(hieuhoc_hieuhoc.com): Trong thời đại công nghiệp, thời gian vô cùng quan trọng nên cái gì cũng phải ngắn gọn, nhanh chóng. Khi bạn phải trình bày một vấn đề với ai đó, bạn phải làm thế nào để cho nội dung mình định truyền đạt thật súc tích? Những lưu ý này sẽ có ích cho bạn đấy.
1. Không nên sa đà vào những chi tiết không thật cần thiết. “Tôi đã đi đến ngân hàng đóng tiền điện, sau đó ghé vào siêu thị mua mấy cuốn sổ, cây bút rồi mới về công ty lúc 4 giờ chiều. Tuy nhiên, khi về thì tôi không gặp giám đốc”. “Tôi đã đến đó vào thứ 5, cũng có thể là thứ 4, à mà chắc là thứ 5 thì phải…”. Không ai quan tâm bạn đã đi những đâu, làm những gì cũng như chính xác bạn đến đó vào ngày thứ mấy, vì thế hãy bỏ qua những tiểu tiết này nhé. Bạn chỉ nên trình bày những thông tin có liên quan đến nội dung đang nói.
2. Không nên lặp lại những ý tưởng hay phần nội dung đã trình bày, trừ khi người đối diện không nghe kịp hay ra hiệu cho biết là không hiểu, hoặc là bạn muốn nhấn mạnh ý đó – nhưng cũng chỉ nên nhắc đến lần thứ 2 mà thôi. Bạn nên trình bày một lần và tiếp tục với những phần khác.
3. Quyết định sử dụng nếu đó là ý tưởng thật sự mới xuất hiện trong lúc thảo luận, nếu không thì đừng nên dùng. Sẽ rất lãng phí thời gian nếu bạn lặp lại một ý tưởng cũ với sự thay đổi chút ít trong cách thể hiện.
4. Loại bỏ bớt những từ dư thừa, những từ đệm như: rằng, thì, là, mà, với, ừ, ờ… Cố gắng trình bày càng ngắn gọn, súc tích càng tốt và chuyển tải chính xác những điều bạn muốn thể hiện.
5. Nói với tốc độ vừa phải để người nghe dễ tiếp thu. Tránh nói quá chậm, ê a trong miệng, nói kéo dài lê thê khiến người nghe trở nên mệt mỏi, chán nản và có thể nói trước câu chuyện của bạn khi dễ dàng đoán được những gì bạn sắp trình bày tiếp theo. Cũng không nên nói nhanh quá vì như vậy người nghe sẽ hiểu không kịp ý mà bạn nói.
6. Không nên pha trò khi chỉ có bạn nghĩ là nó buồn cười. Có thể bạn cho rằng những câu nói đùa sẽ gây ấn tượng nhưng những người nghe lại nghĩ bạn đang phí thời gian cho những trò đùa dai vô duyên.
7. Nên sử dụng các câu có cấu trúc ngữ pháp đơn giản như câu đơn, ngắn; hạn chế dùng các câu phức được ghép bởi hơn 2 mệnh đề, các câu dài lê thê.
8. Bạn có thể sử dụng ngôn ngữ của thân thể như khua tay, nhún vai, nét mặt, ánh mắt… bởi nó sẽ bổ trợ cho thông tin bạn nói rất nhiều và đôi khi nó còn có thể thay thế cho việc phải nói ra.
9. Trong cuộc thảo luận nhóm, hãy đưa ra những câu hỏi không chỉ liên quan đến cá nhân bạn mà còn liên quan đến nhiều người khác. Đừng đề cập những thông tin không dính dáng gì tới số đông bởi mọi người sẽ chẳng mấy quan tâm đến những vấn đề không liên quan gì đến họ đâu bạn à. Nếu bạn có thắc mắc riêng thì hãy để dành trao đổi sau đó.
Trần Bình
(Chú ý: Hãy ghi rõ nguồn: “Trần Bình – Theo hieuhoc_hieuhoc.com” khi xuất bản lại nội dung bài viết này)