Bài học trường đời quan trọng nhất

(hieuhoc_hieuhoc.com) Học cách đánh giá, tiếp thu thông tin có chọn lọc và hiệu quả là một trong những bài học trường đời quan trọng nhất: Tránh thị phi và không để những kẻ tiêu cực làm thui chột ý chí!

“Cuộc đời, dù tang tóc, nhiễu nhương và hữu hạn, vẫn có ý nghĩa. Ý nghĩa duy nhất của cuộc đời là nhận thức của con người” – (Márai Sándor)

Tiếp sau bài – “10 gợi ý về cách đánh giá thông tin trên Internet”, dưới đây là một vài ví dụ từ thực tế về cách tiếp nhận thông tin và loại bỏ tiêu cực.

Đừng vội tin những điều “khoác áo” khoa học!

Tâm lý chung của thanh niên chúng ta vẫn là người lớn chỉ bảo, trẻ nghe theo. Nhưng thay vì được hướng dẫn để có được sức khỏe tinh thần lành mạnh, chúng ta luôn bị bủa vây bởi những hứa hẹn viển vông của các công ty quảng cáo, lắm phim ảnh ẩn nhiều chuyện phi giáo dục…

Ngay cả những thông tin từ những nguồn truyền thông với các tuyên ngôn: “Giáo dục, mở rộng tầm nhìn, nâng cao trình độ dân chúng…” cũng chơi trò trá hình khoa học! Từ những bài “khoa học vớ vẩn” như “Ăn gì để đẹp trai?”, cho đến những thông tin “khoa học mơ hồ” có tác động rất xấu làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhận thức về thế giới của chúng ta, ví dụ như: “Theo nghiên cứu ở Đức, nếu ngày nào cũng nhìn ngắm cặp nhũ hoa của các phụ nữ, và nên kiếm những bộ ngực lớn một tí rồi nhìn vào đấy mỗi ngày 10 phút thì bảo đảm sẽ sống thọ” (?) – Chà! Chắc mấy ông chuyên “rình” phụ nữ thì “sống thọ” lắm đây… (Ngắm ngực phụ nữ thêm tuổi thọ!) Vì thế, trước các loại thông tin khoác áo khoa học để “câu khách” như vậy, nếu chúng ta có đọc thì cũng chỉ để giải trí và bỏ qua, tuyệt đối đừng vội tin!

– Chuyện thị phi và tâm lý bầy đàn.

Thời gian gần đây, sự kiện “Wikileaks.org” – Assange, một người mang quốc tịch Australia công bố hàng loạt tài liệu quân sự mật về cuộc chiến của Mỹ ở Iraq và Afhghanistan, đã được nhiều người trong giới truyền thông xưng tụng như một vị “anh hùng”. Nào là: Nhân vật tiêu biểu, người của công lý, thành công lớn nhất thời đại…, một số người còn ca ngợi WikiLeaks là ngọn hải đăng vụt sáng, phát đi ánh sáng của tự do…

Nhưng, “là anh hùng” hay “khổ nhục kế” thì làm sao biết được? Bạn thử nghĩ xem, bây giờ họ ca ngợi đó là “người anh hùng của công lý”, nhưng có ngày “anh hùng” bổng nhiên công bố các tin “mơ hồ” làm nguy hại cho chính quê hương của những người đã (lỡ) ca ngợi hết lời, thì sao? – Chuyện thị phi, mắt thấy tai nghe ngay trước mũi còn chưa dám chắc huống hồ là chuyện “ảo” trên mạng. Vì thế, khi tiếp nhận thông tin, nếu thông tin “thị phi” mình nhận được nằm ngoài sự kiểm soát, vượt quá hiểu biết và khả năng của mình, thì tốt nhất là đứng ngoài quan sát, đừng hùa theo kiểu bầy đàn, tránh “mắc quai” – khó gỡ sau này…

Đừng để những kẻ bi quan làm thui chột ý chí!

Có những người không muốn để con cháu xây dựng sự nghiệp, hoặc họ muốn ra vẻ “sành sõi”: Họ nói rằng bạn không thể thành công đâu, nên hãy bỏ cuộc đi! – Học làm gì, bởi bạn thuộc dân tộc kém thông minh mà! – Học làm gì, người Việt có học nhiều, có ham học thì cũng chỉ là người Việt “hiếu danh” mà thôi! – Hoặc, học làm gì, rằng môi trường xã hội cản trở nhân tài, xã hội chỉ thích sử dụng người xu nịnh!… Rõ ràng, nếu không nhận biết, bạn sẽ mất niềm tin, sẽ chán nản vì cảm thấy rằng mình đang bị và sẽ bị “chôn vùi” (dưới đống thông tin tiêu cực như thế!)

