathan nhớ lại.
Trước khi trở thành chủ ngân hàng, nhà lãnh đạo đó cho biết từng là một nhà đầu tư mạo hiểm. Và Nathan đã hỏi tại sao ông lại “lấn sân” như vậy? Vị này đáp: “Tôi nhận ra, trong sự nghiệp của mình, làm việc với con người quan trọng hơn rất nhiều so với làm việc với con số. Việc tôi thành công như thế nào thực sự không quan trọng bằng việc được vây quanh bởi những con người tuyệt vời”.
Cuối cùng, Nathan đã chọn làm việc cho ngân hàng đó. Và mặc dù nhiệm vụ hằng ngày của ông chẳng khác gì so với công ty cũ nhưng “tôi đã làm tốt hơn rất nhiều. Làm việc với những người tuyệt vời tạo nên sự khác biệt hoàn toàn”, Nathan nói.
5. Bạn có tập trung vào những điều quan trọng nhất?
Trong cuốnHow will you measure your life,tác giả Clayton Christensen đã hướng dẫn một loạt phương pháp giúp xác định những điều ý nghĩa và hạnh phúc trong cuộc sống.
Theo đó, chúng ta có thể nói ra mọi ước muốn trong đời nhưng chúng sẽ chẳng có nghĩa lý gì nếu không được đầu tư thực hiện một cách nghiêm túc và nhất quán với định hướng cuộc đời.
Christensen chỉ ra, niềm hạnh phúc lâu dài nhất nằm ở mối quan hệ của bạn với gia đình và bạn bè. Ông nhận ra điều này trong một vài năm sự nghiệp, “khi tôi phải làm việc 80 giờ/tuần và hiếm có thời gian ở bên vợ cùng đứa con mới một tuổi”. Sau đó ông tự căn dặn bản thân rằng hai người họ là ưu tiêu hàng đầu trong cuộc sống. Nhưng rồi mọi thứ đâu lại hoàn đấy khi ông không thể dứt ra khỏi công việc.
Khi nhận ra tình trạng này là nguyên nhân gây ra sự bất hạnh, Christensen đã ngay lập tức bỏ việc và tìm kiếm công việc mới. Vài tháng sau, ông làm ở vị trí mới, nơi ông có thể dành nhiều thời gian hơn vào những điều quan trọng nhất đời mình.
Đôi lúc trong cuộc sống, chúng ta phải trải qua thất bại trước khi đạt đến thành công. Nếu bạn nói “không” với 5 câu hỏi trên thì cũng đừng căng thẳng. Hãy làm những thứ mà bạn có thể học hỏi và phát triển kỹ năng, từ đó tìm ra và phát huy thế mạnh của mình bên cạnh việc đồng hành cũng những con người tài giỏi.
Thay vì từ bỏ một công việc không hài lòng, hãy xem những câu hỏi nào trong số trên mà bạn có thể bắt đầu bằng “Có” ngay cả khi điều đó khiến bạn tốn chút thời gian mới đạt được.
Vì cuộc sống này quá ngắn ngủi để ghét bỏ công việc, bạn nên cố gắng làm chủ nó, đó cũng là cách tạo cơ hội cho bản thân làm những điều yêu thích.
VÂN THẢO (theo The Muse)/(DNSG)