Đó là câu danh ngôn mà bác sĩ Lê Ngọc Diệp thích nhất. Gặp Ngọc Diệp lần đầu bạn sẽ không biết chị ấy là một bác sĩ đâu, vì nhìn chị khá trẻ trung, có phần… hơi “điệu” nữa.
Vậy mà chị đã làm bác sĩ ở bệnh viện Từ Dũ gần 8 năm rồi đấy. 8 năm trong nghề với ăm ắp những kỉ niệm vui buồn, những trăn trở về nghề nghiệp…
“Gặp tụi chị rồi em cứ mạnh dạn nói đi!”
Đó là câu động viên thường xuyên của chị khi tham gia tư vấn cho các bạn thanh niên công nhân, đặc biệt là các bạn trẻ vị thành niên, vì ở tuổi này các bạn thường ngại nói đến sức khỏe sinh sản. Chị bức xúc: “Gặp các bạn mới thấy teen bây giờ hiểu sai về sức khỏe sinh sản quá nhiều!”.
Chị Lê Ngọc Diệp là một trong 22 cá nhân sẽ được Thành Đoàn TP.HCM tặng Giải thưởng Phạm Ngọc Thạch lần I trong Lễ tuyên dương Thầy thuốc trẻ tiêu biểu năm 2009, diễn ra vào 25/2 tại Nhà Hát Thành Phố. |
Có những em đã mang thai nhưng vẫn khăng khăng là mình không bị gì vì “em đã uống đến 2 viên thuốc sau khi quan hệ”. Điều chị và các bác sĩ làm công tác tư vấn ở bệnh viện Từ Dũ cảm thấy vui nhất là càng ngày các bạn trẻ càng mạnh dạn nêu lên những vấn đề của lứa tuổi mình hơn, chị và các bác sĩ tư vấn khác đã trở thành điểm tựa, ít nhất là về mặt tinh thần cho các bạn, đúng như lời thề Hi-po-crat mà các sinh viên y khoa đã từng đọc to trước khi ra trường.
Thừa thắng xông lên, trong năm 2009, chị và các y bác sĩ trẻ tình nguyện của bệnh viện Từ Dũ dự định sẽ tư vấn cho hơn 2000 lượt ngừơi, cũng là đối tựơng thanh niên công nhân và tuổi mới lớn.
Nhật kí của bác sĩ
Một trong những công trình thanh niên của chi đòan Phòng khám bệnh viện Từ Dũ do chị làm chủ nhiệm là Quyển Nhật kí làm Theo Lời Bác. Chị gọi đó là những giây phút lắng đọng sau những lúc “căng như dây đàn”. Có khi là một chút tâm sự của cô bạn đồng nghiệp trẻ vì đựơc “đàn anh đàn chị” giúp đỡ, sự xúc động của một nữ hộ sinh khi đựơc người nhà bệnh nhân lên tái khám tặng một nải chuối hoặc mấy trái mảng cầu, đến những suy nghĩ của một bác sĩ trẻ khi lần đầu cầm dao mổ… Còn chị, chị ghi vào nhật kí chuyện kể của một người mẹ đã dũng cảm sinh con khi đã gần 50 tuổi. Đứa con trai duy nhất của sản phụ này mang một chứng bệnh nan y nên chị ta cần sinh thêm và nuôi dữơng đứa thứ 2 để sau này sẽ hỗ trợ về mặt y học cho anh mình khi cần thiết. Lần ấy, dù là ca mổ khó nhưng chị cảm thấy mình tràn đầy quyết tâm và can đảm khi vào cuộc.
Mỗi lần đọc lại nhật kí, chị và đồng nghiệp thấy yêu hơn công việc của mình
Niềm vui hay sự vất vả, đó là công thức đơn giản của tất cả những ngừơi làm trong ngành y. Với các bác sĩ sản khoa như chị, niềm vui đó còn lớn hơn gấp nhiều lần. “Cảm giác bồng một em bé trên tay, nhìn nó he hé mắt nhìn mình rồi cất lên những tiếng khóc đầu tiên bao nỗi vất vả, bấy nhiêu cái xì-trét cũng như tan biến đi!”, chị tâm sự.
Theo Hoàng Thụy (Mực Tím)