(hieuhoc_hieuhoc): Những đoạn quảng cáo đặc sắc trên TV khiến cho những đứa trẻ hiếu động trở nên “ngoan” hơn dần trở thành một hình ảnh quen thuộc, hay một tờ poster phim dán ngoài cổng rạp chiếu thu hút đến mức khiến cho bạn chỉ muốn bay ngay vào rạp… Và bạn tự hỏi “Họ đã làm điều đó như thế nào?”.
Họ là ai?
Những năm gần đây ngành quảng cáo bùng nổ và ngày càng phát triển mạnh mẽ khi mà nhu cầu quảng bá hình ảnh cũng như thương hiệu, sản phẩm của các công ty thương mại và dịch vụ trở thành một điều thiết yếu và thậm chí mang yếu tố “sống – còn”.
Vai trò của các công ty quảng cáo là thu thập các yêu cầu từ khách hàng, viết lại định hướng sáng tạo và trao đổi để khách hàng thống nhất với định hướng này. Người đứng đầu những dự án này không ai khác hơn là những giám đốc sáng tạo (CD – Creative Director). Họ có vai trò rất quan trọng, là những người phát triển tầm nhìn thương hiệu, đưa ra đường hướng sáng tạo rõ ràng cho thương hiệu đó. Sau khi định hướng được thống nhất, đội ngũ sáng tạo mới chính thức bắt tay vào công việc thi công dự án.
Thông thường GĐST sẽ làm việc trực tiếp với copywriter và giám đốc mỹ thuật để có được những ý tưởng sáng tạo cụ thể, đó có thể là một câu slogan, kịch bản cho một đoạn video clip quảng cáo…
“Người thợ mỏ'” miệt mài
Thu Sương, GĐST công ty Events, có thói quen là thấy cái gì hay, mới, lạ cũng tìm đến “sờ mó”, sau đó rút chiếc máy ảnh “chộp” và cho vào máy tính xách tay. Như mọi CD khác, Thu Sương chú ý rất kỹ các chương trình quảng cáo, các sự kiện. Đi siêu thị, Sương âm thầm đứng một góc “quay phim” cái cách người ta “phê” khi thử nước hoa; đến quán ăn, cô “chụp hình” cảm giác thèm thuồng của thực khách đói bụng… Cô gái trẻ tâm sự: “Làm nghề này đầu óc cứ suy nghĩ miên man với những ý tưởng sao cho độc đáo, người cứ bay như ở… cõi trên”.
Thật vậy, tính chất công việc GĐST là không bao giờ cho phép cái đầu mình được rời khỏi nhiệm vụ phải nghĩ ra một cái gì đó độc đáo và mới lạ. Điều này luôn dễ khiến họ bị gắn liền với hình ảnh của một con người tò mò và lập dị. Đồng thời để nắm bắt kịp thời xu hướng của xã hội, GĐST phải luôn trau dồi kiến thức tổng quát của mình về tất cả các lĩnh vực nhằm tạo ra những sản phẩm tạo được sức thuyết phục cao nhất.
Khi chấp nhật là một GĐST có nghĩa là bạn phải chấp nhận một luật bất thành văn đó là chỉ có giờ bắt đầu làm việc, chứ không có khái niệm giờ tan sở. Với một GĐST thì việc đi làm vào 8 – 9h sáng và ra về vào lúc 4h chiều hoặc… 4h sáng hôm sau là một chuyện rất có thể xảy ra.
Những tố chất cần thiết
Để trở thành một GĐST đòi hỏi bạn phải có tư duy thẩm mỹ cũng như tư duy logic tốt. Bạn là người quyết định sau cùng cho sự thành công của một sản phẩm hay một thương hiệu vì thế áp lực cho công việc này cũng cực kỳ lớn. Vừa phải là sao chiều lòng đối tác mà vừa tạo ra sức ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng, đòi hỏi bạn phải luôn trong tình trạng chạy đua với thời gian, chạy đua với thời đại và chạy đua với cả những suy nghĩ và ý tưởng của người khác.
Điều quan trọng nhất đối với một GĐST chuyên nghiệp là khả năng quản lý, đào tạo những đồng sự sáng tạo. Trong một số tình huống chính họ phải “xắn tay áo”, nhưng thường thì chỉ gợi ý và kiểm tra, hỗ trợ các đồng sự phát huy tiềm năng sáng tạo.
Học ở đâu?
Quảng cáo là một ngành kinh tế tri thức, song chúng ta chưa có chính sách đúng mức trong hỗ trợ đào tạo; ngoài xã hội cũng chưa có sân chơi nào cho người làm sáng tạo trong ngành quảng cáo.
Các GĐST chuyên nghiệp hoạt động ở Việt Nam thường có tuổi đời trên dưới 40. Theo ông Trần Hoàng – giám đốc Vietnam Marcom chuyên đào tạo nhân lực ngành quảng cáo, họ đã phải hành nghề sáng tạo suốt 10-20 năm trong môi trường chuyên nghiệp mới “thấu hiểu những ngõ ngách của cuộc chơi sáng tạo phục vụ kinh doanh”.
Trên thực tế, nhiều GĐST đi lên từ hai chức danh cũng thuộc bộ phận sáng tạo là copywriter (viết lời quảng cáo) hoặc art director (giám đốc mỹ thuật). Bạn có thể tham khảo các khóa đào tạo những vị trí trong lĩnh vực này tại đây.
Huy Toàn
(Chú ý: Hãy ghi rõ nguồn: “Huy Toàn – Theo hieuhoc_hieuhoc.com” khi xuất bản lại nội dung bài viết này)