Giáo Dục Đại Học: Bất Cập Tại Học Phí

Trong hội nghị giao ban trực tuyến khối các trường đại học, cao đẳng ngày 17/5 vừa qua tại 4 thành phố lớn, Bộ GD&ĐT đã chỉ ra rất nhiều bất cập trong giáo dục khu vực này. Trong khi đó, phía các nhà trường cho biết: “Đang chuẩn bị phương án tăng học phí”.

Việc xây dựng hệ thống chương trình đào tạo không theo kịp tốc độ thành lập mới và mở rộng quy mô đào tạo của các trường.

Tuyển sinh mà chưa biết dạy gì

Đến cuối tháng 4/2008, vụ Giáo dục Đại học mới nhận được chương trình đào tạo của 271 trường đại học, cao đẳng và học viện. Còn 81 trường chưa nộp chương trình về bộ. Theo thứ trưởng Bành Tiến Long: “Trừ 27 trường mới thành lập, có tới 54 cơ sở giáo dục đại học đã tổ chức đào tạo nhưng lại chưa có chương trình”.

Bên cạnh đó, nội dung chương trình cũng còn quá nhiều khiếm khuyết. Hầu hết chương trình đào tạo còn rất chung chung, không phù hợp, không xác định các yêu cầu về kiến thức kỹ năng của sinh viên sau khi học xong; không xác định rõ vị trí làm việc của người học sau khi tốt nghiệp… Một số trường không tự thiết kế được chương trình đào tạo, mà đi sao chép của các trường khác.

Bộ GD&ĐT cho biết: Đến hết tháng 4/2008, chỉ mới có 329 người dự tuyển đi nghiên cứu sinh tiến sĩ và 86 người dự tuyển thạc sĩ đạt yêu cầu trình độ tiếng Anh. 241/1.459 giảng viên đăng ký dự tuyển chương trình đào tạo tiến sĩ – thạc sĩ nước ngoài chưa đạt yêu cầu về ngoại ngữ. Trong khi đó theo kế hoạch năm 2008, cả nước phải tuyển chọn để gửi đi đào tạo 1.500 tiến sĩ cho giảng viên các trường đại học, cao đẳng trong đó đào tạo trong nước là 1.000 và nước ngoài là 500 người.

Song song đó, hầu hết các trường đại học, cao đẳng trên cả nước đều cho biết: Đang phải đối mặt với việc giải quyết bài toán thực hiện quy mô đào tạo với việc dành ra một đội ngũ giảng viên để gửi đi đào tạo, trong điều kiện kinh phí cho hoạt động còn nhiều hạn hẹp. Các trường gửi đi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ chủ yếu dựa vào học bổng của ngân sách nhà nước, các hiệp định và quan hệ hợp tác. Như vậy, chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2010 các trường đạt tối thiểu 25% giảng viên có trình độ tiến sĩ và 40% trình độ thạc sĩ là rất khó hoàn thành.

Không tăng học phí – khó đảm bảo chất lượng

Không hẹn mà gặp, trong hội nghị lần này nhiều trường cùng kêu ca về học phí quá thấp. Với lý do giá lương tiền và tất cả các thứ tăng nhiều lần so với trước đây nếu cứ duy trì mức học phí như hiện nay thì hầu hết các trường đều khá nan giải trong việc duy trì các lớp học ở mức bình thường chứ chưa nói đến vấn đề nâng cao chất lượng đáp ứng nhu cầu xã hội.

Ông Nguyễn Mộng Hùng – hiệu trưởng trường đại học dân lập Văn Hiến nói: “Theo tôi biết hầu hết các trường đều đang có phương án tăng học phí cho năm học 2008 – 2009, nhưng tăng đến đâu, tăng bao nhiêu… 20%, 30% hay 50% là vừa?” Hiện các trường đang nhìn nhau và thăm dò dư luận xã hội.

Tiến sĩ Mai Hồng Quỳ, hiệu trưởng trường đại học Luật TP.HCM cho rằng: Với mức học phí 1,8 triệu đồng/năm chỉ nên có mức học phí tối thiểu ấn định cho các trường, thích hợp đào tạo theo số đông. Bộ nên xem xét cho ra một cơ chế cho phép các trường đưa ra các “sản phẩm đặc thù” của mình với những điều kiện đặc biệt và các trường được quyền ấn định mức học phí cho những sản phẩm đó. Hiện, các trường đã làm rải rác dưới hình thức các lớp chất lượng cao nhưng cũng khá hạn chế và dè dặt vì cho đến nay bộ vẫn chưa chính thức “bật đèn xanh”.

Bà Quỳ cũng cho biết thêm: Hiện các doanh nghiệp thường hay than phiền sinh viên đại học Luật khi ra trường thường rất yếu kỹ năng xử lý tình huống cụ thể và ngoại ngữ. Nhưng với sĩ số lớp học đông như hiện nay thì nhà trường không thể rèn luyện được các kỹ năng đó cho sinh viên. Do đó, hiện trường đại học Luật TP.HCM đang có kế hoạch giảm sĩ số các lớp học xuống còn 20 sinh viên/lớp nhưng thiếu kinh phí.

Hầu hết các trường đều cho rằng không thể đạt được hết các tiêu chí bộ đã đặt lên vai cho các trường trong thời gian qua, thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, với mức học phí như hiện nay.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng – bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu từ nay đến năm 2010 các trường phải hoàn thành việc kiểm định, trường nào không tự đánh giá được chất lượng phải có chế tài, xem xét lại có được phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh hay không, chậm nhất là tháng 12/2008 sẽ công bố các biện pháp chế tài. “Trên cơ sở đánh giá chất lượng, khối đại học, cao đẳng sẽ tăng dần học phí, tiến tới đảm bảo bù đắp được gần đủ chi phí thường xuyên, ít nhất đến 2010, phải bù đắp được chi phí thường xuyên” – ông Nhân cho biết.

Song song đó, đến tháng 3/2009, các trường vẫn không gửi chương trình đào tạo về cho bộ thì không thể tuyển sinh vì không thể đào tạo mà không có chương trình được.

“Mức cho vay học tập đối với học sinh, sinh viên sắp tới có thể sẽ tăng lên 1.000.000đ/tháng để theo kịp tốc độ tăng giá” – Phó Thủ Tướng – Bộ Trưởng Nguyễn Thiện Nhân.

(Theo Việt Báo)

Cùng chuyên mục