Trong số hàng trăm luật sư người gốc Việt tại Mỹ, luật sư trẻ Luân Phan được xem là một trong những người thành công nhất.
Mới đây Luân Phan đã được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Luật sư người Mỹ gốc Việt khu vực Nam California. Trong các năm 2004, 2005 và 2006, anh được bầu là “Ngôi sao đang lên” (Rising Star) của Nam California. Mới đây, Tạp chí Law and Politics and Los Angeles bầu chọn anh là “Siêu luật sư” (Super Lawyer) năm 2008. Vì đâu anh được tín nhiệm cao như vậy? Đó là tính cách làm việc hết mình đem lại thắng lợi cho thân chủ trong các vụ kiện và đặc biệt, một vụ kiện hồi năm ngoái mà luật sư Luân giúp thân chủ được bồi hoàn khoản tiền 96,4 triệu USD đã trở thành kỳ tích trong giới luật sư ở Los Angeles và làm điển hình để trường luật Loyola – nơi Luân tốt nghiệp – lôi cuốn sinh viên. Câu chuyện được kể lại dưới đây được xem như vụ kiện thắng nhiều tiền nhất cho một nguyên đơn trong lịch sử xử án của tiểu bang California.
Khi bác sĩ và bệnh viện phớt lờ
Vụ kiện liên quan đến một bé sơ sinh tên là Aidan, đã bị hư não bộ vĩnh viễn mà trách nhiệm thuộc về Bệnh viện Verdugo Hills (VHH) và bác sĩ trị liệu chính Nishibayashi. Aidan chào đời tháng 3.2003, là một đứa trẻ khỏe mạnh. Tuy nhiên, cháu có nguy cơ đối diện với việc phát triển một chứng bệnh gọi là kernicterus (bệnh vàng nhân não) – một chứng bệnh chỉ xảy ra ở trẻ sơ sinh trong vòng từ ngày thứ hai đến ngày thứ tám khi mới chào đời, mà nếu không ngăn chặn thì sẽ làm hư não bộ. Điều đáng nói là trước khi Aidan chào đời 2 năm, tức là từ năm 2001, các cơ quan y tế chính yếu ở Mỹ, kể cả Học viện Nhi khoa (AAP) và Trung tâm Ngăn ngừa và kiểm soát bệnh tật đều đã báo động trên cả nước về nguy cơ bệnh kernicterus tăng cao ở trẻ sơ sinh. Kèm theo lời cảnh báo là hướng dẫn ngăn ngừa bệnh mà AAP đã phổ biến từ năm 1994. Tất cả các bệnh viện đều phải bảo đảm tiến hành các chính sách và biện pháp thích hợp trong việc chẩn đoán, trị liệu để không một trẻ sơ sinh nào mắc phải chứng bệnh hiểm nghèo đó.
Mặc dù VHH thừa nhận là họ có biết đến những lời cảnh báo nói trên, nhưng ban giám đốc bệnh viện đã không thi hành theo những hướng dẫn và do vậy, tất cả nhân viên của bệnh viện, kể cả bác sĩ Nishibayashi, đã không lường được mức độ nguy hiểm đến với cháu Aidan để đưa ra những lời khuyên, chỉ dẫn thích hợp cho cha mẹ cháu. Hơn thế nữa, họ đã “tư vấn” cho cha mẹ Aidan những điều còn tai hại hơn.
Những lời khuyên tai hại
Khi Aidan bắt đầu bị chứng vàng da ngay sau khi chào đời, nhân viên y tế của VHH đã nói với cha mẹ cháu là không có gì lạ cả và tự nó sẽ biến mất chỉ trong vòng vài ba ngày thôi. Thậm chí, trên đầu Aidan có mấy vết bầm là dấu hiệu có thể tăng nồng độ sắc tố mật, dẫn đến chứng vàng da nặng rồi chuyển qua kernicterus nhưng bác sĩ Nishibayashi đã cho cháu về nhà 24 tiếng đồng hồ sau đó. Do tin vào lời tư vấn nên cha mẹ Aidan chẳng đưa cháu đến phòng cấp cứu. Chỉ hai ngày sau, Aidan bị vàng da nặng hơn. Các khám nghiệm sau đó cho thấy cháu đã bị máu dồn lên màng óc trước khi mẹ cho bú. Triệu chứng này kết hợp với nguồn gốc thuộc sắc dân Á Đông khiến Aidan rất dễ bị bệnh vàng nhân não. Cháu được chuyển ngay đến phòng cấp cứu và nơi đó phát hiện nồng độ sắc tố mật đã vượt mức. Nếu như Aidan nhận được sự trị liệu kịp thời và thích hợp thì cháu dễ dàng thoát khỏi những tổn thương não bộ. Và hậu quả của sự tắc trách từ VHH và bác sĩ Nishibayashi là vào lúc tòa xử án năm 2007, cháu Aidan đã 4 tuổi nhưng gần như sống đời sống thực vật. Cháu không đi, không ngồi, không đứng, không nói được, không thể tự mình ăn uống và tình trạng như thế sẽ kéo dài đến hết đời.
