(hieuhoc_hieuhoc.com): Là ngành học xuất hiện tương đối sớm ở Mỹ từ thế kỷ 19. Thế nhưng khi ngành học này đến với Việt Nam thì lại không được nhiều sinh viên đón nhận bởi vì họ chưa thực sự hiểu “Nhân học” là gì?
Mới từ tên gọi
Nhân học – Anthropology là cái tên còn khá mới mẻ với nhiều người, ngày cả những người đang theo học cũng chưa hiểu hết được ý nghĩa của nó. Hiện nay, rất nhiều người lầm tưởng Nhân học là Dân tộc học hay Nhân chủng học. Nhưng trên thực tế, Nhân học đã trở thành một ngành độc lập khi tách ra từ ngành Dân tộc học từ năm 2002 và Khoa Nhân học cũng được thành lập từ 5/4/2008 tại trường ĐH KHXH&NV TP.HCM. Với tên gọi này, nhiều người vẫn thường đặt câu hỏi với người trong ngành và dù đã giải thích nhưng người ta vẫn tỏ ra mơ hồ về điều mình vừa nghe.
Mới về cả nội dung và tài liệu
Hiện nay, Nhân học có 4 lĩnh vực lớn được nghiên cứu đó là Nhân học văn hoá, Khảo cổ học, Nhân học ngôn ngữ và Nhân học ứng dụng. Tuy nhiên, trong các lĩnh vực này lại chia làm nhiều khía cạnh khác nhau. Nội dung chương trình rất rộng, sinh viên không thể tìm hiểu hết được ý nghĩa của cái mình tìm hiểu.
Vì Nhân học chỉ có duy nhất tại trường ĐH. KHXH&NV TP. HCM cho nên, các nghiên cứu, các đề tài liên quan đến ngành còn hạn chế, hoặc có thì cũng chưa sát sườn. Sinh viên những thế hệ đầu luôn gặp rất nhiều khó khăn để tiếp cận.
Tài liệu nghiên cứu, giảng dạy và học tập của cả giảng viên và sinh viên còn thiếu. Đa số, các tài liệu là các sách, báo, tạp chí hay các công trình của nước ngoài, một số đã được dịch. Thế nhưng, điều đó cũng không thể giúp sinh viên có thể tìm hiểu về Nhân học dễ dàng, Thêm vào đó, tài liệuh cũng rất khó hiểu, viết theo lối tư duy của người nước ngoài, rất khó có thể tiếp cận được.
Điều kiện học tập và nghiên cứu
Nhân học đã có một vị trí nhất định trong các ngành nghiên cứu. Tuy nhiên, điều kiện học tập và nghiên cứu còn rất khó khăn. Là ngành học mới nên ngành phải “tự thân vận động” trong tất cả các hoạt động của mình. Chính vì vậy, bản thân sinh viên cũng sẽ phải nỗ lực hết sức cho cơ hội việc làm của mình.
Đối tượng nghiên cứu của Nhân học rất rộng. Trong đó, các dân tộc ít người được chú ý khai thác trên tất cả các phương diện. Và mỗi lần như vậy, người nghiên cứu sẽ phải sống ở địa bàn rất lâu cũng với dân bản địa theo nguyên tắc “3 cùng” mà điều kiện ở những vùng đó rất khó khăn. Trong những chuyến “field work”- điền dã ấy, các bạn sẽ phải trải qua một cuộc sống cực khổ và thiếu thốn mà vẫn phải lao động hết mình. Nhất là các bạn nữ thì khó khăn ấy sẽ là một trở ngại rất lớn.
Cơ hội việc làm chưa thực sự rộng mở
Cái gì cũng học và có thể làm được rất nhiều việc – đặc biệt là các công việc thuộc ngành xã hội nếu bạn tốt nghiệp ngành này. Tuy nhiên, đó là một bất cập. Nếu các bạn chuyên sâu vào một lĩnh vực nào đó thì khi ra trường các nhà tuyển dụng không phải suy nghĩ xếp bạn làm ở đâu. Còn Nhân học thì khác. Khi các bạn đi thực tập chưa nói là xin việc, người ta thường hỏi bạn có thể làm được gì vì nhìn vào chương trình đào tạo quá rộng nên họ khó mà biết bạn phù hợp ở vị trí nào.
Hiện nay, sinh viên ra trường gặp rất nhiều khó khăn. Những đơn vị không “kén” Nhân học thì rất ít và thường mang tính ổn định. Còn những nơi chấp nhận cho bạn làm trái ngành thì lại đòi hỏi cao về cả kinh nghiệm và trình độ làm cho các bạn bị lúng túng. Nếu các bạn đi theo con đường nghiên cứu, bạn sẽ làm giàu về tri thức, về vốn sống còn cuộc sống của bạn sẽ luôn dừng lại ở mức độ bình thường bởi vì đặc thù nghề nghiệp đã giới hạn.
Ngô Nghê