Hiện nay, ở nhiều thành phố lớn của Việt Nam đã hình thành những trung tâm được gọi là “bác sĩ gia đình”, được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động, phục vụ theo yêu cầu của bệnh nhân. Tuy nhiên, y học định nghĩa về “bác sĩ gia đình” lại hoàn toàn khác, chữa bệnh tại nhà chỉ là một hoạt động rất nhỏ của y học gia đình.
Bác sĩ gia đình là những người khám – chữa bệnh theo yêu cầu và phục vụ người bệnh tận nhà. (Hầu như mọi người ngoài ngành y đều nghĩ thế). Dịch vụ này đã có lịch sử tồn tại lâu dài. Trước đây, bác sĩ gia đình thường là những người phục vụ cho tầng lớp thượng lưu theo thỏa thuận cá nhân. Hiện nay, ở nhiều thành phố lớn của Việt Nam đã hình thành những trung tâm được gọi là “bác sĩ gia đình”, được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động, phục vụ theo yêu cầu của bệnh nhân. Tuy nhiên, y học định nghĩa về “bác sĩ gia đình” lại hoàn toàn khác.
Theo PGS-TS-BS Phạm Lê An – Trưởng Trung tâm Đào tạo Bác sĩ gia đình ĐH Y Dược TP.HCM, chữa bệnh tại nhà chỉ là một hoạt động rất nhỏ của y học gia đình. Y học gia đình là y học lâm sàng nhưng có định hướng dự phòng bệnh thông qua khám tầm soát, theo dõi suốt đời các vấn đề sức khỏe thông thường cho mọi lứa tuổi của các thành viên trong gia đình, các dịch vụ này do các BS chuyên khoa y học gia đình đảm nhận.
Chuyên khoa của đa khoa
Nhân kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2) xoay quanh đề tài “bác sĩ gia đình”. BS An cho biết:
– Bác sĩ gia đình (BSGĐ) là đội ngũ thầy thuốc được đào tạo về chuyên ngành Y học gia đình – một chuyên ngành y khoa ra đời trong thập niên 60 của thế kỷ trước. Lực lượng này chủ yếu thực hành tại phòng khám ngoại trú ở các tuyến y tế trong mạng lưới y tế.
BSGĐ phục vụ tất cả các đối tượng, chứ không phải chỉ riêng người giàu như cách hiểu thông thường. Và trong thực tế, người nghèo càng cần BSGĐ.
Bởi, người nghèo vừa không có điều kiện tiếp cận thông tin để có thể tự bảo vệ sức khỏe của bản thân, vừa không có khả năng về tài chính để sử dụng dịch vụ y tế. Họ thường chỉ tìm đến bệnh viện khi có bệnh và tình trạng bệnh đã trở nặng.
BSGĐ là những người mà bệnh nhân tiếp cận sớm ngay khi họ có triệu chứng mơ hồ, định hướng điều trị cho họ, hướng dẫn họ tuân thủ quy trình điều trị.
Và quan trọng hơn, thông qua người bệnh, BSGĐ tiếp cận những người chưa phát hiện bệnh trong gia đình, để giúp họ dự phòng, bảo vệ sức khỏe của bản thân, của cộng đồng.
* Như vậy có thể hiểu BSGĐ là những bác sĩ đa khoa (như thường gặp ở các phòng khám đa khoa)?
– Nói một cách chính xác, BSGĐ là đội ngũ thầy thuốc chuyên khoa của đa khoa, tức là BS đa khoa đi học chuyên khoa Y học gia đình.
Chương trình đào tạo BSGĐ có một số điểm khác biệt.
Thứ nhất, người học BSGĐ được trang bị đầy đủ kiến thức về điều trị nội trú các chuyên ngành nội khoa, ngoại khoa, sản khoa và nhi khoa, về các vấn đề sức khỏe thông thường, nhưng họ không học chuyên sâu.
Họ được trang bị chỉ vừa đủ để nhận biết và có hướng xử trí được các bệnh thông thường (như suyễn, nhiễm trùng, viêm hô hấp, đái tháo đường, tăng HA, gan, thận mạn, phổi mạn tính…).
