Cách đây 6 tuần, không ai biết bà Yingluck Shinawatra là ai nhưng giờ đây, bà sẵn sàng làm nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan.
Bà Yingluck là một trường hợp hiếm thấy trong chính trường Thái Lan. Làm chính khách chưa đầy 2 tháng với tư cách là chủ tịch Đảng Pheu Thai (Vì người Thái), bà đã đưa đảng của mình lên cầm quyền với số phiếu áp đảo.
Thắng lợi của Pheu Thai cũng khá đặc biệt bởi vì đây là lần thứ hai trong lịch sử bầu cử Thái Lan mới có một đảng chiếm đa số ghế trong quốc hội để có thể tự đứng ra thành lập chính phủ. Công này được cho là nhờ sức thu hút mạnh mẽ của bà Yingluck.
Người con gái út giỏi giang
Trong số 9 anh chị em nhà Shinawatra, Yingluck là con út kín đáo, nhã nhặn nhất. Một tấm ảnh trắng đen chụp lúc 12 tuổi, cho thấy nữ sinh Yingluck hồn nhiên, tươi tắn xung phong cầm cờ đội bóng của trường.
Ngày nay, mặc dù đã 44 tuổi, bà Yingluck vẫn giữ được nét tươi tắn như ngày nào và sẵn sàng nhận trọng trách mới đầy quyền uy: Nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan.
Người Thái gọi bà là người phụ nữ “xinh đẹp, giàu có và khôn ngoan” (Suai, ruai, keng, theo tiếng Thái). Xinh đẹp vì bà là người mang hai dòng máu Thái và Hoa. Nguồn gốc sự giàu có bắt nguồn từ thời ông nội của bà vốn là con trai của một di dân người Hoa gốc Mai Châu, tỉnh Quảng Đông, cưới một người Thái ở tỉnh Chanthaburi, lấy tên Thái là Shinawatra mở xưởng tơ lụa Shinawatra Silk, kinh doanh ngành xây dựng, ngân hàng và bất động sản.
Ông Lert, cha của bà Yingluck, sinh tại Chiang Mai năm 1919, lấy con gái của công chúa Jantip Na Chiang Mai. Năm 1968, ông tham gia chính trường, trở thành đại biểu quốc hội đại diện tỉnh Chiang Mai.
Sau một thời gian làm phó chủ tịch Đảng Tự do, nay đã giải tán, ông từ giã chính trường năm 1976, mở cửa hàng cà phê, trồng cam và hoa, xây 2 rạp chiếu phim, một trạm xăng dầu, mở đại lý kinh doanh xe hơi và xe máy.
Sinh ra và lớn lên ở Chiang Mai, bà Yingluck học trường nữ Tiểu học Regina Coeli và Trung học Yupparaj. Sau đó, bà tốt nghiệp cử nhân khoa chính trị và hành chính công Trường Đại học Chiang Mai năm 1988 và thạc sĩhành chính công chuyên khoa quản trị hệ thống thông tin Trường Đại học Kentucky (Mỹ) năm 1991.
Lúc này, ông Thaksin, anh cả của bà, trở thành một trong những người giàu nhất Thái Lan, đứng đầu Shin Corp, tập đoàn viễn thông lớn nhất của nước này.
Theo truyền thống người Thái gốc Hoa, bà Yingluck khởi nghiệp trong công ty của gia đình. Ba năm sau, bà trở thành tổng quản lý Rainbow Media, chi nhánh của Công ty Truyền hình IBC (tiền thân của TrueVisions).
Năm 2002, bà rời khỏi ghế phó tổng giám đốc IBC để ngồi vào ghế tổng giám đốc (CEO) AIS, công ty mạng điện thoại di động lớn nhất Thái Lan. Lúc này, ông Thaksin mới trở thành thủ tướng Thái Lan nhiệm kỳ đầu tiên.
Sau khi Shin Corporation (công ty mẹ của AIS) bán tất cả cổ phầncho Công ty Temasek Holdings (Singapore), bà rời khỏi AIS nhưng vẫn giữ chức giám đốc điều hành SC Assat Co Ltd, công ty phát triển bất động sản của gia đình.
Nghĩa vụ làm em
Việc tham gia chính trường không nằm trong kế hoạch tương lai của bà Yingluck. Tuy nhiên, sau khi ông Thaksin bị đảo chính năm 2006 và bị kết án 2 năm tù về tội lạm quyền, phải sống lưu vong từ năm 2008, bà chịu sức ép từ ông anh cả lớn hơn bà đến 18 tuổi, nói đúng hơn là nghĩa vụ đối với dòng họ Shinawatra.
Sau khi Đảng Sức mạnh Nhân dân (PPP) của ông Thaksin bị giải tán năm 2008 theo lệnh của Tòa án Hiến pháp Thái, những người trong đảng thành lập Đảng Pheu Thai. Bà Yingluck được yêu cầu làm chủ tịch đảng nhưng bà thẳng thắn từ khước với lý do không muốn làm thủ tướng, chỉ muốn làm doanh nhân.
Có vẻ như bà Yingluck sợ cuộc sống gia đình đang ấm êm của bà bị xáo trộn. Bà là một người rất gắn bó với gia đình. Chồng bà, ông Anusorn Amornchat, là giám đốc điều hành M Link Asia, một công ty viễn thông của Tập đoàn Shinawatra. Hai người có một con trai kháu khỉnh tên Supasek. Dấn thân vào chính trị, trở thành người của công chúng, đời tư của bà sẽ bị soi mói.
“Tôi chưa sẵn sàng từ bỏ cuộc sống (gia đình) của tôi, nhất là hạnh phúc của con trai tôi, để đổi lấy cương vị đứng đầu danh sách đảng tham gia bầu cử” – bà Yingluck từng tuyên bố như vậy hồi đầu năm 2011.
Nghe phong thanh có bầu sử sớm trong năm 2011, Đảng Pheu Thai thảo luận sôi nổi chung quanh việc chọn thủ lĩnh mới. Một lần nữa, bà Yingluck được yêu cầu làm người chèo lái Đảng Pheu Thai. Ngày 28-1-2011, bà Yingluck tiếp tục từ chối với lý do như trên.
Tuy nhiên, theo những công điện mật ngày 25-11-2009 của Eric John, Đại sứ Mỹ tại Thái Lan, mà trang web WikiLeakstiết lộ hồi năm ngoái, thì bà Yingluck đã sẵn sàng cho một sự nghiệp chính trị nghiêm túc từ đầu năm 2009. Trong nhiều lần gặp gỡ bà Yingluck, Đại sứ John tin rằng cô em gái của ông Thaksin có thể trở thành thủ tướng tương lai của Thái Lan.
Ông John đã đi kết luận trên sau khi nghe bà Yingluck trình bày “chiến lược, chiến thuật và mục tiêu” của Đảng Pheu Thai một cách tự tin. Công điện của Đại sứ John còn kể bà Yingluck từng nói: “Một ai đó có thể dễ dàng nổi lêntương đối muộn trong cuộc chơi, nắm lấy một đảng và trở thành thủ tướng mới”.
Quyết định cuối cùng đưa bà Yingluck vào cuộc là của ông Thaksin, lãnhtụ Đảng Pheu Thai trên thực tế, – theo Bangkok Post/(NLDO)