Cho nên, khi tiếp nhận loại thông tin này, bạn hãy xem xét trong đó có được bao nhiêu phần là tích cực, nó có biện pháp xây dựng thực tiễn nào không, nó có góp ý cho bạn được một cách làm nào tốt hơn (dù là chút xíu) hay không? Hay đó chỉ là kiểu “la làng”, do họ muốn “tạo hư danh trên cộng đồng mạng”, muốn được nổi tiếng và làm ra vẻ “ta đây!”…

Hãy đánh giá, chọn lọc thông tin để học, để tự tin vào bản thân hơn trong tương lai!

Truyền thông chính là phương tiện tốt để phát triển trí tuệ của chính mỗi người. Nhưng chúng ta phải nhận biết, phân biệt tính tích cực và tiêu cực của thông tin. Không để công cụ truyền thông tiêu cực biến mình trở thành nạn nhân của đồi trụy, bạo lực và là “con rối” trong tay các bài báo “vô lương”.

Ví như, cuộc sống phải có lúc này lúc kia, người này người nọ. Nhưng hiện nay, không thiếu những bài viết nhặt nhạnh các chuyện “bê bối”, các tình huống ứng xử sư phạm non kém của thầy cô…, cả chuyện có thật và không có thật, được làm rùm beng như là sự thiếu nhân cách của toàn ngành giáo dục? – (Nhìn thầy cô giáo và thầy hiệu trưởng như kẻ thù và coi những kẻ côn đồ là bạn?)

Những ảnh hưởng tác động của nó tới tâm lý, nhận thức xã hội đối với con người, đặc biệt là giới trẻ chúng ta là không nhỏ. Một khi mất niềm tin vào thầy cô giáo và những người hướng dẫn của chính mình, những ước mơ của chúng ta dễ dàng sụp đỗ. Và nếu chúng ta không nghĩ rằng thầy cô quan tâm đến mình hoặc cứ thấy cuộc đời u ám như vậy thì làm sao chúng ta có thể mong đợi rằng mình sẽ có đủ niềm tin?

Nhưng, (*) lúc trò chuyện với những nhà giáo trẻ, GS.NGND Hoàng Như Mai cho biết, thầy gửi vào những nhà giáo trẻ một niềm tin mãnh liệt về nền giáo dục nước nhà dù cũng còn không ít băn khoăn. Thầy nói: “Chúng ta có niềm tin, dù vẫn còn những chuyện làm mọi người bức xúc như trò đánh thầy, nhưng truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc ta sẽ giúp chúng ta có niềm tin vào tương lai”. Và thầy gửi gắm: “Tương lai đất nước tùy thuộc vào các anh chị đấy”.

Có một ngọn lửa vô hình đã được đốt lên và âm thầm lan tỏa trong bao trái tim yêu nghề và đầy nhiệt huyết của những nhà giáo trẻ… Các nhà giáo trẻ tiêu biểu đến thăm và chúc mừng giáo sư, nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai tại nhà riêng chiều 14-11 – (Ảnh: Minh Đức/Báo Tuổi trẻ)

Bài học trường đời quan trọng nhất

Vì thế, thế hệ trẻ chúng ta nên biết cách đánh giá thông tin để có cái nhìn toàn diện hơn về tình hình đất nước, những gì được và chưa được. Không phải thanh niên chưa có địa vị là không thể làm nên những điều có ý nghĩa, chỉ cần chúng ta có niềm tin để rèn luyện và xây dựng nhiệt huyết. Từ đó, mỗi chúng ta sẽ tìm thấy động lực và trách nhiệm muốn làm điều gì đó, dù nhỏ bé để đóng góp vào những sự thay đổi lớn hơn, mang tính cộng hưởng và lan rộng ra cả cộng đồng.

Và để xây dựng niềm tin thì học cách đánh giá, tiếp thu thông tin có chọn lọc và hiệu quả là một trong những bài học trường đời quan trọng nhất. Một khi không thể biết được, không thể chọn lựa được những điều tốt đẹp trong hàng triệu triệu thông tin, thì điều duy nhất mà chúng ta có thể làm không gì khác hơn là phải nhận biết thông tin mà mình nhận nhận được đó: – “Nó tác động với mình như thế nào”? Có giúp cho mình học thêm được điều hay, lẽ phải gì không? Có giúp cho mình lạc quan, thư giãn, thêm niềm tin, yêu cuộc sống… Hay đó chỉ là những thông tin tiêu cực, “vô lương” với mục đích làm bại hoại, làm nản lòng và làm thui chột ý chí chúng ta?

Văn Học Trò tổng hợp (hieuhoc_hieuhoc.com)

(*) Tài liệu tham khảo:

– Giữ ngọn lửa nghề cháy mãi (Báo Tuổi Trẻ)

http://teen.tuoitre.vn/Index.aspx?ArticleID=410969&ChannelID=13

– Vài ví dụ lấy theo một số thông tin gần đây (tháng 11/2010) từ truyền thông trong nước

– Sách “Người gieo hy vọng”/(Thaihabooks)

Cùng chuyên mục