Khi vụ việc được đưa ra tòa, sau 9 ngày bàn cãi, cuối cùng bồi thẩm đoàn đi đến quyết định cho bên nguyên đơn được bồi thường khoản tiền 96,4 triệu USD, và đây trở thành một vụ kiện đi vào lịch sử xử án của California. Bồi thẩm đoàn gồm 12 người, 6 nam, 6 nữ, trong đó có 4 người Mỹ da trắng, 3 người Mỹ gốc Phi, 5 người còn lại gốc Á và Mỹ La-tinh. Số phiếu thuận cho bên nguyên là 9/12. May mắn cho luật sư Luân Phan là nếu chỉ đạt đa số phiếu 8/12 của bồi thẩm đoàn thì vụ kiện có thể phải xử lại. Họ đứng về phía nguyên cáo khi Luân Phan chứng minh quyền của các bậc cha mẹ là phải được khuyến cáo đúng mức về tình trạng sức khỏe nguy kịch của con mình. Trong vụ án này, bồi thẩm đoàn cho rằng lỗi cẩu thả của bệnh viện là 40%, của bác sĩ Nishibayashi là 55% và của cha mẹ cháu Aidan là 5% nên đã quyết định khoản tiền bồi hoàn nói trên.
Thế là công lao của luật sư Luân Phan cùng các cộng sự trong suốt 2 tháng đã được đền đáp. Trong thời gian 2 tháng đó, số tiền mà Luân Phan và nhân viên chi phí là 400.000 USD và thời gian làm việc của họ quy ra tiền khoảng 2 triệu USD.
Mỹ là quốc gia có nền y học tiên tiến nhưng cũng không tránh khỏi việc bệnh nhân tử vong do sai lầm của các giới chức ngành y, dẫn đến nhiều vụ khiếu kiện. Theo thống kê chỉ riêng tại tiểu bang California thì trong 10 tháng qua có đến 145 ca phẫu thuật mà bác sĩ đứng mổ đã bỏ quên dụng cụ bên trong cơ thể bệnh nhân; có 41 người bị giải phẫu sai bộ phận hoặc giải phẫu nhầm người khác. Mỗi tháng có khoảng 100 bệnh nhân bị nguy hiểm đến tính mạng do những lỗi đáng ra có thể tránh được.
Bí quyết thành công
Luân Phan tâm sự, bài học quan trọng nhất đối với anh trong xã hội Mỹ là: Khi đi phỏng vấn xin việc nếu im lặng quá thì sẽ thất bại vì không ai chịu thuê ta nếu như ta không tỏ ra năng động, không bộc lộ những gì mình muốn cho người phỏng vấn biết. Bài học đó rút ra từ chính trường hợp của anh. Khi còn là sinh viên trường luật Loyala, trong tổng số khoảng 400 sinh viên thì O’Melveny&Myers – một công ty luật uy tín – chỉ mời 6 sinh viên xuất sắc đến phỏng vấn, trong đó có Luân Phan. Nhưng do quá khiêm tốn và ít nói nên anh là người duy nhất không được thuê. Song có lẽ đó cũng là sai lầm của O’Melveny&Myers nếu như biết được kết quả sau này của vị luật sư trẻ mang lại cho bất cứ công ty nào mà anh cộng tác.
Tuy Luân Phan thường khiêm tốn nhưng bạn bè, đồng nghiệp đều thừa nhận anh là người rất năng động và ham học hỏi. Theo Luân Phan, để thành công trong nghề luật thì không nhất thiết phải áp dụng mọi thứ học được từ trong nhà trường, vì như thế thì ai cũng giống ai. Giờ đây, với danh tiếng của một luật sư chính, anh thường được giới thiệu các vụ kiện lớn với khoản tiền bồi thường lên tới hàng chục triệu USD.
Mỹ là quốc gia có nền y học tiên tiến nhưng cũng không tránh khỏi việc bệnh nhân tử vong do sai lầm của các giới chức ngành y, dẫn đến nhiều vụ khiếu kiện. Theo thống kê chỉ riêng tại tiểu bang California thì trong 10 tháng qua có đến 145 ca phẫu thuật mà bác sĩ đứng mổ đã bỏ quên dụng cụ bên trong cơ thể bệnh nhân; có 41 người bị giải phẫu sai bộ phận hoặc giải phẫu nhầm người khác. Mỗi tháng có khoảng 100 bệnh nhân bị nguy hiểm đến tính mạng do những lỗi đáng ra có thể tránh được.
Nguồn: Thanh Niên