Điều quan trọng là họ được truyền đạt kinh nghiệm thực hành bởi đội ngũ giảng viên là những người có bề dày kinh nghiệm thực tế trong từng chuyên khoa.
Người học BSGĐ được tiếp nhận những kinh nghiệm quý trong quá trình khám – chữa bệnh từ các thầy của mình để có thể thực hành tốt tại phòng khám ngoại trú có bệnh án y học gia đình.
Thứ hai, mỗi năm từ 2-3 lần, các bác sĩ đã ra trường được triệu tập để cập nhật kiến thức chuyên ngành, tiếp tục bổ sung kinh nghiệm cũng với những người thầy giỏi chuyên môn và giàu kinh nghiệm thực tiễn.
Và, như các chuyên khoa khác (Nội, Ngoại, Sản, Nhi), BSGĐ cũng được nâng cao trình độ bằng cách tham gia các bậc đào tạo chuyên khoa 1, chuyên khoa 2, cao học.
* Vậy việc hành nghề của BSGĐ có gì khác so với BS đa khoa và chuyên khoa, thưa BS?
– BSGĐ là những thầy thuốc điều trị ngoại trú khá giỏi, đòi hỏi BS phải có kinh nghiệm lâm sàng để định hướng cho bệnh nhân đi đúng chuyên khoa cần khám, và điều trị bước đầu như các chuyên khoa.
Do vậy, BSGĐ phải là những thầy thuốc có thể xử lý những bệnh thông thường “chắc tay” như BS chuyên khoa, để có thể xác định đúng nguyên nhân của triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải, từ đó đưa ra phương cách điều trị chuẩn bước đầu như một thầy thuốc chuyên khoa.
Quy trình điều trị chuyên khoa thông thường là thầy thuốc xác định đúng bệnh thuộc chuyên khoa – cho toa thuốc – tái khám – cho toa thuốc tiếp, cho đến khi bệnh nhân không trở lại gặp bác sĩ nữa. Cách chữa trị của BSGĐ có điểm khác. BSGĐ rất chú trọng đến hiệu quả điều trị.
Chúng ta biết, hiệu quả điều trị không chỉ dựa vào hướng dẫn của bác sĩ mà còn phụ thuộc vào sự tuân thủ của bệnh nhân cũng như sự hỗ trợ từ những người và môi trường xung quanh.
Vì vậy, BSGĐ không chỉ căn cứ vào kết quả chẩn bệnh để cho thuốc, mà còn quan tâm đến hoàn cảnh cụ thể của cá nhân bệnh nhân (điều kiện thể chất, tài chính, tâm lý, mối quan hệ với các thành viên khác trong gia đình, môi trường sống…).
Ngoài một toa thuốc phù hợp với điều kiện cá nhân của bệnh nhân, BSGĐ còn có những hướng dẫn chi tiết đối với bệnh nhân và với cả những người trong gia đình bệnh nhân về chế độ sinh hoạt, ăn uống… để đảm bảo vừa điều trị được bệnh cho bệnh nhân, vừa dự phòng bệnh cho những người trong gia đình bệnh nhân.
Nói ngắn gọn, BSGĐ sẽ chăm sóc cho bệnh nhân một cách toàn diện bao gồm xác định nguy cơ sức khỏe và kế hoạch can thiệp suốt đời.
Tăng hiệu quả – giảm chi phí
* Làm thế nào để người bệnh tiếp cận với đội ngũ BSGĐ?
– Đó là một câu hỏi mà chính chúng tôi – những người được đào tạo về chuyên ngành y tế gia đình cũng đang mong có câu trả lời.
Từ năm 2003, được sự chấp thuận của Bộ Y tế, Trường ĐH Y Dược TP.HCM đã bắt đầu đào tạo ngành này. Đến nay đã được 11 khóa. Cho đến nay, hệ thống các trường y trên cả nước đã đào tạo khoảng 500 BSGĐ.
Và mặc dù chúng tôi vẫn thường xuyên cập nhật kiến thức, kinh nghiệm cho đội ngũ này, nhưng cho đến nay họ vẫn chưa được hành nghề một cách đúng nghĩa, vì Việt Nam chưa tổ chức được một hệ thống y tế gia đình khám chuyển bệnh và quản lý ở các tuyến.
* Phải chăng những người đã được đào tạo BSGĐ hiện đều… thất nghiệp?
– Tất nhiên không phải vậy. Họ vẫn là những bác sĩ thực thụ, đủ điều kiện hành nghề chữa bệnh. Và thực tế họ đang làm việc như vậy. Chỉ có điều, chúng ta chưa có môi trường cho họ được hành nghề đúng với mục tiêu của chuyên ngành này mà thôi.
* Mục tiêu ấy là gì, thưa BS?
– Hoạt động y tế gia đình nhằm tăng hiệu quả và giảm chi phí điều trị. Cụ thể, BSGĐ có thể giúp bệnh nhân và gia đình họ giải quyết 80% các vấn đề sức khỏe thông thường cùng các bệnh lý cấp hay mạn chưa có biến chứng cũng như chưa cần chuyển khám chuyên khoa.
Từ đó giảm áp lực cho các chuyên khoa, hạn chế tối đa tình trạng chuyên gia khoa ngoại đi mổ… ruột thừa (một dạng tiểu phẫu đơn giản nếu được phát hiện kịp thời), để những người làm chuyên khoa có điều kiện nghiên cứu khoa học, tìm các giải pháp điều trị các bệnh kháng trị.
Việc xác định được các giải pháp điều trị ngay từ đầu cũng giúp giảm chi phí cho bệnh nhân (do không phải chuyển lên “tuyến trên”), và tăng hiệu quả điều trị do áp dụng các biện pháp tăng cường sức khỏe song song với liệu pháp dùng thuốc.
BSGĐ điều trị luôn có hồ sơ bệnh án. Đây là một lợi thế cho những người theo dõi sức khỏe qua hệ thống y tế gia đình. Hồ sơ bệnh án này sẽ giúp bác sĩ chuyên khoa nhanh chóng quyết định hướng điều trị cho bệnh nhân mà không cần phải mất thời gian khám – xét nghiệm lại.
Điều này hết sức quan trọng khi người bệnh phải nhập viện trong trường hợp khẩn cấp, khi từng giây từng phút có thể quyết định tình trạng sinh tử của người bệnh.
Một điểm quan trọng nữa, BSGĐ được đào tạo để giúp cộng đồng phát hiện sớm nguy cơ bệnh tật để phòng ngừa, tầm soát định kỳ các bệnh lý có nguy cơ cao theo nhóm tuổi, theo cộng đồng dân cư…
Và, thế giới đã chứng minh tính hiệu quả của việc kết hợp giữa y tế gia đình và bảo hiểm y tế. Các BSGĐ, bằng hoạt động nghiệp vụ của mình sẽ loại trừ hiệu quả những hình thức khám / xét nghiệm không cần thiết, giảm đáng kể chi phí cho bảo hiểm y tế.
* Theo BS, làm thế nào để phát huy tính tích cực của loại hình y tế này?
– Theo tôi được biết, Bộ Y tế và các ban ngành chức năng cũng đã có định hướng về việc xây dựng mô hình kết hợp y tế gia đình với bảo hiểm y tế. Riêng ĐH Y Dược TP.HCM cũng đã bắt đầu triển khai mô hình kết hợp với các cơ sở y tế để đưa vào hoạt động phòng khám gia đình.
Hiện chúng tôi đã có 3 phòng khám tại TP.HCM, hoạt động theo khuôn mẫu của BSGĐ trong khuôn khổ một phòng khám đa khoa của tư nhân, có gói khám, có bệnh án y học gia đình để thực hành.
Tại bệnh viện Đại học Y Dược có một phòng khám theo mô hình thông thường (dành cho đối tượng ở các tỉnh).
* Rất mong là những dự án này sớm trở thành hiện thực. Xin cảm ơn BS về những chia sẻ.
Theo: PHƯƠNG THANH (DNSG)